Đi lễ hội hoa, điều háo hức đầu tiên chắc chắn là…hoa. Trong hi vọng của chúng tôi, hoa sẽ ngập tràn đường phố, còn các khu lễ hội thì khỏi nói, muôn hình muôn vẻ.
Chúng tôi đến vườn sinh thái rừng Lan Ngọc dưới chân đèo Prenn rộng 15 ha khi ông Ngọc, chủ vườn, đang cùng người thợ của mình treo cờ đón khách. Vườn Lan Ngọc là một dạng khác các loại nhà vườn kể trên: kết hợp mô hình Nông-Lâm-Du, trồng hồng, giữ rừng là nguồn thu, còn trồng hoa chỉ để cho khách vào…coi chơi, không bán. Khi nhận ra người quen là phóng viên thường trú TS tại Đà Lạt, ông ồ lên: mới đọc vụ bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Tui khoái bài đó lắm, cho nên trồng sim. Mà mấy gốc sim của tui bữa nay lớn lắm rồi nghe.
Vào trong, quả nhiên có cả một vạt sim đang nở hoa tím ngát. Bụi sim 40 năm có vô số gốc của ông có lẽ là một kỷ lục nữa của Đà Lạt. Có cả hoa mua. Và vô số hoa lạ: sen đất, bông tai, rền dại… Bông tai là loại hoa dại của riêng Đà Lạt sắp mất giống vừa được ông gây lại. “Hoa dại-gái quê”. Ông bà mình từ xưa đã nói vậy rồi mà. Phụ nữ mộc mạc tự nhiên vẫn đẹp, phụ nữ mình giờ Tây quá, nó mất tình cảm đi. Còn hoa thì phải là hoa dại. Tui thích câu thơ này: "Hồn hoa lai láng tình thơ mộng". Tui không thích nói sắc hoa, mà phải gọi là “hồn hoa”. Bông hoa nó có hồn, chứ đâu chỉ là sắc. Mà muốn có hồn hoa lai láng thì phải có thật nhiều hoa. Hoa mọc bên bờ nước, hoa bên vệ đường, hoa leo hàng rào, hoa dại trong rừng…
Tự nhiên nó mới đẹp, mới lai láng. Vườn của tui chưa phải tán hoa dưới tán rừng, mới “hơi dưới tán rừng” thôi. Nay mai sẽ còn phải trồng rất nhiều hoa nữa dưới tán thông đằng kia dài ra cổng, mới thật đẹp.
Tới đây, chợt nhớ lại ước ao của một người Đà lạt khác vừa gặp tối qua: đặt tên hoa cho Đà lạt. Những tên đường Phong Lan, Mimosa, Lyly, Mai Anh đào, Phượng tím…sẽ càng làm Đà Lạt thơ hơn. Đi tìm nhà vườn bán hoa, lại gặp những người biết trân trọng hồn hoa. Rất có thể sẽ là bốn mùa, nếu lễ hội hoa bắt đầu từ họ….