Tôi cần một môi trường khác tốt đẹp hơn, nơi có những người trí thức cho tôi học hỏi. Đó là lý do tôi quyết định nộp đơn xin đi học lại.
Võ Thị Mỹ Linh là cái tên không còn xa lạ với giới trẻ. Năm 2014, Mỹ Linh gây xôn xao dư luận khi may mắn thoát chết sau trận bão tuyết, khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và nhiều người mất tích trên dãy núi Annapurna (Nepal). Cô gái sinh năm 1989 này đã tốt nghiệp Đại học KHXH&NV TP. HCM, tuy nhiên, mới đây Mỹ Linh tiếp tục giành học bổng toàn phần bậc thạc sĩ trị giá 53.744 USD/năm (hơn 1,2 tỉ đồng) kèm hỗ trợ 1.700 USD/tháng (khoảng 38 triệu đồng) cho chi phí ăn ở từ ĐH Duke (Hoa Kỳ).
Chào Mỹ Linh, được biết, trước đây bạn không phải là người thích môi trường học thuật, vậy động lực nào để bạn xin học bổng đi du học?- Có người cần trải nghiệm thực tế để áp dụng kiến thức họ đã học từ sách vở vào cuộc sống, có người khi trải nghiệm rồi cần quay lại trường học để gặt hái những kiến thức cần thiết nhằm tạo ra sự thay đổi lớn hơn. Tôi nghĩ tôi thuộc loại thứ hai.
Hồi trước, tôi không quan tâm đến chuyện học hành lắm, vì các công việc tôi đã trải qua chẳng ai hỏi han tôi bằng cấp cả. Họ thuê mướn tôi vì khả năng làm việc của tôi. Sau này khi quyết định bỏ việc đi du lịch, tôi lại nghĩ du lịch là trường học tốt đẹp nhất vì mỗi hành trình tôi đi qua mang lại cho tôi nhiều câu chuyện thú vị. Như chuyện khi tôi du lịch qua Ấn Độ, tôi phát hiện ra những vấn đề tồn tại của đất nước họ. Khoảng 80% dân số của họ theo đạo Hindu và đối với họ bò là thần. Nên những người ăn thịt bò ở Ấn Độ sẽ bị phạt tù tương đương với tội hiếp dâm một bé gái.
Hoặc khi qua Nepal làm tình nguyện viên, chứng kiến cảnh những đứa trẻ phải vượt 3 quả đồi cao và dài đằng đẵng để tham dự cuộc thi đánh vần tiếng Anh, mà phần thưởng chỉ là một cuốn từ điển giấy, tôi tự hổ thẹn với bản thân và thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Lúc đó du lịch bụi vẫn còn là thứ mới mẻ đối với tôi. Nhưng chuyến du lịch tôi qua Mỹ và Mexico cách đây một năm rưỡi, tôi lại không tìm thấy nhiều điều thú vị để học hỏi nữa. Tôi thấy chán mỗi khi ngồi túm tụm lại cùng các bạn bè du lịch bụi. Họ sử dụng chất kích thích, nói về chuyện gái trai và an ủi nhau sống điên cuồng như thể ngày mai là ngày tận thế vậy.
Nhưng sự thực thì ngày mai vẫn đến và chúng ta không thể cứ sống trong vô định hoài. Tôi nhận ra tôi không thuộc về thế giới của họ và cũng không muốn trở thành một trong số họ. Tôi cần một môi trường khác tốt đẹp hơn, nơi có những người trí thức cho tôi học hỏi. Đó là lý do tôi quyết định nộp đơn xin đi học lại.
Sau 1 thời gian trải qua các công việc khác nhau rồi lại nghỉ việc để đi du lịch, bạn đã gặp những khó khăn hay thuận lợi gì trong quá trình xin học bổng?
- Những bạn cùng đạt học bổng với tôi rất tài năng. Nhưng tất cả họ đều na ná giống nhau, thành tích học tập giỏi, kinh nghiệm làm việc lâu năm và là lãnh đạo của các tổ chức có uy tín. Họ có nhiều thứ quá, tôi thì chẳng có gì. Nhưng vì không có gì nên tôi cũng chẳng lo ngại sẽ mất gì. Và điều đó làm tôi trở nên khác biệt.
Hội đồng thích những câu chuyện tôi kể và sự quyết tâm của tôi. Năm đầu tôi bị đánh rớt do điểm thi của tôi rất thấp. Lúc đó tôi được hỗ trợ đi Anh học. Nhưng rồi tôi từ chối và bảo với hội đồng cho tôi 6 tháng để tôi ôn thi lại. Tôi dừng mọi hoạt động du lịch, xin làm tình nguyện viên ngày 5 tiếng trong khách sạn để đổi lại ăn ở, thời gian còn lại là vùi đầu vào học.
Nhiều bạn bè rất ngạc nhiên khi thấy tôi mang danh là đi du lịch mà cứ ngồi quanh quẩn trong khách sạn cắm đầu làm bài tập. Nhiều lúc tôi cũng thấy mình kỳ dị vì chẳng nói chuyện và giao tiếp với ai ngoại trừ ông Roger là thầy dạy kèm của tôi. Nhưng nhờ quyết tâm đó, sau 6 tháng ôn thi, tôi chứng minh cho hội đồng thấy rằng tôi không nói suông và tôi đã làm được điều mà tôi hứa với hội đồng.
Có điều gì đặc biệt hay ấn tượng nhất với bạn khi viết luận hay phỏng vấn không?- Sau hai lần xin học bổng, tôi viết tổng cộng hơn chục bài luận và trải qua hàng chục lần chỉnh sửa khác nhau. Một điều tôi thích ở cách làm việc của các giám khảo trong hội đồng là họ tìm mọi cách hỗ trợ tôi, từ chuyện trả tiền cho tôi đi thi đến chuyện tìm người sửa bài luận cho tôi. Tôi nghĩ tôi là thí sinh hiếm hoi được hỗ trợ đặc biệt đến vậy.
Sau này tôi nhận ra, việc tìm người sửa bài luận cho tôi cũng là cách để hội đồng kiểm tra năng lực và tính cách của tôi. Ban đầu tôi viết bài luận cứ như viết tiểu thuyết vậy. Bà Susan Carroll, giám đốc trung tâm học bổng bảo tôi hãy làm cho các bài luận kém thú vị hơn một tí. Tôi không hiểu kém thú vị nghĩa là thế nào. Sau đó bà ấy đưa cho tôi vài bài luận mẫu để đọc thì tôi mới phát hiện ra là tôi thiếu các dẫn chứng và số liệu thực tế.
Thế là tôi lại đi tìm kiếm các số liệu cần thiết để bổ sung vào. Khi tôi bổ sung xong, bà Carroll bảo ổn rồi nhưng tôi cảm giác bà ấy vẫn chưa hài lòng lắm. Tôi sửa đi sửa lại rất nhiều lần nữa, cho đến khi bà Carroll bảo đó là bài luận hoàn hảo.
Trong đa số các bài phỏng vấn, bạn thường nhắc đến bố. Ông có ảnh hưởng như nào tới bạn?- Tôi và bố tôi không thân thiết cho lắm nhưng ông lại là người ảnh hưởng đến cách sống của tôi nhiều nhất.
Bố tôi là một người khá gia trưởng và không xem trọng đàn bà phụ nữ lắm. Từ nhỏ, nhìn cách bố đối xử với mẹ, tôi đã định hình trong đầu rằng sau này tôi nhất quyết không trở thành mẫu người phụ nữ sống phụ thuộc như mẹ.
Nhưng bố tôi cũng có cái hay để tôi học hỏi. Ông là một người khá quyết đoán trong mọi việc và chịu trách nhiệm cho những việc mình làm. Hồi tôi còn nhỏ, bố tôi là người kinh doanh thành đạt. Nhưng rồi sau đó làm ăn vỡ nợ, bố vẫn quay về vác máy đi rà bom để kiếm tiền trang trải như bình thường.
Sau tai nạn bom, bố tôi di cư vào Nam lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Bố tôi quan niệm, thành đạt của người đàn ông chính là con cái. Thế nên dù có thế nào ông cũng hỗ trợ anh em tôi học hành đến nơi đến chốn. Nhưng ông không ép buộc con cái phải sống theo cách nghĩ của ông. Ông cho chúng tôi được phép lựa chọn cuộc đời mà mình muốn sống.
Đợt vừa rồi, nhiều bạn trẻ cũng tranh luận sôi nổi về việc giới trẻ đi du lịch dịp Tết thay vì về nhà sum họp với gia đình. Là một người ưa xê dịch, bạn nghĩ sao về quan điểm này?- Vì tôi chỉ sống với bố mẹ từ 1-6 tuổi, sau đó thì không sống với bố mẹ nữa nên sợi dây kết nối giữa tôi và bố mẹ hầu như không có. Bởi vậy tôi thấy rất chán khi ở nhà vào dịp Tết vì không có gì để nói với bố mẹ.
Cách đây 2 năm, vì không muốn bị chán, tôi quyết định đi du lịch xuyên Việt bằng cách xin đi nhờ xe trên đường. Nhưng lên tới Đà Lạt, ở nhờ nhà một người bạn, thấy gia đình họ sum vầy vui vẻ, tôi tự dưng thấy mình lạc lõng. Tôi nghĩ về mẹ tôi, người luôn mong ngóng mỗi năm có con gái về nhà ăn Tết dù chỉ là được nhìn mặt con gái và chẳng cần nói gì nhiều.
Tôi quyết định quay về nhà ăn Tết với mẹ thay vì đi tiếp. Hôm đó, tôi nhận ra con đường đẹp đẽ nhất không phải là con đường in dấu chân tôi đi qua mà chính là con đường trở về nhà.
Linh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ yêu thích chủ nghĩa xê dịch không?- Tôi nghĩ yêu thích chủ nghĩa xê dịch là tốt vì các bạn có cơ hội mở rộng tầm mắt và học hỏi được nhiều từ thế giới bên ngoài. Nhưng tôi không thích đi du lịch kiểu “check-in” dù đôi lúc đó cũng điều cần thiết giúp các bạn giải tỏa căng thẳng.
Tôi nghĩ, còn trẻ còn sức thì nên đi du lịch theo kiểu trải nghiệm để học hỏi và ứng dụng những điều đã học đó cho nghề nghiệp tương lai. Có nhiều bạn thấy tôi hay đi nên nghĩ chắc tôi thích làm những thứ điên cuồng vậy là rủ tôi chạy bộ xuyên quốc gia, đạp xe xuyên lục địa hoặc đi du lịch vòng quanh thế giới.
Thực ra, việc đi du lịch vòng quanh thế giới không phải là chuyện khó khăn gì cho lắm. Nhưng câu hỏi đặt ra là, đi vòng quanh thế giới để làm gì? Nếu phải bỏ ra một khoảng thời gian dài để đi mà mục đích là chỉ để khoe với thiên hạ rằng tôi đã đi khắp các nước thì tôi không muốn phí thời gian để làm chuyện vô ích đó. Vì hạnh phúc và niềm đam mê lớn nhất của tôi là tạo ra những giá trị mang tính ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng chứ không phải là chuyện đi du lịch.
Cảm ơn Linh!Nguồn:
https://saostar.vn/xa-hoi/vo-thi-linh-ngay-mai-van-den-va-chung-ta-khong-cu-song-hoai-trong-vo-dinh-2187560.html