Nơi ấy có những con đường ngoằn ngoèo vắt ngang núi, rồi mất hút trong ngút ngàn màu xanh của cây rừng. Những ngôi nhà chìm khuất trong mây thoắt ẩn, thoắt hiện. Những vách núi sừng sững giữa trời. Đâu đó những thác nước trắng xóa từ trên cao đổ xuống đầy kiêu hãnh. Sự
kỳ vĩ của thiên nhiên Ý Tý khiến ai đó nếu từng đến và được ngập chìm giữa bao la, khoáng đạt, mênh mang và vĩ đại của đất trời, sẽ không thể quên được cảm xúc tuyệt vời này.
Có phải vì thế mà khi đặt chân đến Ý Tý, nhiều người cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác, giống như một giấc mơ cổ tích. Nếu lên Ý Tý vào ngày thứ bảy, du khách sẽ được hòa mình vào phiên chợ
văn hóa với rực rỡ sắc màu thổ cẩm của các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì. Mỗi dân tộc một kiểu trang phục, một cách vấn khăn, một lối trang sức. Không lẫn vào nhau mà cùng nhau làm cho bức tranh Ý Tý trở nên đa sắc màu.
Tan chợ, các thiếu nữ miền sơn cước thường đứng ven đường hoặc ngồi trên những tảng đá cùng nhau nói chuyện, hong nắng và thêu thùa. Dưới thung lũng thấp thoáng những ngôi nhà trình tường xinh xắn, kiến trúc độc đáo của người Hà Nhì, người Mông ở Ý Tý.
Với thiết kế hình chữ nhật, nhà trình tường có một cửa chính và “cửa tò vò” thông gió ở trên cao, không cửa sổ, nhưng mùa đông rất ấm áp mà mùa hè lại mát mẻ. Tường nhà được nện bằng đất rất dày. Mái nhà được lợp bằng gỗ hoặc cỏ tranh, theo kiểu hình tròn hoặc hình chóp. Không chỉ gìn giữ những nét đặc sắc của cộng đồng các dân tộc, là nơi có khí hậu, cảnh quan núi rừng hùng vĩ, Ý Tý còn ẩn chứa nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế, lao động sản xuất. Trong những khu rừng già, cây thảo quả trở thành nguồn “vàng nâu” quý giá cho vùng đất này.
Việc thường ngày của phụ nữ Hà Nhì.
Bản làng Y Tý.
Làm nhà.
Em bé người Hà Nhì.
Niềm vui được mùa thảo quả.
Những ngôi nhà trình tường với thiết kế hình chữ nhật. Nhà có một cửa chính và “cửa tò vò” thông gió ở trên cao, không cửa sổ, nhưng mùa đông ấm áp mà mùa hè lại mát mẻ.
Hoàng hôn buông xuống vùng miền núi.