Trong khuôn khổ dự án "phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế ở đầm phá Tam Giang Thừa Thiên Huế", sáng ngày 10/8, tại thành phố Huế, Trung Tâm Nghiên cứu và Phát Triển Xã Hội (CSRD) đã tổ chức hội thảo đánh giá tuyến du lịch sinh thái cộng đồng đầm phá Tam Giang - Quảng Điền.
Dự án phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế ở đầm phá Tam Giang Thừa Thiên Huế nhằm mục tiêu: nâng cao nhận thức của người dân địa phương về bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vùng đầm phá; tăng thu nhập cho các hộ ngư dân từ các hoạt động liên quan đến du lịch trên địa bàn dự án; tăng cường liên kết các bên liên quan trong công tác quản lý du lịch địa phương. Dự án thực hiện từ thàng 8/2009 - 7/2010 với 2 tuyến du lịch sinh thái cộng đồng, gồm tuyến 1: tuyến Quảng Điền với điểm nhấn nhấn là thôn Ngư Mỹ Thạnh xã Quảng Lợi. Lộ trình Huế – Đình Làng Thủ Lễ – Thôn Ngư Mỹ Thạnh – Thôn Thủy Lập (xã Quảng Lợi) –Thôn Tân Mỹ (Xã Quảng Ngạn); tuyến 2: tuyến Phú Vang với điểm nhấn là thôn ngư nghiệp đội 16 xã Vinh Phú. Lộ trình Huê – Thuận An – Tháp Chăm – Khu Lăng Mộ An Bằng – Bến đò Hà Úc – Khu bảo tồn thủy sản Cồn Chìm xã Vinh Phú. Tuy nhiên, dựa trên nguồn lực của dự án và phân tích tiềm năng khai thác, CSRD quyết định chọn tuyến Quảng Điền - Ngư Mỹ Thạnh để đầu tư sâu hơn về cơ sở vật chất để phát triển sản phẩm.
Sau 1 năm thực hiện, dự án đã góp phần cải thiện cảnh quan các cộng đồng; cây xanh; quản lý rác thải tốt hơn; nâng cao nhận thức bảo tồn nguồn lợi thủy sản; giảm đánh bắt hủy diệt trên đầm phá; góp quỹ bảo tồn tài nguyên của cộng đồng; nâng cao hiểu biết của khách về cảnh quan và con người vùng đầm phá Tam Giang; nâng cao năng lực cộng đồng; làm việc có sự tham gia; xây dựng niềm tin, sự tự hào của địa phương và cộng đồng về quê hương mình.
Trong năm 2010, tuyến du lịch sinh thái cộng đồng đầm phá Tam Giang - Quảng Điền đã đón được 13 đoàn khách, với doanh thu ước tính 8,930,000 triệu VNĐ, tạo thêm nguồn thu nhập trực tiếp và gián tiến cho người dân.
Theo đánh giá của CSRD, dự án góp phần tạo công ăn việc làm cho người nghèo, tạo ra những thay đổi từ phía nhận thức cũng như hành vi của người dân sống quanh khu vực đầm phá và cộng đồng nói chung; tạo ra nhiều cơ hội để bà con có thể tiếp cận được với nhiều nền văn hóa bên ngoài; làm đa dạng thêm dịch vụ du lịch ở tỉnh Thừa Thiên Huế; tạo cơ hội để các công ty lữ hành có thêm một địa chỉ bổ sung vào chương trình du lịch cho du khách khi đến với Thừa Thiên Huế.