Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế vừa tổ chức buổi tọa đàm về công tác bảo tồn và phát huy Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam.
Qua 3 năm (3.2005 – 8.2008) triển khai Dự án Bảo tồn Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam, Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu nhân loại của UNESCO, với nguồn tài trợ 154.000 USD từ Quỹ Ủy thác Nhật Bản, TTBTDTCĐ Huế đã tập trung tổ chức đào tạo cho cán bộ dự án; đào tạo nhạc công Nhã nhạc; tập huấn, nâng cao kỹ năng biểu diễn do GS. Trần Văn Khê, GS. Tô Ngọc Thanh, NSƯT Trần Kích… trực tiếp giảng dạy. Ngoài ra, cũng đã phục hồi một số bài tiêu biểu như Thái bình cổ nhạc, các bài Thài…; phục chế gần 160 bộ áo Bát dật văn và Bát dật võ, áo mão Tiểu nhạc và Đại nhạc; đồng thời tổ chức nhiều buổi biểu diễn Nhã nhạc trong và ngoài nước; góp phần tạo nên các điểm nhấn trong các kỳ Festival Huế, chương trình Đêm Hoàng cung, lễ tế Nam Giao, lễ hội thi Tiến sĩ Võ, lễ tế Đàn Xã Tắc, lễ hội Huyền thoại sông Hương…
Tại buổi tọa đàm, KTS Phùng Phu, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế, đã đề nghị Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu đề xuất hình thức tôn vinh, chế độ chính sách hỗ trợ các nghệ nhân truyền dạy Nhã nhạc; tổ chức và mở rộng thêm một số đợt nghiên cứu thực tế tại nước ngoài; tìm thêm các nguồn kinh phí cho các chương trình tiếp nối các hoạt động đang thực hiện sau khi dự án do Quỹ Uỷ thác Nhật Bản tài trợ thông qua UNESCO kết thúc vào tháng 10.2008 để tiếp tục bảo tồn và phát huy bền vững giá trị Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam…
Sau 3 năm triển khai thực hiện, được Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã đánh giá đây là một dự án mẫu mực trong khu vực về tính hiệu quả.
Hoàng Thị Thọ