Lúc 25 tuổi tôi hỏi một người anh cảm giác người 30 tuổi thế nào? Tôi nhớ anh ta bảo "Chẳng có gì cả, mua nhà mua xe hết sạch tiền rồi." Tôi năm nay 33, ngẫm lại thấy mình cũng chả khác người anh đó là bao.
Trong bài viết này tôi sẽ nói về tâm lý đàn ông tuổi 30. Đây là những suy nghĩ cá nhân. Nó có thể đúng có thể không đúng, có thể chung tư duy với người này có thể khác suy nghĩ người kia, nhưng bạn hãy thử ngẫm xem đúng bao nhiêu phần trăm nhé.
1. Tôi thấy mình thật nhỏ nhoiTâm lý đàn ông tuổi 30, tôi thấy thành công của mình quá nhỏ nhoi.
Năm 2015, tôi có căn nhà đầu tiên, rồi sau đó 1-2 năm tôi có xe. Lúc đấy tôi nghĩ mình giỏi lắm. 28, 29 tuổi mà đã thực hiện được ước mơ mà nhiều người cả đời không làm nổi. Tôi không đến nỗi huênh hoang, nhưng cũng có chút tự mãn trong người.
Nhưng càng ngày càng tiếp xúc và biết thêm được thành công của người khác. Có những người họ kiếm được chục tỷ, thậm chí vài chục tỷ một năm trong khi chỉ mới 20, 21. Tôi nhận thấy thành công của mình chẳng là gì cả. Nó đáng tự hào, nhưng chỉ nên tồn tại trong chốc lát.
Lúc ấy tôi có 2 lựa chọn, một là ngồi đó tự huyễn với những gì mình đang có. 2 là bắt đầu chinh chiến những thứ khác. Tôi thích lựa chọn số 2.
2. Tôi "tỉnh ngộ" về việc nhìn nhận các mối quan hệ xã hộiTâm lý đàn ông tuổi 30, tôi đã có những nhận thức mới về những mối quan hệ xung quanh.
Hồi trẻ, tôi có vô vàn mối quan hệ mà tôi cho là thâm tình, thâm ý. Tôi từng tự hào khoe trong danh bạ điện thoại có lưu tới hơn 3000 contacts. Tự tin các mối quan hệ ấy sẽ mang lại những giá trị quý giá cho bản thân. Nhưng, tất thảy đó là sự ảo tưởng ngớ ngẩn.
Tới năm 30 tuổi, trải qua nhiều pha "lật mặt" của những mối quan hệ từng cho là thân thiết ấy, tôi mới thấm thía lời cô bạn thân từng nói: "Nếu bản thân cậu không giỏi, thì những quan hệ xã hội kia thực ra cũng vô nghĩa mà thôi. Chỉ có sự trao đổi bình đẳng mới có thể có được sự giúp đỡ hợp lí. Do đó, một khi cậu còn chưa đủ giỏi, chưa đủ ưu tú, thì chớ có lãng phí quá nhiều thời gian quý báu vào các cuộc xã giao, hãy dùng một ít thời gian để đọc sách nâng cao kỹ năng chuyên môn. Chúng ta đều đã từng tham gia vào một hội nào đó, rồi phát hiện ra rằng chẳng có gì để nói, thậm chí không biết nên làm gì, bởi lẽ tập thể ấy không thuộc về chúng ta. Phải biết rằng, chỉ có người ưu tú tài giỏi, mới có được quan hệ xã hội có ích."
30 tuổi, tôi lạnh người thừa nhận: Đừng cảm thấy thế giới này tàn khốc, đó chỉ là quy tắc của trò chơi...
Có sự trao đổi bình đẳng, thì mới có tình bạn hữu bình đẳng!
Vậy nên trước khi muốn có những mối quan hệ có ích, và một thành công vững chắc thì hãy tự giúp mình trở thành người hữu ích và là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó.
3. Tôi thấy lo lắng cho sức khỏeNhững năm 20 tuổi, tôi nghiện hút thuốc lá. Tôi thích nhất là mỗi sáng thức dậy phải làm vài hơi cho tỉnh táo. Lúc cơm no cần 1 điếu để hãm lại. Rồi khi vui hay căng thẳng tôi cũng có thuốc lá để chia sẻ cùng mình cảm xúc đó. Đó là một phần con người của tôi, không chối cãi.
Thời điểm đó, tôi thấy cuộc sống của tôi khá stress, áp lực từ nhiều phía cộng lại. Lại được đứa bạn cho điếu thuốc lá điện tử, thế nên tôi hút hết loại này đến loại khác, vị này đến vị khác, cho đến bị ho suốt 1 tháng chưa khỏi thì mới quyết định bỏ.
Chính xác, nếu không vì lo lắng cho sức khỏe có lẽ tôi cứ thế ngậm thuốc trên miệng hết đời luôn. Tôi muốn sống healthy chứ không muốn chết vì ung thư trong vòng 10-20 năm tới. Tâm lý đàn ông tuổi 30 là vậy, rất quan ngại vấn đề sức khỏe.
Bạn cũng vậy, 20 tuổi chẳng ai lo lắng về sức khỏe đâu, nhưng đến 30 thì bạn phải biết trân trọng nếu không muốn cơ thể bắt đầu bệnh tật năm 40 cho đến hết phần còn lại của cuộc sống.
4. Không chạy theo thương hiệu nữaTâm lý đàn ông tuổi 30, đó là tôi không chạy theo thương hiệu nữa.
Cái đáng sợ trong chi tiêu tài chính đó là bạn trở thành nô lệ của thương hiệu. Tôi và một người bạn mua xe cùng một thời điểm. Lúc đó cả 2 định lấy Mẹc C nhưng tôi bảo mới lái nên lấy cái xe phổ thông thôi, đi chừng 1-2 năm thì tôi đổi còn bạn thì vẫn lấy Mẹc. Chừng 2019 gì đó thì bạn ý bán Mẹc đi và đổi lên Jaguar vì không cưỡng được. Còn tôi thì vẫn chạy con xe phổ thông vì thấy mất giá quá không muốn bán. Đến cuối 2020 dịch Covid thì bây giờ phải bán hết và chịu lỗ rất nhiều.
Chạy theo thương hiệu là cách khoan thủng ví nhanh nhất. Cứ phải iPhone mới nhất, Macbook mới nhất. Đồ hiệu ra năm nào phải chạy theo năm ấy. Tôi thì cứ mua đồ giảm giá thôi, 1 năm mua 2 lần mặc cả năm. Nước hoa cũng vậy, tôi chỉ dùng loại 1-2 triệu thôi. Rượu tự uống không phải tiếp ai nên chỉ uống rượu vài trăm nghìn.
Nói vậy không có nghĩa tôi là người tằn tiện, hay túng thiếu gì cả. Hãy nhìn cuộc sống của tôi đi, đâu có thiếu gì đúng không? Thứ mà tôi muốn chia sẻ để bạn hiểu ở đây, đó là đừng trở thành nô lệ của thương hiệu. Vì nó sẽ khiến bạn nghèo đi rất nhanh. Tôi học cái này từ những chia sẻ của triệu phú nước ngoài. Nhưng tôi nghĩ người bình thường như tôi với bạn đều có thể áp dụng được.
5. Tôi thấy mình dễ khó chịu với sự ngu dốtKhông biết bạn có thấy vậy không, nhưng từ khi 30 trở ra, tôi ngày càng thấy rất khó chịu với sự ngu dốt hơn. Nếu người đó thể hiện ra sự đần độn và rỗng tuếch của mình, tôi gần như sẽ không muốn dành thời gian cho họ nữa.
Không, không phải ngu dốt là không nhận thức được vấn đề đó đâu nhé. Làm gì có ai biết được mọi thứ trên đời. Có là Bill Gates hay Ganhil cũng không thể hiểu hết được mọi lĩnh vực. Một tay sao che nổi trời?
Ngu dốt mà tôi định nghĩa nó là thái độ. Thái độ của người ngu dốt là thế nào? Không lắng nghe, không học hỏi, đầu đóng lại trước mọi kiến thức, thường đưa ra những lý luận trên không trung, và luôn cho mình là đúng. Những người đó nếu có anh em ruột là triệu phú cũng vẫn nghèo, không học hỏi được gì.
Đó là chút suy nghĩ của tôi về tâm lý đàn ông tuổi 30 về các mặt như tình cảm, quan hệ xã hội, tiền bạc, sức khỏe, cuộc sống. Còn bạn thì sao, đến tuổi này bạn cảm thấy thế nào?
_________________________
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị