Tôi có ý định sẽ làm một vòng quanh thành phố Phan Rang. Lịch trình cực kì ngắn gọn và nhanh chóng vì chỉ có nửa ngày đi thăm thú các nơi và tìm hiểu sơ qua về vùng đất này.
7h sáng, chiếc xe máy đặt thuê của khách sạn đã đợi sẵn trước cửa. Sau một hồi hỏi thăm đường xá và những điều cần biết, tôi chạy xe đến Cà Ná trước tiên.
Bãi biển Cà Ná nằm cách thành phố khoảng 30km về phía Bình Thuận, cứ chạy thẳng quốc lộ 1A là tới. Trời nhanh chóng nắng gắt, hắt những tia chói chang xuống con đường bê tông không có lấy một bóng cây.
Đúng là nắng Phan Rang, khiến người ta đen giòn và rát bỏng. Những ruộng lúa gợn sóng dập dờn trong cơn gió biển hào phóng. Biển Cà Ná hiện ra trước mắt sau khi đã vòng qua dẫy núi Điện Bà.
Ít có nơi nào có phong cảnh hữu tình như nơi đây, biển tung bọt trắng xóa vào những ghềnh đá, bãi biển cong cong hình lưỡi liềm dài suốt 3km. Nước biển xanh ngắt một màu và sâu.
Du khách chỉ được phép bơi gần bờ vì bãi cát ở đây khá sụt và có nhiều đá ngầm. Chẳng thế mà biển được đặt cái tên Chăm là Cà Ná – nghĩa là Đá ngầm.
Người ta nhớ nhiều đến Cà Ná vì kho muối lớn nhất cả nước đến hơn một ngàn hecta trải dài theo bãi biển. Mỗi ô muối rộng hang chục hecta, muối nơi đây có nồng độ tốt nhất Đông Nam Á. Các diêm dân ngoài khai thác muối phục vụ cho ngành công nghiệp còn sản xuất nước mắm và cá hấp.
Các nhà nghỉ đang được xây dưng khắp nơi, đa phần là các resort nghỉ dưỡng. Du khách sau khi đã tắm biển hay leo núi, về lại nhà nghỉ thưởng thức các món đặc sản biển.
Những cơn gió biển cuồng nhiệt và cái nắng rát da thịt cũng là một đặc sản vô giá của thiên nhiên. Trước khi ra về, đừng quên mua một cây san hô được bày bán rất nhiều dọc hai bên đường.
Trở lại Phan Rang, cách chừng vài cây số, tôi cho xe rẽ vào làng gốm Bầu Trúc. Đời sống người dân đã được quan tâm và khấm khá. Chị chủ nhà dẫn tôi vào xem chiếc bàn mà chị vẫn làm hàng ngày.
Người dân làng Chăm này vẫn giữ cách làm đồ gốm thô mộc của mình. Đất sét song Quao trộn với cát đặt lên bàn, những sản phẩm dần hiện ra sau một lần xoay vòng và khi người thợ dừng xoay cũng là lúc sản phẩm được hoàn thành.
Không cần những lò nung, chỉ dung rơm, củi khô chất thành đống rồi đốt. Đơn giản và thô mộc nhưng hấp dẫn khách mua hàng. Đây cũng là làng gốm cổ nhất Đông Dương.
Những vườn nho đang vào mùa sai quả khiến bước chân không thể đi qua. Tôi rẽ sâu vào con đường đất đỏ vào làng. Theo tay người chỉ đường vào tận cùng làng, đến với những vườn nho.
Nho đang xanh một màu với lá. “Một tháng nữa quay lại đây thì tha hồ mà chụp ảnh” – cô nông dân vừa nhanh tay tỉa những trái nho xanh vừa tươi cười nói với tôi khi thấy tôi chụp hình. Một năm hai mùa nho.
Thời tiết khô hạnh của đất Phan Rang khiến những trái nho chin mọng và ngọt lịm. Chẳng thế mà ở đây trồng nhiều nho nhất cả nước và cũng có cho ra những giống nho ngon nhất. Nhưng mà giống nho cũng nhiều sâu bệnh nên chăm cũng vất vả hơn những loại cây trồng khác.
Nho làm rượu, mật ong từ hoa nho và cả rượu ong là những sản phẩm trong túi xách của khách du lịch muôn phương khi đi qua vùng đất này.
Xuyên qua cánh đồng nho là đến chân tháp Chàm – địa danh nổi tiếng nhất của ngành du lịch Phan Rang. Gần 10h sang, những chiếc xe du lịch chở khách vào nơi này thăm quan khá đông.
Trước khi đến với tháp, bạn nhớ ghé vào ngôi nhà triển lãm, tìm hiểu them về lịch sử những ngôi tháp. Suốt dọc dài từ Bình Định cho đến Vũng Tàu, đâu đâu cũng có những ngôi tháp Chăm như biểu tượng minh chứng cho sự tồn tại của một dân tộc đã từng có thời kì huy hoàng trong lịch sử.
Hi vọng sẽ có dịp trở lại nơi này, để tìm hiểu kĩ hơn và đi được thêm nhiều địa danh khác nữa. Thời gian không dài nhưng đủ để cho tôi có những trải nghiệm tuyệt vời. Còn đó đồi cát Nam Cương, vịnh Vĩnh Hy, những địa điểm tuyệt đẹp của vùng đất nắng gió.
Theo: Citilink