Đó là Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh của cộng đồng người Hoa (TP.Phan Thiết) và Lễ hội Katê của người Chăm (huyện Hàm Thuận Bắc) diễn ra trong tháng 8 và 9 sắp đến. Đây là 2 lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa địa phương được tỉnh Bình Thuận xác định là những lễ hội chính phục vụ cho ngành du lịch.
Cụ thể TP.Phan Thiết vừa thông qua kế hoạch tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân năm 2008. Đây là Lễ hội truyền thống với phần hội diễn ra trên đường phố và đã có từ rất lâu của cộng đồng người Hoa sinh sống tại Phan Thiết. Lễ hội năm 2008 với phần lễ chính và nhiều phần hội sẽ diễn ra trong ba ngày từ 19-21/8/2008 (tức 19-21/7 ÂL). Trong đó, riêng phần hội sẽ bắt đầu từ 5h sáng ngày 21/8 với gần 900 người của đoàn Quan Đế Miếu và 4 Hội quán là Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam tham gia rước Ông du hành qua nhiều tuyến đường trung tâm TP. Phan Thiết. Lễ hội Nghinh Ông năm nay sẽ rất phong phú và hấp dẫn bởi những đội hóa trang thầy trò Tam Tạng thỉnh kinh, Đồng tử bái Quan Âm, Phước Lộc Thọ, Bát Tiên, Bao Công xử án, thiếu nữ gánh hoa, múa cung đình, biểu diễn múa rồng lớn nhất Việt Nam…tạo điều kiện cho người dân địa phương, cộng đồng người Hoa ở các tỉnh, thành bạn cũng như khách du lịch đến dự khán và thưởng lãm.
Song song đó, thông tin từ Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, tỉnh Bình Thuận cũng vừa thông qua kế hoạch tổ chức Lễ hội Katê (của người Chăm) năm 2008 diễn ra tại tháp Pôshanư Phan Thiết. Theo kịch bản, nội dung và chương trình lễ hội do các chức sắc người Chăm huyện Hàm Thuận Bắc trực tiếp hành lễ đúng nghi thức nguyên gốc, phong tục tập quán truyền thống vốn có của cộng đồng người Chăm. Thời gian tổ chức Lễ hội Katê chính thức diễn ra trong 2 ngày 1 đêm từ 28- 29/9/2008 (tức 30/6 và 1/7 Chăm lịch) với phần lễ và phần hội. Trong đó phần hội sẽ được tổ chức nhiều hoạt động độc đáo, hấp dẫn và phong phú như: trò chơi dân gian (nhảy bao bố, kéo co, đẩy gậy), hội thi văn nghệ dân gian giữa người Chăm các xã Hàm Phú, Hàm Trí và thị trấn Ma Lâm huyện Hàm Thuận Bắc).
Được biết, lễ hội Katê đã được tỉnh Bình Thuận xác định là một trong những Lễ hội lớn tổ chức phục vụ du lịch. Do vậy lễ chính đã được chuyển về tổ chức tại cụm tháp Chăm Poshanư, thành phố Phan Thiết.