Ðây là nhận xét của nhiều chuyên gia về khai thác tiềm năng du lịch của Hà Nội. Hai từ "tiềm năng" được đưa ra khiến không ít người phải buồn nhưng đó lại là thực tế của du lịch Thủ đô.
Nguyên nhân chính là do du lịch Hà Nội thiếu tính chuyên nghiệp, chưa có chiều sâu như du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Hạ Long...
Có nhiều thế mạnh?
Lâu nay, không ít chuyên gia cũng như cán bộ trong ngành đều khẳng định du lịch Hà Nội có rất nhiều thế mạnh, nhiều tiềm năng nhưng chúng ta chưa phát triển hết. Tuy nhiên, thực tế không hẳn vậy!
Anh Việt Hoàng, cán bộ phụ trách hướng dẫn viên các tua lữ hành quốc tế của Công ty Intrepid Indochina có một cái nhìn khác: Du lịch Hà Nội thực chất chỉ mạnh về văn hóa, lịch sử, con người. Ðây chính là thế mạnh riêng của Hà Nội để thu hút du khách.
Hà Nội so với các thành phố trên thế giới nhỏ hẹp, ít nơi giải trí, ít cảnh đẹp với không gian rộng, thoáng đãng. Vì thế, hầu như tất cả các tua lữ hành quốc tế, khách nước ngoài đều ghé qua Hà Nội nhưng không lưu lại lâu, thường nhiều nhất là ba ngày.
Cũng theo anh Hoàng, múa rối nước là môn nghệ thuật đặc sắc nhất của Hà Nội mà du khách nào cũng cố gắng đến xem. Bên cạnh đó là hệ thống bảo tàng phong phú, trong đó Bảo tàng Dân tộc học là một điểm du khách rất ưa thích.
Rồi ăn uống, có thể nói là ngon nhất so với cả nước, từ quán ăn vỉa hè đến nhà hàng đều gây được ấn tượng mạnh mà giá cả lại hợp lý. Hà Nội nhỏ, đường phố chật hẹp, đi lại khó khăn nhưng thực tế du khách lại rất ấn tượng về một thành phố trong thời buổi hội nhập nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.
Tuy nhiên, những nét riêng này không phải công ty du lịch nào cũng nhận ra dẫn đến quá trình tổ chức cho khách tham quan thường đơn điệu, trong một ngày đã... hết chỗ chơi!
Việc bán hàng lưu niệm cho khách cũng mạnh ai nấy làm, nhiều trường hợp hướng dẫn viên câu kết chủ cửa hàng bán cho khách với giá "ngất ngưởng" khiến du khách có những ấn tượng không đẹp.
Ðáng buồn hơn là khi du khách hỏi về hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây hay các đồ chơi, quà lưu niệm hướng dẫn viên phần do ngoại ngữ yếu, phần không hiểu lịch sử Hà Nội đã tìm cách trả lời qua quýt cho xong chuyện.
Anh Tùng Anh, giảng viên Khoa Du lịch (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Các nhà quản lý cũng như các công ty cần thẳng thắn nhìn nhận du lịch Hà Nội không có nhiều thế mạnh mà chỉ có lợi thế.
Trong đó, các giá trị to lớn như văn hóa, lịch sử, lối sống, phong cách của người Hà Nội là những điểm rất cần phát huy, tập trung khai thác.
Ðể khách lưu lại dài ngày hơn
Theo nhiều công ty du lịch ở Hà Nội, điều này quả không dễ vì hiện với thói quen dừng lại chỉ hai đến ba ngày, lịch trình đưa khách tham quan Hà Nội đã gần như cố định tại các địa danh: hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, Bảo tàng Dân tộc học, Nhà hát múa rối nước Thăng Long, ăn uống, mua sắm ở các phố cổ, làng lụa Vạn Phúc. Buổi tối, chủ yếu du khách chỉ biết ngủ trong khách sạn hoặc loanh quanh ở một vài quán bar quanh đó.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, có đến 70% du khách chỉ đến Hà Nội một lần, lượng khách quay lại khoảng 30%. Về điều này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Mai Tiến Dũng cho rằng, đó là chuyện bình thường vì du lịch ở nhiều thành phố lớn, hấp dẫn trên thế giới tỷ lệ du khách quay trở lại cũng vậy.
Tuy nhiên, theo đánh giá của những công ty du lịch lữ hành quốc tế lớn ở Hà Nội như Saigontourist, Du lịch Hà Nội, Intrepid Indochina, Trail of Indochina, Exotissimo con số trên chưa tương xứng những gì Hà Nội đang "sở hữu".
Ngoài chuyện giao thông khó khăn, rất dễ bị "nghẽn" tua do tắc đường, thiếu phòng khách sạn trầm trọng vào các dịp lễ, Tết, các sự kiện lớn, môi trường nhiều khói bụi, rác thải, du lịch Hà Nội còn đang bỏ quên các tour du lịch sinh thái lân cận như du lịch dọc sông Hồng, Khu di tích Cổ Loa, Xuân Mai, Lương Sơn, Tam Cốc - Bích Ðộng... Mới đây, một số công ty đã mạnh dạn tổ chức cho khách tua đạp xe quanh Hà Nội (đến Bát Tràng, thành Cổ Loa), đưa khách lên Xuân Mai, Sơn Tây, tham quan các làng nghề quanh Hà Nội và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của du khách.
Ðây được cho là hướng đi mới của du lịch Hà Nội nhằm tránh lối mòn và đặc biệt có thể kéo dài lịch trình tham quan Hà Nội của du khách.
Theo anh Việt Hoàng, các tour ngắn đến Khu di tích Cổ Loa, du lịch trên sông Hồng thật sự là thế mạnh của Hà Nội vì gắn với thiên nhiên và có giá trị lịch sử đặc biệt rất cuốn hút du khách. Các tour du lịch đến làng nghề, điểm sinh thái ở Hà Tây, Hòa Bình cũng vậy.
Thế nhưng, các điểm này đã bị lãng quên quá lâu. Khu di tích Cổ Loa rất ít được giới thiệu, quảng bá, cơ sở phục vụ du khách ở đây quá ít. Hay tour du lịch sông Hồng có hành trình vài chục km nhưng vẫn còn rất thô sơ từ phương tiện đến bến bãi đưa, đón khách.
Vào mùa khô, không thể đi từ bến Chương Dương lên sông Ðuống, làng tranh Ðông Hồ, thành Cổ Loa vì nước cạn khó cập bến.
Ðể du khách đến và quay trở lại Hà Nội đông hơn, xứng tầm với lợi thế của Thủ đô (là điểm dừng chân của hầu hết các tua đến Việt Nam, nơi thường xuyên có những sự kiện chính trị - văn hóa lớn, điểm đến của các doanh nhân...), theo nhiều chuyên gia, điều cần thiết lúc này là du lịch Hà Nội cần tăng tính chuyên nghiệp, đi vào chiều sâu.
Nhiều năm nay, trong khi các địa phương khác đều có những chương trình lớn để quảng bá du lịch định kỳ như khai hội du lịch ở Hạ Long, chọi trâu Ðồ Sơn, Lễ hội hoa Ðà Lạt, Festival Huế, Hội An, Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên... thì Hà Nội vẫn im lặng.
Theo anh Mai Tiến Dũng, cần triển khai một chương trình quảng bá lớn cho du lịch Hà Nội. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cho hạ tầng phục vụ du lịch, xây dựng quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020 và xa hơn nữa.
Trong đó, giải bài toán giữ lại những giá trị văn hóa ở phố cổ nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu phát triển, đô thị hóa cũng cần được cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính hài hòa.
Ðó có lẽ là những việc lớn, còn ngay như những việc nhỏ như thành lập đội ngũ giúp đỡ, hướng dẫn giao thông cho khách (TP Hồ Chí Minh đã làm) Hà Nội cũng chưa có.
Chuyện vệ sinh môi trường bề bộn, trật tự đô thị lộn xộn, nạn đeo bám, chèo kéo khách chưa được khắc phục cũng đang làm mất đi vẻ thanh lịch, hiền hòa của Hà Nội. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đang kỳ vọng, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ là cơ hội tuyệt vời để quảng bá cho du lịch Thủ đô nhưng rất tiếc đến nay, vẫn chưa có một chương trình cụ thể nào.
Báo cáo mới đây của UBND thành phố Hà Nội cho biết, lượng khách quốc tế đến Thủ đô gần đây đang tăng nhưng số quay trở lại thấp do thành phố thiếu các điểm tham quan đặc sắc, ít điểm vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp luôn bị thiếu và quá tải.
Một lần nữa, đây quả thật là vấn đề đáng để suy ngẫm.
Pham Thu (Theo Nhân Dân)