Làng chài Cửa Vạn trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vừa được trang web du lịch Journeyetc.com bầu chọn là một trong 16 ngôi làng đẹp nhất thế giới. Ngôi làng hoàn toàn nổi trên mặt nước và tập quán sinh sống của cư dân ở đây cũng không giống bất kỳ nơi nào…
Một góc làng chài đẹp nhất thế giới. Ảnh: Thành Duy.
Ngôi làng kỳ lạLàng chài Cửa Vạn có nguồn gốc từ làng chài cổ Giang Võng, Trúc Võng ở bên bờ vịnh Hạ Long. Sau đó một phần dân làng này định cư luôn trên vịnh Hạ Long.
Tên gọi Cửa Vạn sau này được lý giải rằng vì làng nằm trong một khu vực xung quanh là núi đá vôi sừng sững quây lại và có một lối ra vào như một cái cổng khổng lồ. Chữ Vạn là dân vạn chài.
Từ bến Đoan (TP Hạ Long), sau ba tiếng chạy tàu (khoảng 30 km), tôi đã cập bến, vô thăm làng chài bồng bềnh trên biển Cửa Vạn.
Ngư dân Nguyễn Văn Thái, 56 tuổi cho biết, không rõ làng có từ bao giờ, từ khi sinh ra ông đã ở trên biển. Ông đánh bắt hải sản rồi mang vào đất liền bán. Con cái ông trưởng thành cũng lập gia đình ở trên biển.
“Trước kia cả gia đình tôi sống trên thuyền. Sau này, nhặt nhạnh phao xốp, đóng thành bè, dựng chòi neo lại mới có được căn nhà chòi như hiện nay. Anh em, họ hàng quây quần trong một góc nhỏ rồi nương tựa mà mưu sinh”, ông Thái kể.
Ông bà Thái chuẩn bị đi vớt sứa.
Bà Thái ru cháu trên võng nhớ lại, đời bà tới nay đã phải dựng 5 cái nhà. Từ một cái chòi, mở rộng dần dần mới có phòng riêng cho các con gái lớn. Có tiền thì mua ván tốt, đinh tốt, nhà mới bền. Nhà gỗ trên biển rất nhanh xuống cấp. Ở đây người ta không dỡ cả nhà làm lại mà sửa dần dần. Miếng ván nào mục thì thay. Mái hỏng chỗ nào thì làm chỗ đó, vì không có nhiều tiền để làm mới.
Theo Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn, Ban Quản lý vịnh Hạ Long, mỗi năm khu vực Cửa Vạn đón gần 3 vạn du khách.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh đang thực hiện Đề án Bảo tồn phát huy văn hóa làng chài trên vịnh Hạ Long để phục vụ du lịch. Một cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch cho biết, di chuyển bà con làng chài lên bờ không có nghĩa là làng chài và những giá trị làng chài sẽ mất đi mà sẽ được quản lý bảo tồn hợp lý để phục vụ du lịch. Tuy nhiên, phương án bảo tồn thế nào vẫn chưa thống nhất.Bà Thái cho biết, trước đây đám cưới hát giao duyên, hát đối. Nhà trai nhà gái ở trên thuyền. Cả làng đến dự. Bây giờ khác, con gái làng chài đã có thể kết hôn với người trên bờ. Đưa dâu bằng tàu du lịch. Tổ chức đám cưới ở nhà hàng, cả làng đi tàu vào bờ ăn cưới. Đám cưới nhà trai với nhà gái ở làng chài cũng tổ chức trên bờ rồi đưa dâu từ bờ ra biển sinh sống làm ăn…
Phương tiện giao thông của dân làng là những chiếc mủng nan. Tôi được mời ăn một cốc chè đỗ đen có đá của một người bán hàng xén trong cái cửa hàng bằng mủng nan trên biển.
Ông Nguyễn Văn Long, khu trưởng làng chài Cửa Vạn, phường Hùng Thắng cho biết, ngôi làng có khoảng 130 hộ dân. Kể cả tạm trú, làng có khoảng 600 người. Khoảng 1/3 dân làng mới đến đây sinh sống. Cư dân được đăng ký hộ khẩu, tạm trú tạm vắng và nhà bè được đánh số hẳn hoi.
Làng không có điện, nước ngọt phải mua 15.000 đồng/phi 200 lít, không có trạm xá, chỉ có một người bán thuốc.
Trước đây điều kiện đi lại khó khăn nên công tác chăm sóc sức khỏe không tốt, người dân vẫn phải uống thuốc thầy lang, kết hợp cúng bái mong khỏi bệnh.
Người chết thì để trên núi đá vôi… Mới đây, chính quyền yêu cầu phải đưa người quá cố vào đất liền mai táng.
Ngày nay, làng chài Cửa Vạn là một trong những tuyến tham quan du lịch chính thống trên vịnh Hạ Long.
Một trung tâm văn hóa làng chài do Ban quản lý vịnh Hạ Long quản lý, trưng bày, lưu trữ các hoạt động, công cụ, tập tục của người dân chài trên vịnh.
Mới đây, người dân trong làng đã thành lập một hợp tác xã du lịch chèo thuyền đưa du khách tham quan làng chài và cảnh quan, hang động quanh làng.
Du khách thăm làng chài.
Một người dân làng chài cho biết, rác thải sinh hoạt thì được thu gom nhưng việc vệ sinh cá nhân vẫn cứ… thả tự nhiên xuống biển. Chuyện lắp hệ thống bể phốt thu gom chất thải khó khả thi vì tốn kém. Hơn nữa bể phốt phải dùng nước ngọt thì mới phân hủy được. Trong khi nước ngọt ở đây rất hiếm và phải tiết kiệm.
Là một ngôi làng đặc biệt nên thói quen sinh hoạt của dân làng cũng khá lạ. Người dân làng chủ yếu đi câu, đánh lưới, vớt sứa…vào buổi tối và đêm. Sáng mới về. Gần như người dân cả làng ban ngày ở nhà, chỉ có một số hộ đi vớt sứa vào buổi sáng.
Ông Nguyễn Văn Thái cho biết, một ngày người dân làng ăn hai bữa nhưng giờ giấc không cố định. Sáng dậy, nhiều người đan lưới, đóng bè, sửa thuyền…và cứ đến khi nào xong việc thì mới ăn. Họ có thể 10 giờ mới ăn sáng hoặc tới hai giờ chiều mới ăn trưa dù cơm canh được nấu từ sáng sớm.
Ít có hoạt động giải trí, dân ở đây thích chơi phỏm, tổ tôm. Chơi nhỏ thôi nhưng để giết thời giờ. Những ngày có khách, họ chèo đò, hướng dẫn du khách tham quan. Nhiều gia đình muốn đón khách ngủ đêm trong làng nhưng chưa được phép vì không được đầu tư cơi nới nơi ở.
Ông Phạm Ngọc Hùng, phụ trách khu vực làng chài Cửa Vạn cho biết, hầu hết du khách đều rất thích làng chài. Điều này được thể hiện trong quyển lưu bút ở trung tâm. Họ đặc biệt thích cảnh quan của làng chài và ngạc nhiên có một ngôi làng nổi hoàn toàn trên vịnh.
Hôm ở làng chài, tôi gặp một cặp vợ chồng người Úc chèo thuyền kayak qua làng rồi lén trèo lên làng tham quan. Họ rất ngạc nhiên khi có một lớp học trên biển.
Và mặc dù không đồng ý để người hướng dẫn viên cho du khách vào trường nhưng ông Nguyễn Văn Long, Trưởng khu làng cho biết, khách thích vào khu vực trường học và vào làng vì họ thấy rất lạ và thú vị trước cuộc sống của bà con…
Chèo mủng đi học
Năm 2000, trường Tiểu học Hùng Thắng, TP Hạ Long mở 4 điểm trường trên vịnh Hạ Long và làng chài Cửa Vạn bắt đầu có chữ.
Trường học rộng khoảng 70 m2 có 3 phòng học, một phòng dành cho cô giáo ở. Giáo viên được chuyển từ đất liền ra dạy nghĩa vụ 2 năm lại vào bờ, giáo viên khác ra thay.
Hiện, điểm trường có 6 lớp từ lớp 1-5 và một lớp bổ túc do 5 cô giáo và một thầy phụ trách. Giáo viên phần lớn đều mới ra trường.
Trẻ tự chèo thuyền đến lớp học.
Cô giáo Nguyễn Thu Huyền, 24 tuổi cho biết, các em nhỏ ở đây rất ham học, đi học đều. Bố mẹ anh chị thường chèo mủng đưa các em đến trường. Nhiều em tự chèo đò đi học. Trẻ ở đây hầu hết theo hết lớp 5 là nghỉ. Số ít còn lại được gia đình gửi nhà người quen học ở trong phố.
Theo cô Huyền, trong một lớp, học sinh chênh nhau vài tuổi là bình thường. Vì nhiều em đang học thì bỏ giữa chừng, về làm việc nhà, vài năm sau thấy thiệt thòi, cô giáo đến vận động miết gia đình lại cho đi học. Đang học, có em đòi về theo bố mẹ đi đánh câu, quăng lưới...
“Em mới cùng một số cô giáo trẻ ra làng dạy học từ 2011. Nhà em ở trung tâm TP Hạ Long. Hồi mới ra, điện không có, mấy chị em ngủ trên một cái giường. Chuột không biết từ đâu chạy rầm rầm cả đêm. Ti vi, radio không có, buồn phát khóc. Sóng điện thoại cũng chập chờn”, Huyền nói và cho biết, giờ vẫn chưa có người yêu.
Các thầy cô đều rất thương học trò. Vì ngôi làng có điều kiện đặc biệt nên điểm trường được nhà nước, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước rất quan tâm hỗ trợ. Nơi tặng sách, bút, bàn ghế, cặp phao, nơi thì cho quần áo đồng phục, áo phao…
Chuyển dân làng đến Kái Xà Cong?Được vinh danh là một trong những ngôi làng đẹp thế giới nhưng người dân ở đây không biết và không quan tâm lắm. Họ chỉ quan tâm tới việc mới đây tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch di chuyển dân làng vào bờ.
Bà Thái bảo, nghe nói sẽ chuyển đến Kái Xà Cong. Ở đấy đất đai thế nào, nghe cán bộ nói gần biển lắm không biết có làm nghề được không?
Tôi có biết kế hoạch chuyển các ngư dân sống trên vịnh Hạ Long lên bờ, cấp đất, hỗ trợ xây nhà, cho bà con có một cuộc sống khác.
Trẻ con được học hành, người già được chăm lo sức khỏe…Kái Xà Cong thuộc phường Hà Phong, TP Hạ Long là bãi triều ngập nước. Nhiều chỗ được đổ đất lấn biển tạo mặt bằng. Vừa có nhà trên đất vừa có thể làm nghề biển được. Nơi ấy cũng ken dày núi đá vôi và cũng có nghề chài lưới.
Ông Hoàng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, theo kế hoạch, không chỉ đưa bà con lên bờ mà vẫn đảm bảo bà con có thể vẫn có việc làm như cũ, giá trị văn hóa của vịnh Hạ Long vẫn được bảo tồn và phát huy…
Mới đây, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã giao cho Thành ủy Hạ Long chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng triển khai, tiến hành di dời dân đồng bộ, chắc chắn, quyết liệt.
Yêu cầu đặt ra với TP Hạ Long phải khảo sát, nghiên cứu kỹ về nguyện vọng, tâm tư, ngành nghề và cuộc sống của người dân làng chài trên cơ sở đó tái định cư phù hợp.
Việc di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long phải hoàn thành trước tháng 6-2014. Những hộ dân có hộ khẩu sinh sống trên vịnh trước 1-1-2005 được ở lại nhưng chỉ chấp nhận những hộ neo đậu trong 7 khu vực được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2005.
Những hộ sau thời điểm nói trên buộc phải di dời, họ được giải quyết bố trí tái định cư, đảm bảo ổn định cuộc sống.
Trang web Journeyetc.com, là web chuyên tư vấn và liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về du lịch trên khắp thế giới. Lý do Cửa Vạn được chọn là một trong 16 làng chài đẹp nhất thế giới, là chiều sâu lịch sử cùng cảnh sắc hùng vĩ của vịnh Hạ Long bao bọc quanh làng. “Đây là ngôi làng xinh đẹp đáng để du khách thưởng ngoạn một lần trong đời. Bởi họ sẽ có cơ hội lưu lại những bức ảnh đẹp ấn tượng về ngôi làng nổi, về những ngôi nhà nhiều màu sắc, cảnh sắc, không gian riêng có ở đây”.Thành Duy - tienphong.vn