Du lịch đường biển đến Việt Nam đang tiếp tục hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách châu Âu, bằng chứng là các chuyến tàu liên tiếp cập cảng tại Đà Nẵng, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh thời gian vừa qua.
Gần đây nhất, ngày 14/7, tàu Super Star Gemini mang theo 800 du khách, trong đó chủ yếu là du khách Đức, đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).
Nguồn tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 31 tàu biển với trên 20.000 du khách quốc tế đến thành phố ven biển miền Trung đẹp vào bậc nhất Việt Nam này.
Con số này đã tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến từ nay đến cuối năm, Đà Nẵng sẽ đón thêm 10 chuyến tàu du lịch biển nữa với trên 6.000 du khách.
Tại Quảng Ninh, nơi có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cũng ghi nhận mức tăng trên 11% với 74.000 du khách trong nửa đầu năm. Với Thành phố Hồ Chí Minh, tuy lượng khách chỉ khoảng 21.000 người nhưng đã đạt mức tăng tới 40%, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Công ty Saigontourist, một trong những hãng lữ hành của Việt Nam dẫn đầu trong thu hút khách quốc tế đường biển, đã đón khoảng 57.000 du khách trong 6 tháng qua, đạt mức tăng ấn tượng là 94%. Năm nay, lượng du khách đường biển thông qua doanh nghiệp này được dự kiến sẽ cao gấp hơn 2 lần năm ngoái, với khoảng 100.000 người.
Trong một hội nghị về phát triển du lịch đường biển tổ chức tại Quảng Ninh hồi cuối năm ngoái, ông Uzi Garty, Phó chủ tịch hãng tàu biển Fashion TV của Pháp đã nhận định rằng du lịch tàu biển của Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới bởi nơi đây có quá nhiều lợi thế để khai thác loại hình du lịch này.
Những lợi thế đó, theo ông Uzi Garty cũng như đại diện nhiều hãng tàu quốc tế khác, là chiều dài 3.000 km bờ biển cùng hàng ngàn hòn đảo chạy dọc bờ biển với những cảnh quan tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, Việt Nam còn nằm trên tuyến đường giữa hai trung tâm du lịch tàu biển trong khu vực là Singapore và Hongkong.
Những chuyên gia du lịch trong nước thì cho rằng, dù đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá, nhưng lượng khách đến bằng đường biển vẫn chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam.
Ngoài ra, những bất cập khác của lĩnh vực này còn là chất lượng phục vụ chưa chuyên nghiệp, thiếu phương tiện vận chuyển, chưa có cảng chuyên dụng phục vụ đón khách tàu biển, chưa đa dạng thị trường, mới chủ yếu tập trung khai thác thị trường Trung Quốc.
Tổng Cục Du lịch đang triển khai kế hoạch thiết lập quan hệ với các hãng tàu biển lớn trên thế giới, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường. Cơ quan này cũng đã kiến nghị Chính phủ quy hoạch tổng thể các điểm du lịch biển trên cả nước, xem xét việc áp dụng chính sách miễn thị thực cho du khách đường biển để tạo thuận lợi hơn nữa cho mục tiêu đón 1 triệu du khách đường biển vào năm 2015.