Du lịch y tế được hiểu là những người đi đến một đất nước khác để được chăm sóc, điều trị y tế kết hợp với du lịch (nếu bệnh tật không nghiêm trọng). Trước đây, cụm từ này thường được hiểu là những người từ các nước kém phát triển sang các trung tâm y tế lớn ở các nước phát triển để được hưởng các dịch vụ y tế cao cấp, các phác đồ điều trị phức tạp mà không có sẵn ở nước họ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, du lịch y tế thường được hiểu là những người ở những nước phát triển sang các nước đang phát triển để được điều trị, chăm sóc y tế với mức chi phí thấp hơn, hoặc để nhận được các dịch vụ y tế không có sẵn hoặc bị cấm tại nước họ.
Các yếu tố giúp du lịch y tế trở nên phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây là chi phí điều trị y tế cao và thời gian chờ đợi lâu để nhận được một số tiến trình điều trị nhất định ở các nước phát triển, đi lại quốc tế trở nên dễ dàng và tốn ít chi phí hơn cũng như sự cải thiện trong công nghệ lẫn tiêu chuẩn chăm sóc y tế ở nhiều nước đang phát triển.
Chẳng hạn, thời gian chờ đợi lâu ở các ca phẫu thuật chẳng hạn như khớp gối, đục thủy tinh thể... tại các bệnh viện ở Anh là nguyên nhân chính khiến nhiều bệnh nhân ở nước này đi ra nước ngoài điều trị. Trong khi đó, chi phí điều trị, chăm sóc y tế cao tại các bệnh viện ở Mỹ là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người Mỹ chọn du lịch y tế ở nước ngoài.
Trong những năm gần đây, du lịch y tế phát triển phát triển bùng nổ ở Đông Nam Á, nơi cung cấp nhiều dịch vụ y tế với chi phí cạnh tranh nhưng vẫn bảo đảm chất lượng tốt. Với các hòn đảo, bãi biển tuyệt đẹp, ẩm thực và văn hóa đa dạng, các nước Đông Nam Á cũng những nơi rất phù hợp để nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe sau điều trị.
Gernot Ringling, Giám đốc Công ty tổ chức hội chợ Messe Dusseldorf Asia cho biết, gần 1/3 trong số 11 triệu du khách thuộc nhóm du lịch y tế trên toàn cầu mỗi năm là tìm đến Đông Nam Á.
Những điểm đến hàng đầu cho du lịch y tế ở Đông Nam Á là Thái Lan, Singapore và Malaysia. Trong những năm qua, ba nước này đã thực hiện nhiều sáng kiến để củng cố năng lực y tế và cải thiện hạ tầng y tế bao gồm các cơ sở khám chữa bệnh để giành thị phần du lịch y tế đang tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu.
>> Xem thêm: Xây dựng website du lịch chuyên nghiệp với VietISO
Singapore, điểm đến của những ca điều trị phức tạp
Singapore là một trong những điểm đến của du lịch y tế ở châu Á và cũng là nơi được bệnh nhân quốc tế từ các nước phát triển tìm đến nhiều nhất ở Đông Nam Á. Singapore cũng là sự lựa chọn cho những ca điều trị phức tạp nhờ nước này có các cơ sở chăm sóc y tế được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, sở hữu đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao.
Ngoài ra, có những loại thuốc mới đã được cấp phép sử dụng ở Singapore nhưng chưa được cấp phép ở nhiều nước trong khu vực, do vậy, nhiều bệnh nhân trong khu vực chọn Singapore thay vì phải đến Mỹ để được điều trị bằng những loại thuốc đó.
Theo Hội đồng Du lịch Singapore (STB), bệnh nhân quốc tế đến Singapore để tìm kiếm nhiều dịch vụ chăm sóc y tế từ tầm soát sức khỏe tổng quát cho đến các tiến trình phẫu thuật cao cấp trong các chuyên khoa tim mạch, thần kinh, ung thư, nhãn khoa, ghép tạng, chỉnh hình.
Năm 2015, ngành y tế Singapore ước tính thu về 3,5 tỉ đô la Mỹ nhờ đón nhận 850.000 bệnh nhân nước ngoài. 21 bệnh viện, trung tâm và các tổ chức y tế ở Singapore được Joint Commission International, một tổ chức giám định chất lượng bệnh viện của Mỹ, chứng nhận chất lượng dịch vụ y tế toàn cầu.
Các nhà cung cấp dịch vụ y tế ở Singapore vẫn đang tiếp tục đổi mới và ứng dụng các công nghệ y khoa mới để nâng cao năng lực điều trị. Trong nhiều năm qua, STB đã làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân để mở rộng sự tiếp cận của họ ở các thị trường trọng điểm cũng như quảng bá Singapore như là một điểm đến của du lịch y tế cao cấp.
Tuy nhiên, chi phí điều trị và sinh hoạt cao của nước này là một rào cản đối với nhiều bệnh nhân nước ngoài không thực sự giàu có.
Malaysia, sự lựa chọn giá mềm
Malaysia cũng là một trong những điểm đến du lịch y tế được yêu thích trong khu vực nhờ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở nước này có chi phí phải chăng, cạnh tranh nhưng vẫn duy trì chất lượng ngang tầm thế giới.
Bộ Y tế Malaysia đã ban hành nhiều quy định bắt buộc và nghiêm ngặt để bảo đảm ngành y tế phải tuân thủ chuẩn mực cao về chăm sóc và bảo đảm an toàn cho bệnh nhân. Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch y tế Malaysia (MHTC) Sherene Azli cho biết năm 2016, ước tính có 900.000 du khách nước ngoài đến Malaysia để được chăm sóc và điều trị y tế, mang lại nguồn thu kỷ lục 238,8 triệu đô la Mỹ cho Malaysia.
“Du lịch y tế Malaysia đang chứng kiến mức tăng trưởng 30% mỗi năm. Malaysia có hệ thống y tế chất lượng cao với chi phí hợp lý. Trung bình, mỗi du khách sang Malaysia vì các mục đích y tế đóng góp cho nền kinh tế Malaysia gấp đôi so với du khách thông thường. Mỗi bệnh nhân nước ngoài sang Malaysia để được chăm sóc y tế chi trung bình khoảng 239 đô la Mỹ cho mỗi chuyến thăm”, bà này nói.
Các du khách nước ngoài thường sang Malaysia để tìm kiếm các dịch vụ liên quan đến bệnh tim mạch, ung thư, chỉnh hỉnh, thụ tinh ống nghiệm, chăm sóc nha khoa và phẫu thuật thẩm mỹ.
Phần lớn du khách sang Malaysia chữa bệnh là người Indonesia, Singapore, tiếp đến là người Trung Quốc và Ấn Độ.
Thái Lan, điểm đến của phẫu thuật thẩm mỹ
Tại Thái Lan, du lịch y tế cũng đang phát triển mạnh mẽ nhờ nhiều bệnh viện cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao nhưng có chi phí thấp, chỉ tương đương 30-50% so với các nước phương Tây. Chẳng hạn, chi phí phẫu thuật thay khớp háng ở một bệnh viện tại Bangkok chỉ bằng một nửa so với ở Mỹ. Những ai lo lắng về an toàn và tính chuyên nghiệp có thể lựa chọn 33 bệnh viện và phòng khám ở Thái Lan đã được tổ chức Joint Commission International chứng nhận chất lượng.
Du khách nước ngoài thường chọn Thái Lan như là một điểm đến du lịch y tế yêu thích để phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, chăm sóc nha khoa, bệnh tim mạch, chỉnh hình, điều trị vô sinh. Thái Lan đặc biệt thành công với mảng du lịch phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình.
Theo Trung tâm Thông tin kinh tế Thái Lan, du khách thuộc nhóm du lịch y tế chiếm gần 9% trong tổng du khách nước ngoài đến Thái Lan mỗi năm. Riêng những du khách sang Thái Lan phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình chi trung bình 4.200 đô la Mỹ/người trong vòng hai tuần so với mức chi 1.600 đô la Mỹ trong sáu ngày đối với du khách thăm viếng nghỉ ngơi thông thường.
Mỗi năm, có khoảng 550.000 du khách ở Đông Nam Á tìm đến các bệnh viện ở Thái Lan để được điều trị và chăm sóc y tế. 30-50% bệnh nhân ở các bệnh viện tư nổi tiếng ở Thái Lan như Bumrungrad International Hospital, Bangkok Hospital Group và Samitivej Hospital là người nước ngoài.
Thành công của Thái Lan trong nỗ lực quảng bá du lịch y tế đã mang lại doanh thu hàng trăm tỉ baht cho nước này mỗi năm vì các du khách đến Thái Lan để chữa bệnh không chỉ chi tiêu cho các nhu cầu chăm sóc y tế mà còn cho các hoạt động du lịch khác như ăn uống, mua sắm, lưu trú.
Du lịch y tế ở Việt Nam đã phát triển?
Đến nay, du lịch y tế ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hấp dẫn là do còn quá ít thông tin về các dịch vụ du lịch y tế. Ngoài ra, chưa có nhiều hãng lữ hành tổ chức các tour chăm sóc sức khỏe.
Theo một số doanh nghiệp du lịch, hiện khó tổ chức tour khám chữa bệnh hay phẫu thuật thẩm mỹ như Thái Lan, Hàn Quốc, hay Singapore. Tuy nhiên, khách du lịch cũng có nhu cầu đi du lịch kết hợp dịch vụ nha khoa và y học dân tộc. Để thu hút được thêm du khách, các cơ sở y tế cần nâng cao tiêu chuẩn để được cấp các chứng nhận quốc tế.
Ông Phan Đình Huê - Giám đốc Cty Du lịch Vòng Tròn Việt cho biết: “Các cơ sở y tế nên xác định rõ phân khúc khách hàng tiềm năng, muốn thu hút khách từ nước nào thì nên có chứng nhận của nước đó thì khách mới tin tưởng để sử dụng dịch vụ”.
Sở dĩ TP.HCM đã trở thành địa phương đi đầu trong hoạt động thu hút du lịch y tế là do Sở Du lịch và Sở Y tế đã ký thoả thuận hợp tác. Bên cạnh đó là xây dựng và tạo ra các tour du lịch khám chữa bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, đưa ra các tiêu chí đánh giá và chọn lọc các bệnh viện, phòng khám tham gia hệ thống du lịch y tế.
Ngoài ra, nhiều đại diện bệnh viện cũng đề xuất nên chú trọng đến dịch vụ dành cho khách trong nước. Bởi nhu cầu này của người dân là khá lớn, và người Việt cũng được đánh giá là “chịu chi” cho chăm sóc sức khoẻ nếu nhìn lại con số 2 tỷ USD mỗi năm mang ra nước ngoài chữa bệnh.