An Giang mùa nước nổi
Đặc sản mắm cá lóc An Giang
Châu Đốc vùng đất linh thiên, thơ mộng - Tỉnh An Giang
Tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á trên núi Cấm
Hành hương về Núi Cấm
Kinh nghiệm du lịch An Giang
TTO - Dân miền Tây, nhất là những người sành ăn, từng ngược xuôi, cơm Tây cơm Tàu... mỗi lần về Châu Đốc hoặc vùng Bảy Núi vẫn nhớ và thèm cái hương vị của gà hấp lá trúc.
Gà hấp lá trúc - Ảnh: Hoài VũBàn về ẩm thực Bảy Núi, chỉ riêng món rau thôi cũng làm cho nhiều người choáng ngợp về sự giàu có của các loài thảo dã, loại nào cũng hấp dẫn, cũng tạo thêm mùi nhớ, nổi tiếng nhất là bánh xèo ăn kèm với 14 loại rau rừng. Chưa hết, còn có những loại lá rừng nấu kèm thịt cá, chỉ ăn một lần thôi cũng nhớ hoài, nhớ mãi hương vị của núi rừng, chẳng hạn lá và trái trúc.
Trúc là một loài cây mọc hoang hoặc được trồng ở vùng Bảy Núi, An Giang, nhiều nhất ở Tri Tôn. Cây trúc to như cây chanh, lá có tinh dầu, vị the và thơm đặc biệt. Trái trúc cũng giống như trái chanh nhưng vỏ xù xì dùng lấy nước làm gia vị trong các bữa ăn. Ngoài ra, nước trái trúc còn dùng để trị gàu, làm mượt tóc. Đặc sản cháo bò Tri Tôn nổi tiếng một phần cũng nhờ hương vị loại trái này.
Hiện cây trúc rừng rất quý hiếm vì chỉ còn một số ít trên các phum sóc của người dân tộc. Muốn có lá trúc người ta phải băng rừng leo núi vất vả lắm mới hái được những chiếc lá xanh nguyên vẹn.
Chính vì mùi thơm độc đáo của lá trúc mà nhiều nhà hàng đã tìm tòi, trải nghiệm và chế biến thành những món ngon độc đáo phục vụ nhu cầu thưởng thức ngày càng tinh tế của con người, đặc biệt gà hấp lá trúc được coi là món “độc chiêu” của một số nhà hàng, quán ăn ở các huyện miền núi.
Lá trúc rất được nhiều người ưa thích vì là một loài "rau" sống ở các vùng núi non, hấp thụ tinh khí của đất trời, chưa hề bị nhiễm độc hại. Chỉ một vài lần thưởng thức nhiều người đã nhớ nhung.
Chính cái chất ngòn ngọt của gà và vị the the, nồng đượm của lá trúc đã tạo một mùi thơm là lạ, đậm đà chất quê, đúng như cảm nhận của nhà văn Nguyễn Tuân, “Món ăn Việt mà thiếu hương vị Việt, thiếu gia vị quê nhà coi như thiếu quê hương”.
Cây trúc trên vùng Bảy Núi, An Giang - Ảnh: Hoài VũGà hấp lá trúc giờ có thể coi là đặc sản của vùng Bảy Núi. Một chị chủ quán ở Tri Tôn cho biết món gà hấp lá trúc tự nó đã làm nên thương hiệu cho nhà hàng nhờ hương vị đặc trưng và giá trị dinh dưỡng cao.
Muốn làm vừa lòng thực khách, trước hết phải chọn được gà tơ, loại gà vườn, làm sạch, để nguyên con, ướp gia vị tiêu, tỏi, hành, bột nêm, bún, nấm, nước mắm hòn rồi đem hấp cách thủy cho đến khi da gà chuyển sang màu vàng tươm mỡ mới đạt yêu cầu. Để mùi lá trúc thấm vào thịt gà, trước khi hấp phải lót một lớp lá trúc dưới thân gà.
Gà khi ăn được chặt hoặc xé nhỏ, lá trúc xắt nhuyễn, rải đều lên thịt gà. Dưới đáy đĩa độn rau ghém bắp chuối, trang trí thêm vài chiếc lá trúc, cà chua, dưa leo, ớt… chỉ nhìn thôi cũng đã thấy ngon.
Gắp một miếng thịt gà còn vướng vài sợi lá trúc chấm vào chén muối ớt pha nước trái trúc vừa chua chua vừa cay cay rồi nhai chầm chậm mới thưởng thức hết cái vị thơm ngon của món ăn vừa dân dã vừa sang trọng này.
Không chỉ có bấy nhiêu, khi mệt mỏi cần chút vị ấm, lá trúc còn giúp các tay đầu bếp tài hoa biến tấu thêm nhiều món ngon độc đáo khác như cháo gà nấu lá trúc.
Và người xa quê, mỗi lần nhớ đến Bảy Núi - An Giang nhất định sẽ nghĩ đến mùi vị lá trúc, thứ hương vị mộc mạc quê nhà vừa đậm đà vừa sâu lắng được cất giữ trong ký ức của mỗi người, không thể nào quên.
HOÀI VŨ
An Giang mùa nước nổi
Đặc sản mắm cá lóc An Giang
Châu Đốc vùng đất linh thiên, thơ mộng - Tỉnh An Giang
Tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á trên núi Cấm
Hành hương về Núi Cấm
Kinh nghiệm du lịch An Giang