Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh  (Đã xem 22915 lần)

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #25 vào: Tháng Tám 10, 2008, 11:23:38 PM »
Đền thờ Hà Tôn Mục

Di tích thuộc xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc thờ Đình Nguyên Tam giáp Tiến sỹ Hà Tôn Mục.

Hà Tôn Mục (1653- 1707) đỗ Tiến sĩ năm 1688, ông là một nhà ngoại giao lỗi lạc, nhờ tài đàm phán của mình đã giúp triều đình Lê -Trịnh tránh khỏi binh đao với quân nhà Thanh năm 1699.

Sau khi mất triều đình chuẩn y tặng: “Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu công bộ Thượng thư Hoan lĩnh tứ. Đặt thuỵ là Mẫu đạt”.

Nhân dân và dòng họ lập đền thờ ông tại quê hương, nhà thờ ngoảnh mặt hướng Bắc, có kiến trúc theo kiểu chữ Nhị, gồm hai bộ phận chính là nhà Hạ điện và thượng điện ngoài ra còn có nhà bia và tắc môn.

( Sở Văn hoá - Thông tin )



Đền thờ Ngô Thị Ngọc Giao

Đền còn có tên gọi là đền Đồng Cần, một di tích có giá trị nghệ thuật và gía trị lịch sử cao. Theo truyền thuyết để lại, đền thờ Hoàng Hậu Ngô Thị Ngọc Giao - mẹ vua Lê Thánh Tông. Trong lần Vua ngự giá thân chinh đi dẹp giặc Chiêm Thành, bà cùng đi với Vua, khi thắng trận trở về bà đã mất và được chôn cất tại vùng Đồng Cần, sau đó cải táng về quê ở Thanh Hoá. Để tưởng nhớ công lao to lớn của bà nhân dân đã lập đền thờ tại Đồng Cần.

Đền được phân bố trên một vùng phong cảnh đẹp có diện tích dài 80m rộng 50m, kết cấu kiến trúc chữ Nhị, chất liệu bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, nội thất chạm khắc những đề tài tứ linh, tứ quí quen thuộc. Các công trình gồm: Nhà hạ điện, thượng điện, bên trong đặt bàn thờ Hoàng hậu với những đồ thờ truyền thống.

( Sở Văn hoá - Thông tin )
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #24 vào: Tháng Tám 10, 2008, 11:12:22 PM »
Đền thờ Nguyễn Thiếp

Nguyễn Thiếp (1723-1804) sinh ra và sống trong một giai đoạn lịch sử rối ren với những biến cố dữ dội của đất nước nửa sau thế kỷ XVIII, ông là một nhà nho hiền triết nổi tiếng thời Lê Trịnh, Tây Sơn. Nguyễn Thiếp với một nhãn quan nhìn xa trông rộng ủng hộ cộng tác với vua Quang Trung, ông đã vượt lên khỏi tầm nhìn của giới nho gia đương thời. Đó là sự vượt trội trong tư tưởng của ông, khi mà những tư tưởng “ Kinh bang tế thế” chưa được thi thố tài năng và thực thi bao nhiêu thì vua Quang Trung đột ngột qua đời. Nhưng những gì ông làm được đủ chứng minh một tấm lòng ưu dân, ái quốc, một nhân cách lớn của kẻ sĩ. Vì vậy khi ông qua đời nhân dân đã lập đền thờ để ghi nhớ công lao và thờ phụng ông.

Đền thờ Nguyễn Thiếp thuộc địa phận xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, được xây bằng gạch, lợp ngói mũi, gồm hai vì cột, kèo kẻ và hệ thống xà dọc gác vào hai tường đốc tạo thành một nhà có 3 gian khiêm tốn. Ngoài ý nghĩa văn hoá lịch sử đền thờ La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp còn mang một giá trị kiến trúc nghệ thuật qua các hoạ tiết điêu khắc chạm trỗ với các đề tài quen thuộc “ long, ly, quy, phượng”, không đô sộ nhưng mềm mại uyển chuyển, bố cục bài trí của các mảng chạm khắc gỗ hợp lý hài hoà, mang đậm phong cách kiến trúc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Hiện vật gồm có: bát hương sành sứ, lư hương, long ngai thần chủ, mâm gỗ, sắc phong thần, chiếu chỉ, hộp đựng sắc được bài trí trong đền thờ mang dấu ấn của một giai đoạn lịch sử.

( Sở Văn hoá - Thông tin )
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #23 vào: Tháng Tám 10, 2008, 11:02:12 PM »
Đền Quan Thánh - Võ Miếu.

Cuối đường Phan Đình Phùng về phía đông bắc khoảng 200m, trên địa phận phường Tân Giang, thị xã Hà Tĩnh, có một ngôi đền cổ kính, với ngôi thượng điện 8 mái, đường giải đỉnh với những đầu rồng cách điệu cao vút vượt lên cả không gian xung quanh, đó là đền Quan Thánh, còn gọi là Võ Miếu.

Võ Miếu ban đầu chỉ là ngôi nhà gỗ lợp tranh, đến năm 1898 mới được xây dựng lợp ngói, nhưng hơn 20 năm sau bị hư hỏng nặng. Đến năm 1922 (Khải định năm thứ 7) Võ Miếu được sửa chữa lại, bổ sung và mở rộng như ngày nay. Nguyên xưa Võ Miếu chỉ thờ có Quan Thánh, trong đó có thờ tượng quan Thánh lớn đặt ở giữa, hai bên là tượng Châu Bình và Châu Xương. Võ Miếu xây dựng quy mô lớn trên diện tích dài 70m, rộng 44m, cấu trúc theo kiểu chữ “ Môn”, với cổng Tam quan, hai toà nhà hạ và thượng điện, quay hướng Nam. Các bộ phận nội ngoại thất liên hoàn chặt chẽ, đăng đối và hài hoà.

So với nhiều di tích trên địa bàn Hà Tĩnh, cổng Tam quan Võ Miếu có quy mô và kiến trúc đẹp với chất liệu gạch đá vôi vữa người thợ ở đây đã biết vận dụng không gian ba chiều vừa tách bạch vừa liên hoàn và trang nghiêm. Hai bên cổng có hai cột nanh to lớn trên đỉnh có đắp hai con nghê đang chầu. Cổng có 3 cửa ra vào phía trên được trang trí mặt hổ phù, chim phượng cuốn thư phía dưới có đề 3 chữ “Quan Thánh từ” và đôi câu đối:

“Đức quảng vận thánh thần văn võ
Khí lưu hình hà nhạc nhật tinh”


(Đức lớn của vua rộng xa đến thánh thần văn võ
Khí thiêng hiện hình ở sông núi trăng sao).


Nhà Hạ điện dài 10, 6 m và rộng 8, 7 m với 3 gian xây tường bao quanh. Cửa chính hình vòm cung trên có 3 chữ Hán “ Trạc quyết linh”. Hai cửa hai bên có cấu trúc giống nhau trên có hai chữ Hán “ Trung Can” và “ Nghĩa Khí”, nối tiếp giáp cổng giữa và 2 cửa hai bên trong đó đặt 2 pho tượng mà dân gian quen gọi là ông Thiện và ông Ác (khuyến thiện, trừ ác). Xung quanh có treo nhiều biển gỗ sơn son thiếp vàng khắc chữ Hán như: “ Tích chi quang”, “ Trung hữu thần võ” “ Thiên thu chính khí” ... hai bên trụ tường bao phía sau có treo đôi câu đối bằng chữ Hán làm năm 1935:

“Mã sử bút đoan tồn chính khí
Liên thành khổn ngoại tứ linh thanh”


(Chính khí còn ghi trong mã sử
Linh thanh mãi vọng chốn Liên Thành)


Nhà Thượng điện là một ngôi nhà chồng diêm 8 mái, gian giữa có một hương án sơn son trang trí đẹp trên đó bài trí các đồ thờ, tiếp đến là bệ long ngai đặt 4 pho tượng bằng gỗ sơn son đó là tượng Quan Công (chính giữa) xung quanh là tượng Châu Bình, Châu Xương và Trần Hưng Đạo .

( Sở Văn hoá - Thông tin )
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #22 vào: Tháng Tám 10, 2008, 10:57:15 PM »
Đình Hoa Vân Hải

Đình Hoa Vân Hải thuộc làng Vân Hải tổng Cổ Đạm, nay là xã Cổ Đạm huyện Nghi Xuân. Đình là thờ thành hoàng của làng và là nơi sinh hoạt văn hoá văn nghệ của nhân dân, nhất là hát ca trù Cổ Đạm nổi tiếng. Trong quá trình tồn tại và phát triển, đình Hoa Vân Hải là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, là nơi ra đời của nhiều tổ chức cách mạng tiền bối như Tân Việt cách mạng đảng, Đông Dương cộng sản đảng ở huyện Nghi Xuân, đặc biệt trong cao trào Cách mạng 1930-1931, đình là nơi hoạt động của các cán bộ xứ uỷ Trung kỳ, Tỉnh uỷ lâm thời Hà Tĩnh và là nơi thành lập Đảng bộ lâm thời huyện Nghi Xuân vào ngày 12/5/1930. Sau đó đình trở thành trụ làm việc, hội họp, cơ quan ấn loát tài liệu tuyên truyền của đảng bộ Nghi Xuân, và là trung tâm đầu não chỉ huy của Đảng trong cao trào 1930-1931 ở huyện Nghi Xuân. Đồng thời đình Hoa Vân Hải còn là trụ sở làm việc đầu tiên của chính quyền Xô viết ở phái bắc tỉnh Hà Tĩnh.

Đình được xây dựng vào năm 1639, ban đầu chất liệu bằng gỗ lợp tranh với 5 gian, phía sau là nhà hậu cung dùng làm nơi thờ thành hoàng. Năm 1932 đình bị thực dân Pháp đốt cháy hoàn toàn. Sau năm 1945, nhân dân địa phương đã tiến hành tu sữa. Kiến trúc hiện tại của đình theo kiểu chữ Nhị (=),nằm trong không gian rộng 1n, 2ha. Phái trước có nhà hoá hương được xây dựng theo hình tháp 3 tầng. Cách một sân nhỏ là nhà bái đường được xây dựng với kết cấu đơn giản và chắp vá với 3 gian 4 vì kèo, mái lợp ngói tây, xà ngang bằng sắt, nền lát gạch nung, 2 đầu hồi gác tường bịt đốc, mặt trước và sau để trống tạo nên sự thoáng đạt cho các hoạt động lễ hội. Phía sau là nhà Hậu cung (hay thượng điện) với kết cấu 3 gian, 2 vì giữa xây bằng gạch uốn vòm, 2 đầu hồi và các trụ được đổ bằng bê tông cốt thép chịu lực sơn màu giả gỗ. Mái lợp ngói âm dương, nền láng xi măng. Nội thất có bàn thờ thành hoàng của làng và những người có công với nước và làng.

( Sở Văn hoá - Thông tin )
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #21 vào: Tháng Tám 09, 2008, 09:44:34 AM »
Đình Hội Thống

Làng Hội Thống dựng ngôi đình gọi là đình Kiên Nghĩa cùng thời gian với đình Trung Nghĩa ở Tiên Điền, theo chữ khắc trong đình thì Đình Hội Thống làm từ năm Kỷ Hợi (1659) và hoàn thành năm Canh Tý (1660) do 8 chủ mành trong làng đóng góp 8 vì, còn lại do nhân dân đóng góp. Trong đình có tấm biển khắc 3 chữ vàng vua ban: Kiên Nghĩa xã. Đời Nguyễn đình Hội Thống được tiếp tục tu tạo càng đẹp đẽ hơn, trong đình còn có tấm biển khắc bốn chữ “ Thánh trạch quân ân” (Lộc thánh ơn vuaL) và đôi liễn “ Vạn cổ ân quang viễn.Thiên thu huệ trạch trường” (muôn thuở ơn sáng rọi. Nghìn thu huệ trạch ngờim).

Đình Kiên Nghĩa là niềm tự hào của người dân Hội Thống:

“ Vạn vật giai Nghi Xuân vũ trụ.
Cửa châu thử Hội thống châu xa”


(Muôn vật sắp bày xuân vũ trụ
Chín châu gân hội nhóm thuyền xe)


( Sở Văn hoá - Thông tin )
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #20 vào: Tháng Tám 09, 2008, 09:39:32 AM »
Đình Đỉnh Lự

Đình thuộc làng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, nay là xã Tân Lộc, huyện Can Lộc, một xã nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh. Đầu thế kỷ 16, nhân dân ở đây quyên góp tiền xây dựng đền thờ Nguyễn Xí, một danh tướng của Lê Lợi. Từ đầu là một ngôi đền thờ nhỏ, sau phát triển thành một ngôi đình làng, với một hậu cung 5 gian nhà ngói và các công trình phụ. Đình trở thành một nơi sinh hoạt, hội hè của nhân dân trong vùng và các làng lân cận. Mỗi năm đến ngày khai hạ hay ngày lễ kỳ phúc (20-5 âm lịch) dân làng đến đình tế lễ.

Đình đỉnh lự còn là di tích lịch sử cách mạng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, là nơi hội họp, tổ chức chỉ đạo các cuộc biểu tình của Chi bộ Đảng những năm 1930-1931. Kiến trúc đình gồm 5 gian, dài 8m, rộng 4m, mái chồng diêm, lợp ngói vảy, kiến trúc kiểu tứ trụ, thưng ván gỗ. Thượng điện gồm 1 gian, cao 5m, cột gỗ, mái uốn vòm, trang trí hình rồng, phượng rất tinh xảo.

( Sở Văn hoá - Thông tin )
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #19 vào: Tháng Tám 09, 2008, 09:34:22 AM »
Nhà thờ Cao Thắng

Nhà thờ Cao Thắng nằm trên một ngọn đồi nhỏ thuộc xóm 6 xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn. Cao Thắng là một người tâm phúc của Phan Đình Phùng, một vị tướng trẻ tuổi, tài giỏi, gần 10 năm trời cùng với chủ tướng Phan Đình Phùng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê chống thực dân Pháp xâm lược và tay sai vào những năm cuối thế kỷ XIX. Ông còn là người nghiên cứu và chế tạo loại súng trường theo kiểu 1874 của Pháp thời bấy giờ để đánh lại quân xâm lược Pháp. Sau khi ông mất bởi bàn tay của kẻ thù vào năm 1893, con cháu dòng họ Cao cùng nhân dân địa phương đã lập nhà thờ tại quê hương để thờ phụng và đời đời biết ơn vị anh hùng dân tộc.

Nhà thờ Cao Thắng nằm trong khu dân cư, mặt ngoảnh về hướng đông -nam, được xây dựng vào năm 1907, sau 14 năm ngày mất của ông. Nhà làm bằng gỗ lim, 3 gian 4 vì kèo kết cấu theo kiểu kẻ chuyền, mái lợp ngói vảy, 2 tường hồi xây tường bịt đốc, cửa ra vào làm theo kiểu pa nô hộp. Trước hiên nhà thờ có đôi câu đối bằng chữ Hán:

“Phúc địa ức niên bồi khí mạch
Lê đình vạn đại túc y quan”


Nội thất nhà thờ bài trí đơn giản gồm có long ngai, bài vị và giá gương được sơn son thếp vàng, các đồ thờ theo truyền thống.

( Sở Văn hoá Thông tin )
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #18 vào: Tháng Tám 09, 2008, 09:29:19 AM »
Nhà thờ và mộ Trịnh Khắc Lập

Trịnh Khắc Lập quê tại làng Đông Hội, nay là xã Xuân Thành huyện Nghi Xuân. Ông là một nhà chí sĩ yêu nước, từng tham gia phong trào Cần vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo, thành viên Hội Duy tân do Phan Bội Châu khởi xướng. Năm 1908 cùng với Nguyễn Hàng Chi, ông là một trong những ngưởi khởi xướng lãnh đạo cuộc bạo động chống sưu thuế ở Hà Tĩnh. Bị thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai bắt và xử chém tại huyện lỵ Nghi Xuân vào cuối năm 1908, bêu đầu ở chợ huyện. Nhân dân địa phương và người thân trong gia đình đã đấu tranh để đưa thi hài ông về mai táng tại quê nhà. Con cháu dòng họ đã lập nhà thờ hương khói thờ phụng và lập mộ chí cho ông.

Nhà thờ được xây dựng ở vị trí trung tâm của xã Xuân Thành, bên bờ bãi tắm thơ mộng. Do ở gần biển nên kiến trúc nhà thờ cũng được cấu tạo theo mô tip của nhà ở cư dân vùng ven biển, thấp và chắc để tránh gió bão. Nhà thờ quay về hướng Nam, với cấu trúc 3 gian, kết cấu đơn giản sử dụng theo hướng dọc của ngôi nhà. Từ ngoài vào gian thứ nhất được bố trí làm tiền sảnh. Mặt tiền có 2 hàng cột quyết, trên đắp một số câu đối bằng chữ Hán, đáng chú ý có câu:

“Công đức bất thiên quang tạo hữu
Tinh thần như tại kiến tường giang”


(Công đức ấy sáng ngời đất nước
Tinh thần này vằng vặc non sông).


Mặt trên của tiền sảnh đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, tọa trên một cuốn thư đắp nổi 4 chữ Hán “Trịnh Khắc Lập từ” (Nhà thờ Trịnh Khắc Lập). Qua tiền sảnh là vào gian điện thờ, phía trên có bức đại tự “Trung nghĩa đường”, ở đây chính giữa có hương án, trên đó đặt long ngai bài vị thờ Trịnh Khắc Lập. Hai bên là bàn thờ các gia nhân vọng tộc có tiếng trong họ.

Mộ Trịnh Khắc Lập trước đây được táng ở một khu đất thuộc khuôn viên gia đình ông. Năm 1995 con cháu và chính quyền địa phương đã di dời ra sau nhà thờ của ông, tạo thành quần thể “tiền miếu hậu lăng”. Mộ được xây dựng với quy mô lớn theo kiểu chữ Công, xung quanh mộ có tường bao, trên đầu mộ có dựng bia đá đề chữ “Phần mộ Chí sĩ yêu nước Trịnh Khắc Lập (1870-1908).

( Sở Văn hoá - Thông tin )
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #17 vào: Tháng Tám 09, 2008, 09:24:40 AM »
Nhà thờ Phan Đình Phùng

Nhà thờ Phan Đình Phùng thuộc làng Đông Thái xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ. Phan Đình Phùng là một nhân vật lịch sử tiêu biểu của dân tộc ta, ông sinh ngày 06/6/1847 ở làng Đông Thái trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Ông nổi tiếng từ nhỏ là người có chí khí và chăm học, năm 29 tuổi đỗ Cử nhân và 30 tuổi đỗ Tiến sĩ. Con đường làm quan của ông gặp nhiều chông gai trắc trở. Năm 1884 ông bị cách chức và đổi về quê. Năm 1885 hưởng ứng chiếu Cần vương, ông đã tham gia ngay từ đầu và trở thành lãnh tụ của phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp trong hơn 10 năm trời (1885-1895), lấy khu căn cứ Vũ Quang làm đại bản doanh, làm thất điên bát đảo quân xâm lược và bè lũ tay sai. Ông mất vào ngày 28/12/1895 tại khu căn cứ Vũ Quang.

Sau khi ông mất, nhân dân địa phương đã lập nhà thờ để ghi nhớ công ơn của ông đối với đất nước và quê hương. Năm 1951, nhà thờ bị bom của thực dân Pháp ném trúng hư hỏng một phần không có điều kiện sữa chữa, cho nên dòng họ đã bán ngôi nhà thờ về xã Đức Long huyện Đức Thọ làm trụ sở của HTX. Khoảng năm 1990-1991, ngôi nhà này lại bị bán về làm nhà ở của hộ dân xã Đức Nhân. Sau nhiều năm tìm kiếm xác minh, ngành văn hoá thông tin Hà Tĩnh đã chuộc lại và đem về dựng lại trên nền nhà cũ để làm nơi thờ tự Phan Đình Phùng như vốn ban đầu của nó. Hiện nay nhà thờ có cấu trúc bao gồm hệ thống tường rào, cổng cột nanh và ngôi nhà thờ trong một khuôn viên rộng 500 m2, xung quanh là khu dân cư. Trên 2 cột nanh có khắc đôi câu đối bằng chữ Hán:

“Công tại chiến trường danh tại sử
Sinh nhi vi tướng tử vi thần”


Nhà thờ xây tường gạch 3 phía, phía trước lắp hệ thống cửa gỗ kiểu “thượng song hạ bản”, nhà làm bằng chất liệu gỗ lim và mít với 3 gian 4 vì kèo. Các đuôi xà ngang và đuôi kẻ đều chạm nổi các hoa văn trang trí hình đao bay, dây lá và biểu tượng bao kinh. Mái lợp ngói mũi hài. Trên bờ nóc đắp rồng chầu mặt nguyệt và hổ phù, các góc mái có gắn đao, guột hình rồng hài hoà với kiến trúc của ngôi nhà. Nội thất có đặt bàn thờ Phan Đình Phùng với di ảnh chân dung, giá ngai, lư hương đồng, bình hoa sứ và ống hương bằng gỗ.Trước bàn thờ có đặt giá cắm binh khí gồm 8 loại khác nhau. Toàn bộ nhà thờ được tôn tạo phục hồi vào năm 2004 vẫn giữ được tính nguyên gốc của nó ban đầu.

( Sở Văn hoá - Thông tin )
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #16 vào: Tháng Tám 09, 2008, 09:19:21 AM »
Nhà thờ và mộ Lê Bôi

Lê Bôi là vị khai quốc công thần triều Lê, ông sinh năm 1380 tại xã Tình Di, huyện Đỗ Gia, nay là xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình khoa bảng. Sinh ra trong bối cảnh đất nước loạn lạc, giặc Minh xâm lược ông đã tập hợp lực lượng luyện tập võ nghệ chờ thời cơ đánh giặc. Nghe tin Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lê Bôi đã tìm về được Lê Lợi phong cho làm tướng chỉ huy một đội quân 500 người ở tại quê hương, và lần đầu tiên xuất trận bằng chiến thắng vang dội ở Khả Lưu Bồ Ải (huyện Thanh Chươngh - Nghệ An). Sau đó Lê Bôi tham gia giải phóng Tân Bình, Thuận Hoá (1425) rồi vây đánh thành Nghệ An khi chủ tướng Lê Lợi kéo quân ra Bắc (1426-1427). Công lao đánh giặc của Lê Bôi đều được sử sách ghi chép sau khi đánh bại quân Minh, Lê Lợi xưng Vương ban thưởng cho các văn thần võ tướng tất cả có 93 người trong đó Lê Bôi đứng hàng thứ 3 trong 14 Liệt hầu hay trong 26 Á hầu được ăn lộc một ấp. Đó cũng là lý do Lê Bôi từ Tình Di chuyển đến Việt Yên và trở thành thuỷ tổ của họ Lê ở xã Tùng Ảnh ngày nay. Sau khi ông mất 1458, con cháu dòng họ và nhân dân địa phương lập đền thờ tại xóm Bá Hiển, sau bị bom giặc Mỹ phá hỏng hoàn toàn, nên chuyển về thờ tại nhà thờ chi 3 họ Lê đại tôn thuộc xóm Vọng Sơn, thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ ngày nay.

Nhà thờ Lê Bôi quay hướng đông bắc, có khuôn viên, tường rào bao quanh 3 mặt, bao gồm các công trình: bể cạn, tắc môn, sân và nhà thờ. Nhà thờ gồm 2 gian được làm bằng gỗ mít, tường xây gạch 3 mặt, mái lợp ngói vảy, kết cấu vì kèo làm theo kiểu nhà kẻ, chồng đấu, nhà được làm vào năm Kỷ Hợi triều vua Minh Mạng (1839). Bố trí mặt bằng kiến trúc theo chiều dọc, gian ngoài hẹp hơn, để trống thay chức năng của nhà bái đường, gian trong rộng hơn là nơi thực hiện các nghi lễ tế tự, đặt hương án, bàn thờ, long ngai và các đồ thờ khác.

Mộ Lê Bôi gồm 2 công trình chính: Mộ thủy tổ Lê Bôi được trùng tu vào năm 1937 và khu nền thờ tổ họ Lê xây dựng từ năm 1990. Cổng chính rộng 2m có hai cột nanh cao 4, 2 m bệ vuông, phía trước có hai câu đối:

“ Nhật nguyệt chiếu quang minh Tùng La chung tú khí
Lê tộc đức kế thế Bạch Tượng tư khoa danh”

(Nhật nguyệt soi sáng tùng La chốn khí thiêng hun đúc
Hộ Lê đức rạng Bạch Tượng nơi khoa danh tụ hội)


Qua cổng chính 3m là đến Tắc môn hình chữ nhật, mặt trước đắp nổi hình mặt rồng, rồi đến nền thờ tổ xây nền lát gạch đỏ Cẩm Trang. Ngôi mộ táng ông bà Lê Bôi được xây dựng hình khối hộp chữ nhật dài 4, 6 m rộng 3, 5 m và cao 2, 1 m. bao xung quanh mộ là hệ thống tường đất xây 3 phía cao1,2m; 4góc có xây 4 trụ vuông mặt trớc của 2 trụ tường có đôi câu đối chữ Hán, viết rất đẹp:

“Khí phách tồn thiên địa
Tinh thần tại tử tôn”.


( Sở Văn hoá - Thông tin )
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #15 vào: Tháng Tám 09, 2008, 09:14:19 AM »
Nhà thờ Phan Kính

Nhà thờ Phan Kính, thuộc xã Song Lộc, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh (trước đây là làng Lai Thạch, huyện La Sơn). Phan Kính sinh năm 1715 tại làng Lai Thạch một vùng quê đồng bằng trù phú, từ nhỏ ông nổi tiếng là người thông minh, năm 20 tuổi đậu Cử nhân, năm 28 tuổi đậu Tiến sĩ. Là một người học hành đỗ đạt cao, thanh liêm trung thực, kiêm tài văn võ, nội trị ngoại giao có nhiều đóng góp đối với đất nước vào những năm giữa thế kỷ XVIII. Với tài năng đức độ Phan Kính được bổ nhiệm làm nhiều chức tước khác nhau, năm 1748 ông cử đi làm Hiệp trấn Sơn Tây, nơi có cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương mấy năm trước mà triều đình bất lực chưa dẹp được. Chiến lược của Phan Kính là không nhằm tiêu diệt lực lượng mà tìm cách hoà hợp dàn xếp để làm yên dân và thoã mãn một phần nào nguyện vọng của quân khởi nghĩa. Đối với quân sỹ Nguyễn Danh Phương ông thuyết phục với thái độ thiện chí và quan điểm rõ ràng cho nên trấn Sơn Tây được thu phục và bình định nhanh gọn không hao tốn mũi tên hòn đạn. Sau đó ông được giao nhiều trọng trách, nhưng bất kỳ ở đâu và đảm trách nhiệm vụ gì Phan Kính cũng chỉ có quan điểm vì dân, vì nước nên ông đã được nhân dân ủng hộ. Đặc biệt thời kỳ ông làm Đốc đồng xứ Tuyên Quang nhờ ông mà tình hình biên giới được ổn định, chính vì uy tín của ông trong công việc mà vua nhà Thanh đã tặng Phan Kính danh hiệu: “ Lưỡng quốc Thám Hoa” và ban cho tấm áo gấm. Thấy ông ngày càng phát huy năng lực năm 1760 vua Lê giao thêm cho chức Tham mưu nhung vụ đạo Hưng Hoá, song tiếc thay vì làm việc quá sức lại ở nơi khí thiêng nước độc Phan Kính đã mất tại nhiệm sở năm Tân Tỵ (1761).

Sau khi ông mất triều đình ban cho ông thuỵ là Trung hiểnS, thăng Hữu thị lang bộ Hình tước Quý dương bá, nhân dân địa phương tôn thờ và vua Lê Hiển Tôn phong sắc làm Thành hoàng (hiệu Anh Nghị Đại vương), lập đền thờ ở làng Lai Thạch có ngựa đá, voi đá, sư tử đá, theo thể thức của một vương tướng. Theo gia phả của dòng họ Phan và nhân dân địa phương cho biết, ngày trước quần thể di tích này hết sức uy nghi, đồ sộ, song đáng tiếc hiện nay do thời gian, chiến tranh, con người vô thức đã tàn phá hoàn toàn ngôi đền thờ Thành hoàng Phan Kính và ngôi chùa xây dựng cùng thời. Di tích hiện còn là nhà thờ họ Phan, thờ Phan Kính với tấm bia đá lớn do chính Phan Kính soạn nội dung văn bia vào năm 1756.

Nhà thờ Phan Kính cũng như những nhà thờ khác trong vùng có cổng, sân và nhà thờ. Cổng là 2 cột nanh được xây dựng bằng đá vôi vữa, có đôi câu đối:

“Nhân di sự, quá tắc xu
Tiền Trà sơn, hậu Linh thuỷ”.


(Có việc thì vào, không việc đi qua
Trước núi Trà, sau sông Linh)


Sân nhà thờ Phan Kính hình chữ nhật, góc trái sân có nhà bia với kết cấu theo lối chồng diêm thượng thu hạ sách. Bia đặt trong nhà bia làm bằng chất liệu đá thanh có kích thước cao 1, 65m rộng 0,86m, dày 0, 18m được đặt trên bia đá hình chữ nhật. Nội dung bia nói về gia thế, cuộc đời của Phan Kính cũng như những câu răn dạy con cháu. Nhà thờ Phan Kính được làm theo lối nhà kẻ 3 gian bằng gỗ lim lợp ngói mũi, các vì kèo có chạm trỗ một số hoạ tiết mây lá, gian giữa có hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng, lư hương 3 mâm gỗ tròn. Đặc biệt nơi tiếp giáp giữa gian trái gian phải và gian giữa có đặt 2 giá kiếm gồm hai siêu kiếm, hai thẻ gỗ được trang trí đầu rồng xung quanh, có ghi chữ Hán “ Thưởng tượng cần, chính phủ đường thưởng tổng đốc Vân Nam lưỡng viện”. Đây là phần thưởng mà thời gian Phan Kính đi kinh lý ở vùng biên giới và được triều Thanh ban thưởng.

( Sở Văn hoá - Thông tin )
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #14 vào: Tháng Tám 09, 2008, 09:09:37 AM »
Nhà thờ Nguyễn Huy Tự

Nhà thờ Nguyễn Huy Tự thuộc xã Trường Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, tên cũ là làng Tràng Lưu, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, trấn Nghệ An.

Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790) là người văn võ toàn tài có nhiều đóng góp cho đất nước trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động nửa cuối thế kỷ XVIII, đặc biệt trong phong trào Tây Sơn do Quang Trung – Nguyễn Huệ lãnh đạo. Ông là người thức thời và nhạy cảm với thời cuộc, thanh thản trút bỏ áo mũ cân đai của cận thần nhà Lê để phù tá triều Tây Sơn và được tiến cử chức Tiền triều Đốc đồng Hữu thị lang cùng Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà phù Lê diệt Trịnh và đại phá quân Thanh xâm lược. Bên cạnh đó ông còn đóng góp cho đất nước về mặt văn học một tác phẩm rất có giá trị đó là Truyện Hoa Tiên với 59 hồi gồm 1860 câu thơ lục bát viết bằng chữ Nôm, mở đầu thể loại thơ lục bát viết bằng chữ Nôm ở nước ta.

Ngoài những công lao kể trên, Nguyễn Huy Tự cùng với gia đình cha con lập nên một công trình văn hoá nổi tiếng tại làng quê của ông là “Phúc Giang thư viện”. Đây là một thư viện cổ còn lưu giữ được đến ngày nay với hàng trăm bản khắc sách cổ trên ván gỗ, vừa là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, biết bao Tiến sĩ, Cử nhân, Tú tài đã từng đến đây dùi mài kinh sử để thu được thành tích cao trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình ngày xưa.

Nhà thờ Nguyễn Huy Tự có tổng diện tích trên 200m2, kết cấu theo kiểu chữ Nhị (=)gồm nhà hạ và thượng điệng, phía trước có cổng, sân, tắc môn và 2 nhà bia. Cổng rộng 2m, được phân bố chính diện trước sân nhà hạ điện, hai bên tả hữu là hai cột nanh đứng sừng sững đối nhau, được xây dựng bởi đá ong, vôi vữa cao 5m, trên đỉnh có đắp hai con nghê đang chầu vào nhau, 4 mặt cột nanh đều được bài trí các câu đối, song do thời gian mưa nắng, chất lượng công trình không cao nên các chữ bị mờ không đọc được nội dung.

Nhà Hạ điện xây theo hướng nam, lợp ngói mũi, xây tường 2 đầu hồi nhà, trên 4 góc mái có đắp mặt nguyệt đầu rồng đang hướng về trước trông dữ tợn, nhà gồm 3 gian, 2 hồi, các gian nhà được kết cấu giống nhau. Gian giữa trên đường xà sau có treo một bức biển bằng chữ Hán “ Võ khố Hùng lược”. Chính giữa gian nhà có bộ phản gỗ lim chân quỳ xung quanh có chạm khắc 4 chữ Thọ và đề tài Tứ linh (long, ly , quy, phượng).

Nhà Thượng điện: gồm 3 gian trên lợp ngói mũi, 4 góc mái có trang trí các đầu đao, mặt tiền mái nhà trước có góc bể hồi văn có đắp hai con nghê đang chầu nhau, ở giữa có mặt nguyệt mây lửa bao quanh. Bài trí nội thất ở gian giữa trên đường xà trong đó có treo tấm biển sơn son có đề hai chữ “ Lưu Trai” phía dưới biển có chữ “ Tuý Hà” hai bên có treo câu đối:

“Giang sơn mệnh mạch tinh thần tại
Kim cổ khoa danh hoạn nghiệp dư”


(Mệnh mạch, tinh thần núi sông còn đó
Khoa danh hoạn nghiệp xưa nay vẫn lưu truyền)


Ở giữa có đặt hai bàn thờ bằng gỗ được sơn son thiếp vàng chạm trỗ công phu là nơi thờ cha con Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự. Hai gian bên cũng được đặt 4 bàn thờ, mỗi gian 2 bàn thờ như nhau thờ các thể thứ tổ tiên dòng họ Nguyễn Huy ở Tràng Lưu.

( Sở Văn hoá - Thông tin )
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #13 vào: Tháng Tám 09, 2008, 09:05:02 AM »
Nhà thờ Bùi Dương Lịch

Nhà thờ Bùi Dương Lịch thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, tên cũ là làng Yên Hội, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Quang.

Bùi Dương Lịch sinh năm 1757 trong một gia đình Nho học nổi tiếng. Năm 17 tuổi Bùi Dương Lịch đậu Hương cống, sau đó ra Thăng Long dạy học và luỵên tập văn sách ở Quốc tử giám, năm 1786 ông được bổ làm Huấn đạo phủ Lý Nhân nhưng ông không nhận vì có tang cha. Lúc này phong trào Tây Sơn đã phát triển mạnh mẽ và kéo ra Thăng Long tiêu diệt chính quyền họ Trịnh, khi Tây Sơn rút về thì việc tranh chấp giữa 2 dòng họ Lê - Trịnh lại diễn ra quyết liệt, triều Lê xuống chiếu tìm người tài và Bùi Dương Lịch được Lê Chiêu Thống tin dùng cho làm Nội hàm viện cung phụng sứ ngoại lang. Tháng 7-1787 thi Hội ông đỗ Hội nguyên, rồi thi đình đỗ Đình Nguyên nhị giáp Tiến Sĩ (Hoàng giáp). Đường công danh chưa kịp bước thì ông đứng trước thử thách mới, Lê Chiêu Thống rước quân Thanh xâm lược nước ta, đã bị quân ta dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đánh cho đại bại. Tuy mang ơn tri ngộ của vua Lê nhưng cuối cùng Bùi Dương Lịch không theo mà về quê ở ẩn giấu tông tích, nhưng không giấu được danh. Triều Tây Sơn biết ông là người có tài năng mời ông ra cộng tác giúp đỡ, sau nhiều lần từ chối ông nhận làm việc ở Viện Sùng Chính, khi vua Quang Trung mất Viện Sùng chính ngưng hoạt động ông về quê dạy học. Vua Gia Long lên ngôi ông bị triệu ra làm quan với chức Đốc học Nghệ An từ 1805-1808 rồi ông cáo quan về quê dạy học và viết sách. Ông mất năm Mậu Tý (1828).

Xuất thân trong một gia đình nhà Nho chịu ơn sâu nặng của nhà Lê, nhưng Bùi Dương Lịch lại sống trong giai đoạn lịch sử đầy biến động. Cho nên hoàn cảnh buộc ông phải mang tiếng là kẻ “ thay thầy đổi chủ” như ông đã tâm sự sau này:

"Lê triều cử Tiến sĩ
Tây "ngụy" sĩ Hàn lâm
Bản triều vi Đốc học
Tứ hải công tri âm"


(Triều Lê đậu Tiến sĩ, thời "ngụy" Tây Sơn làm quan Hàn lâm, đến triều Nguyễn làm đốc học, bốn biển đều biết tiếng).

Nhà thờ Bùi Dương Lịch được xây dựng năm 1808, trong khu đất vườn của dòng họ, do những người học trò cũ ghi nhớ đến công ơn dạy dỗ của thầy, một nghĩa cử hết sức cao đẹp đáng trân trọng, là bằng chứng của đất hiếu học. Nhà thờ bao gồm nhà bái đường và thượng điện, được xây dựng theo kiểu chồng diêm, lợp ngói vảy, có diện tích 55,6m2, phía trên đỉnh mái đắp nổi bằng đá 2 con nghê chầu. Trước hiên nhà có 3 chữ "Lưỡng nguyên từ" (từ đường của 2 Hoàng giáp). Nhà Bái đường dài 5,5m, rộng 5,1m, xây kiểu một gian hai hồi, nền lát gạch Cẩm Trang, xung quanh có tường bao, các xà ngang và kẻ chuyền có chạm trổ hình chim, hoa, lá, cá, rồng, phượng. Nhà Thượng điện: Là gian thờ chính, cũng xây dựng giống nhà Bái đường, gồm một gian, hai hồi, chính giữa gian được bố trí bàn thờ lớn bằng gỗ và đền thờ ông.

Ngoài nhà thờ, khi ta đến còn gặp một tấm bia đá và văn bia Bùi Tồn Trai được làm từ năm 1866, tức 38 năm sau ngày mất của ông. Bia bằng chất liệu đá Thanh, cao 0,9m, rộng 0,65m, dày 0, 15m có trang trí hoa văn đẹp, đây là tấm bia do con rể ông là Nguỵ Thiện Phủ chế tác, công việc chưa xong thì ông qua đời, sau đó con trai ông là Bùi Thúc Kiên tiếp nối hoàn thành. Nhưng bài văn bia lại do Nguyễn Văn Siêu soạn giúp, bài văn gồm 500 chữ nhận xét cô đọng cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch.

( Sở Văn hoá - Thông tin )
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #12 vào: Tháng Tám 09, 2008, 08:59:47 AM »
Nhà thờ và mộ Nguyễn Huy Oánh

Thuộc làng Tràng Lưu, xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn phủ Đức Quang xưa, nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc.

Nguyễn Huy Oánh sinh ra trong một dòng họ có truyền thống học hành khoa bảng, nhưng ông là người đỗ Đại khoa (Thám hoa) đầu tiên của dòng họ Nguyễn Huy Tràng Lưu, người đỗ Đình nguyên thám hoa khoa thi Mậu Thìn năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748). Sau khi thi đỗ ông được bổ nhiệm làm nhiều chức quan trong triều Lê - Trịnh, đặc biệt ông là 1 người thầy có công dạy được nhiều lớp học trò là Tiến sỹ, cống sỹ. Ông đã lập ra “Phúc giang thư viện”, với hàng vạn đầu sách. Ông còn là một tác giả nổi tiếng với nhiều tác phẩm: “Bắc dư tập lăm”, “Hoàng hoa sứ hình đồ”, “Quốc sử toản yếu”.

Ông mất 9/5/1789. Sau khi ông mất con cháu lập nhà thờ. Nhà thờ quay hướng nam, kiến trúc chữ Nhị (=)bao gồmb: Thượng điện, bái đường, phía trước có 2 cột nanh cao lớn. Mộ ông nằm ở núi Phượng Lĩnh được đắp bằng đất, quay hướng Đông, xung quanh có tường bao cửa ra vào. Quanh mộ ông là mộ của con cháu dòng họ Nguyễn Huy.

( Sở Văn hoá - Thông tin )
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích lịch sử - văn hóa - Hà Tĩnh
« Trả lời #11 vào: Tháng Tám 09, 2008, 12:02:36 AM »
Miếu Biên Sơn

Miếu thuộc xóm Biên Sơn, thuộc xã Hồng Lộc, huyện Can Lộc. Theo truyền thuyết dân gian, ở làng Biên Sơn có một nữ tướng tên là Phan Thị Sơn, người con gái kiên trinh đã từng bôn ba khắp nơi, tham gia khởi nghĩa chống quân Minh, lập nhiều chiến công hiển hách. Để tỏ lòng biết ơn bà, nhân dân đã xây dựng nơi thờ phụng, gọi là Miếu Biên Sơn. Vua nhà Hậu Lê phong cho bà một đạo sắc: “ Thượng đẳng thần”, về sau vua Tự Đức lại phong cho bà một đạo sắc nữa: “Thượng thượng đẳng thần”.

Miếu được xây dựng từ thời nhà Lê, sau đó bị hư hỏng. Đến năm 1913 được tu sử lại toàn bộ. Miếu nhỏ, hình vuông, kiến trúc theo kiểu chồng diềm, 4 mái lợp ngói vảy. Đỉnh nóc có hình mặt trăng hai đầu thượng ốc có hai con rồng chầu lại. Hai cột xây phía trước có khắc nổi hai câu đối:

“Tướng nữ Thần uy giai phát tích
Biên Sơn linh ứng mạch tăng huy”
(Nữ tướng uy linh lập chiến công to lớn
Biên Sơn linh ứng mạch đất sáng tỏ thêm).


Trong thời kỳ cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh, tại miếu Biên Sơn các chiến sĩ cách mạng đã tổ chức nhiều cuộc hội họp để chỉ đạo phong trào cách mạng, đấu tranh với kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai.

( Sở Văn hoá - Thông tin )
 


Tags:
 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
0 Trả lời
4125 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 25, 2008, 10:32:05 PM
Gửi bởi vagus_x
0 Trả lời
3641 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 29, 2008, 01:30:37 PM
Gửi bởi nhantam
0 Trả lời
3601 Lượt xem
Bài mới Tháng Chín 01, 2008, 12:52:41 PM
Gửi bởi nhantam
0 Trả lời
4171 Lượt xem
Bài mới Tháng Tư 06, 2013, 02:54:23 AM
Gửi bởi lehoang658
0 Trả lời
1948 Lượt xem
Bài mới Tháng Mười 08, 2014, 09:54:00 AM
Gửi bởi sapaexpress

Đồng Tháp - Châu Đốc 2 ngày 1 đêm
Tour: Ghép đoàn
2 ngày 1 đêm
2,268,000
Đặt ngay
Đà Nẵng – Cù Lao Chàm – Bà Nà Hill
Tour: Ghép đoàn
3 ngày 2 đêm
3,719,000
Đặt ngay
Khám phá rừng dừa Bảy Mẫu
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
480,000
Đặt ngay
Tour 1 ngày: Đồng Tháp - Gáo Giồng
Tour: Khám phá
1 ngày 0 đêm
695,000
Đặt ngay
Nha Trang - Hang Rái - Vĩnh Hy - Bình Hưng - Bình Lập 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
828,000
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác


Mobile View
SimplePortal