Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  'Ăn đến chết mới thôi' để mừng năm mới ở Ý  (Đã xem 1969 lần)

Đã thoát ra boydeptrai

  • Global Moderator
  • Lữ hành cấp 1
  • *****
  • Bài viết: 88
'Ăn đến chết mới thôi' để mừng năm mới ở Ý
« vào: Tháng Một 03, 2013, 10:13:21 AM »
Người Ý ăn uống liên hoan hoành tráng đón năm mới cho đến đầu tháng một mới thôi. Họ có kỳ nghỉ thật dài. Tôi sau mấy ngày đã tăng cân rồi.

Giáng sinh và năm mới ở Ý là thời điểm người già trẻ trong gia đình mong chờ nhất trong năm, bởi họ có dịp đoàn tụ với tất cả thành viên. Nếu hỏi bất kỳ một bạn Ý nào đó về hai chữ Giáng sinh họ sẽ ngay lập tức hò reo vì sung sướng và liên tưởng đến việc “ăn đến chết mới thôi”.

Năm nay tôi may mắn có cơ hội được đón Giáng sinh và năm mới với một gia đình truyền thống người Ý ở vùng Molise. Gia đình bạn Federica của tôi ở thành phố Termoli, một thành phố khá xinh xắn ven bờ biển phía Nam nước Ý, cách xa thủ đô Roma gần 300 km.


Gia đình Federica Palermo. Từ trái sang phải là Federica, bố Donato, mẹ Maria, em Giulia.

Người miền Nam nước Ý nổi tiếng rất nồng nhiệt, giống hệt như thời tiết ấm áp của họ vậy. Họ ngập tràn tình cảm, luôn coi trọng sự đoàn tụ gia đình trên tất cả mọi thứ khác.

Bác Maria rơm rớm nước mắt trong lúc cả nhà đang ngồi ăn vui vẻ với nhau, Tôi gặng hỏi thì được biết lý do là bởi cách đây không lâu hai người cháu của bác sang định cư ở Úc nên bác thương các cháu không được về quê hương đón Giáng sinh như mọi năm.

Họ thật là những người rất hiếu khách. Cả gia đình coi tôi là con cháu trong nhà, luôn mong tôi cảm thấy thoải mái ở nhà mình. Tôi cũng thấy bớt nhớ nhà hơn khi được hoà nhập với một gia đình đầm ấm và vui vẻ như vậy.

Ở Ý gia đình thường đón Giáng sinh với tất cả mọi người trong họ, khoảng 15 người trở lên. Gia đình bạn tôi có bố mẹ là là nhà giáo. Hai bác không theo tôn giáo nào, nhưng vì Giáng sinh là ngày lễ của tất cả mọi người nên hai bác tổ chức to không kém các gia đình theo tôn giáo.


Bữa tối 24/12, trước ngày Giáng Sinh

Theo phong tục của người Ý, trước một ngày lễ có liên quan đến Chúa Giê-xu, họ đều không được phép ăn thịt. Bởi lẽ thịt là một trong những dấu hiệu chính của sự giàu sang.

Con người không được phép khoe khoang sự thịnh vượng của bản thân, họ phải khiêm tốn và không phô trương. Vì ngày 25 là Giáng sinh nên cả ngày 24 người Ý thường ăn đồ hải sản.


Bạch tuộc để trộn salad.

Có lẽ định nghĩa sự khiêm tốn như vậy chỉ đúng vào thời xưa, khi thịt đắt hơn hải sản. Chứ thời nay các gia đình Ý chủ yếu liên hoan bữa tối trước đêm Giáng Sinh bằng cá hồi, cá khô, bạch tuộc, tôm và mực - toàn những món “sơn hào, hải vị”, đắt hơn nhiều so với thịt.

Gia đình hai bên nội ngoại Federica sống gần nhau tại một vùng nông thôn trên núi có tên là Macchiagodena. Bữa tối trước đêm Giáng Sinh gia đình bạn Federica tổ chức ở nhà ông bà nội.

Mặc dù bố bạn Federica là con út trong gia đình có một anh một chị, nhưng bác Maria (mẹ bạn Federica) phải chuẩn bị bữa tối cho cả nhà nội lẫn nhà ngoại. Bác tất bật cả buổi, đứng lên ngồi xuống, tay chân không ngừng nghỉ.

Từ món khai vị là salad bạch tuộc đến món tráng miệng bánh quy cantucci... tất cả đều do bác Maria làm hết.

Lý do cũng vì bác Maria rất khéo tay, các món bác làm đều hết rất nhanh nên thường bác nhận chủ trì trong các buổi quan trọng.

Theo phong tục ở Ý, nhiệm vụ của người nấu không phân chia rõ ràng, ai thích nấu và nấu ngon sẽ chủ động nhận “nhiệm vụ” nấu những bữa tối quan trọng.

Nhìn bác tất bật chuẩn bị với sự cẩn thận đến từng chi tiết cho các món ăn, tôi lại nhớ đến bà ngoại tôi ở Việt Nam. Hình ảnh người mẹ, người bà, có lẽ ở đâu cũng vậy, luôn mong gia đình và con cháu ăn ngon và vui vẻ.


Gia đình bên nội của bạn Federica.

Trong bữa tối sang trọng này có bốn món khai vị: ba loại salad hải sản làm từ bạch tuộc, tôm, cá khô; Rostici - một loại bánh nướng lò của Pháp có đế làm bằng bột mì, bên trên có nhân cá hồi và sốt trứng kem tươi.


Bánh Rostici

Sau món khai vị là năm món cá khác nhau: mực ống nhồi pho mai pecorino và trứng sốt cà chua; cá khô nướng bỏ lò với khoai tây ăn kèm với xà lách trộn; sò hấp tỏi hành; cá l’anguilla nướng (ăn giống lươn); hải sản các loại chiên giòn tẩm bột.

Người Ý có thói quen ăn hoa quả sau bữa cơm (1). Họ rất hay ăn dứa, quýt, táo, lê. Họ cũng có món tráng miệng riêng là các loại bánh quy như mostaccioli, cantucci, pepatelli; bánh ngọt như pandoro - loại bánh mì ngọt có nguồn gốc từ thành phố Milan (Ý) có nhân rất đa dạng (một trong những loại phổ biến nhất có nho khô và kẹo canditi); thanh kẹo đặc biệt mùa Giáng Sinh như “torrone” - là một loại kẹo có nhân dẻo màu trắng (đường trắng, trứng, mật ong, quả óc chó, hạnh nhân) bên ngoài được phủ lớp sôcôla.


Bánh quy mostaccioli, cantucci, pepatelli uống kèm với rượu Vin Santo.

Ăn xong mọi người chơi trò tombola/bingo, một dạng trò chơi với các con số và người có nhiều vận may là người chiến thắng. Tiếp đến là phần mở quà dưới cây thông.


Cây thông Noel và quà

Vào sáng ngày 25 tháng 12 cả nhà đều chúc nhau Giáng sinh vui vẻ “Buon Natale”. Sau đó tôi theo gia đình Federica tới thăm nhà bên ngoại của bạn. Ông bà ngoại Federica sống ở vùng S. Angelo in Grotte cách đó không xa lắm.


S. Angelo in Grotte

Không cần kiêng thịt nữa nên bữa trưa ngày Giáng sinh rất phong phú. Khai vị là các loại pho mai béo ngậy ăn kèm với quả óc chó và mật ong; mì bỏ lò lasagne với sốt cà chua thịt bò xay; đùi cừu nướng và bắp bò nướng. Tráng miệng là bánh pandora phết hỗn hợp kem pho mai mascarpone.


Bắp bò nướng kiểu truyền thống.

Các ngày kế tiếp của kỳ nghỉ.

Theo tôi được biết người Ý sẽ tiếp tục ăn uống liên hoan hoành tráng như vậy cho đến đầu tháng một mới thôi. Họ có kỳ nghỉ thật dài! Tôi sau mấy ngày đã tăng cân rồi!


Món Polenta làm từ bột ngô và thịt lợn kho.

Gia đình bạn tôi vào ngày 26 tổ chức đi trượt tuyết trên đỉnh núi. Tôi thấy khá bất ngờ vì ở miền Nam nước Ý cũng trượt được tuyết. Chúng tôi đã phải đi bằng xe ô-tô leo lên khoảng 1.2 km núi. Vì là lần đâu trượt tuyết, tôi đã có một trải nghiệm ngã lên ngã xuống, nhưng bạn tôi vẫn tiếp tục kéo tôi lên đỉnh dốc hơn nữa.

Vào buổi chiều các ngày 26, 27, 29 tháng 12 ở một số làng giữ truyền thống sẽ tổ chức màn diễn Presepe - kể về sự ra đời của Chúa Giê-xu.

Chúng tôi cũng đi xem lễ hội này ở một thị trấn làng bên. Quả thật lễ hội rất sôi động và thú vị, vì thông thường ở các gia đình Ý chỉ trang trí mô hình minh hoạ Presepe. Còn tại lễ hộinhưng Presepe được diễn bởi diễn viên là các ‘cư dân’ trong làng.


Màn cuối lễ hội Presepe - Sự ra đời của Chúa Giê-xu nơi hang đá

Một kỳ nghỉ Giáng sinh đặc biệt

Bà của Federica đã hỏi tôi thích Giáng sinh tổ chức theo kiểu Ý ở điểm nào nhất? Tôi bảo ngoài thức ăn rất đặc biệt, mọi người đoàn tụ rất hạnh phúc. Tôi thích Giáng sinh kiểu Ý ở điểm khi gia đình đang ăn rất ngon rất vui thì thường có một người trong nhà sẽ gọi điện cho con cháu họ hàng ở nước ngoài để chia sẻ bầu không khí trong nhà cho người ở xa cùng hưởng. Với tôi, một người con ở xa gia đình, điều này thực sự xúc động.

Tôi đã có một kỳ nghỉ Giáng sinh đặc biệt nhất từ trước đến nay. Tôi đã được trải nghiệm cuộc sống thực thụ ở vùng quê ở Ý. Không có Internet để tra tìm thông tin, nhưng tôi đã có thể cập nhật thông tin về phong tục Giáng sinh và tất cả mọi thứ khác từ các thành viên trong đại gia đình.

Các cô các bác rất nhiệt tình trả lời mọi sự tò mò của tôi, và họ rất sung sướng khi được chia sẻ dịp Giáng sinh này với một người nước ngoài như tôi. Đến khi tôi lên tàu trở về Roma, ông bà và mẹ bạn tôi còn khóc, và hỏi xem liệu năm sau tôi có quay lại đón Giáng sinh với họ nữa không.

Họ là những người thật tình cảm và tôi thật may mắn khi ở xa gia đình nhưng lại vẫn có gia đình ở miền đất này.

Vậy Giáng sinh kiểu Ý là gì? Theo cảm nhận của cá nhân tôi, Giáng sinh là tiếng nói chuyện ồn ào và tiếng cười, là những cái ôm thật chặt, là dịp được mong chờ nhất của con trẻ, là dịp sinh viên học xa nhà vội vàng về bên bố mẹ, là dịp gia đình được thưởng thức các món ăn đặc biệt nhất trong năm. Đây còn là dịp mọi người trong gia đình quan tâm tới nhau và chuẩn bị quà cho nhau, là ngày lễ tuyệt vời đối với mọi gia đình.

Nguyễn Khánh Linh

---

[1] “Pasto” - tiếng Ý có nghĩa là bữa ăn; từ này có cùng họ với từ “pasta” - mỳ Ý. Người Ý dùng mì Ý hàng ngày, tựa như người Việt Nam dùng cơm. Tiếng Việt có từ bữa cơm thì tiếng Ý có từ bữa mì.
 

Tags:
 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
0 Trả lời
3839 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 18, 2015, 09:38:08 AM
Gửi bởi hoabang
0 Trả lời
1799 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 07, 2015, 11:15:46 AM
Gửi bởi sualaptopapple
0 Trả lời
778 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 27, 2016, 03:05:42 PM
Gửi bởi fire_diamond1987
0 Trả lời
4444 Lượt xem
Bài mới Tháng Mười Hai 19, 2016, 01:46:49 PM
Gửi bởi Hiền Vũ Thị
0 Trả lời
1832 Lượt xem
Bài mới Tháng Năm 25, 2021, 11:51:22 AM
Gửi bởi dumien

Tour tham quan Sài Gòn 1/2 ngày (Saigon City Tour)
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
160,000
Đặt ngay
Nha Trang - đảo Bình Ba 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
700,000
Đặt ngay
TOUR 1 NGÀY: TÀU RỒNG SÔNG HÀN BUỔI TỐI
Tour: Tham quan
0 ngày 1 đêm
120,000
Đặt ngay
Tour miền Tây 2N1Đ (Mỹ Tho - Bến Tre - Cần Thơ)
Tour: Thám hiểm
2 ngày 1 đêm
610,000
Đặt ngay
Tour 1 ngày: Vĩnh Long
Tour: Khám phá
1 ngày 0 đêm
986,000
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác


Mobile View