Tuy chiếm số lượng khá nhỏ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên nhưng người Ngái có nhiều nét văn hóa đặc trưng, đặc biệt là trong lĩnh vực ẩm thực.
Lương thực chính của người Ngái là gạo tẻ, gạo nếp, bên cạnh đó là ngô và một vài loại ngũ cốc khác. Trong bữa ăn ngoài cơm, người Ngái còn ăn một số món ăn mang đậm tính dân tộc: Miến, mì, xíu mại được chế biến từ gạo hoặc dong riềng. Thực phẩm ăn kèm là các loại thịt, trứng và cá. Đối với thịt và cá người Ngái thường rán, xào hoặc rim nhưng cách rim của họ cũng đặc biệt. Trước khi rim bao giờ họ cũng cho thực phẩm vào rán vàng rồi đổ nước mắm hoặcc xì dầu cùng các phụ liệu gia vị như đường, tỏi, ớt vào đun đến khi cạn nước.
Tuy nhiên, trong bữa cơm hàng ngày của người Ngái thức ăn chủ yếu lại là rau xanh: rau muống, cải, su hào. Trong các món rau, củ cải muối là một trong những món ăn được nhiều gia đình người Ngái ưa thích. Các món ăn của người Ngái bao giờ cũng nhiều dầu mỡ, đậm cay, ngọt. Trong quá trình chế biến thức ăn, các loại gia vị như hành, tỏi, ớt, gừng, rau thơm hầu như không thể thiếu.
Người Ngái rất cần trọng trong việc ăn uống. Theo quan niệm của họ trong quá trình chế biến thức ăn việc sử dụng gia vị một cách tương hợp không chỉ gắn với khẩu vị mà đó còn là một trong những cách phòng, chữa bệnh. Hơn thế nữa theo người Ngái một số món ăn ngoài việc bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể còn thể hiện vốn tri thức dân gian phong phú.
Chế độ ăn uống của người Ngái phụ thuộc vào nông lịch và đặc điểm khí hậu từng mùa. Mỗi bữa ăn là một dịp sinh hoạt cộng đồng đối với người Ngái. Trong các ngày lễ, tết hay các dịp sinh hoạt cộng đồng gia tộc với quy mô khác nhau: vào nhà mới, đầy năm cho con, mừng thọ cha mẹ các bữa ăn được tổ chức trang trọng với nhiều món ăn mang đậm bản sắc dân tộc.
(Theo TCDL).