Du lịch đường sông TP.HCM - Campuchia
Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long còn yếu kém
Tìm cách “kéo” du khách về ĐBSCL
(PetroTimes) - Nhằm hướng TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ về tàu thuyền du lịch, lãnh đạo thành phố đã đồng ý để các đơn vị khai thác du lịch mở thêm nhiều tuyến du lịch đường sông, góp phần phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch.Với điều kiện tự nhiên gồm hệ thống sông ngòi kết nối với các vùng lân cận và biển Đông, đồng thời là trung tâm kinh tế lớn, điểm trung chuyển khách, TP HCM rất giàu tiềm năng phát triển loại hình du lịch đường sông.
Chính vì thế, du lịch đường sông là loại hình rất được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo đầu tư, phát triển.
Tàu trên kênh Bến Nghé đi ngang Bến Nhà Rồng
“Lãnh đạo thành phố rất chú trọng trong việc khai thác du lịch đường sông, mục tiêu phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch, từng bước đưa TP HCM thành trung tâm dịch vụ hạ tầng về tàu thuyền du lịch, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, thưởng thức các giá trị văn hóa nhân văn của du khách, đồng thời góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa tinh thần, tài nguyên tự nhiên và tôn tạo cảnh quan, gìn giữ vệ sinh, môi trường sinh thái cho thành phố” bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết.
Các tuyến du lịch mở ra hướng đi mới cho thành phố khi các kênh rạch đã dần hồi sinh, đảm bảo cho du khách có nhiều lựa chọn khi đến và tham quan TP HCM.
Tham quan Rừng Sác - Cần Giờ
Tuyến du lịch mới xây dựng được nhiều người quan tâm là “Tour Đại lộ Đông Tây”, theo tuyến kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, nơi vừa được cải tạo. Điểm nhấn của tuyến là chạy dọc Đại lộ Đông Tây, được xem là một trong những con đường đẹp, hiện đại nhất TP HCM.
Đồng thời, khi chạy dọc kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, du khách có thể thưởng ngoạn các điểm nổi tiếng của thành phố như bến Bạch Đằng, Bến Nhà Rồng, cầu Móng, cầu Chữ Y, Bến Bình Đông... và con kênh này từng là nơi giao thương “trên bến dưới thuyền” của một Sài Gòn xưa.
Ngoài tuyến đường bộ, khách du lịch tham quan Địa đạo Củ Chi, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, đơn vị này cũng khai thác các tuyến bằng đường sông để giới thiệu những đặc trưng của du lịch sông nước.
Tham quan khu đô thị hiện đại nhất Sài Gòn - Phú Mỹ Hưng (quận 7)
Bên cạnh đó, các tuyến du lịch đường sông khác cũng thu hút nhiều khách tham quan xuất phát từ Bến Bạch Đằng như tuyến đi Nhà Vườn Long Phước (quận 9), Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Bình Quới...
Các đơn vị khai thác du lịch đang đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm du lịch đường sông thông qua việc phát hành miễn phí các ấn phẩm liên quan bằng các ngôn ngữ đến du khách tại các cơ sở lữ hành, khách sạn, nhà hàng… thông qua Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, Hiệp hội du lịch giới thiệu rộng rãi đến các đối tác kinh doanh lữ hành tại thành phố.
Đồng thời, lập các quầy thông tin bán chương trình du lịch đường sông tại bến Bạch Đằng, tăng cường công tác quảng bá thông tin trên các phương tiện truyền thông, giới thiệu đến đối tác, khách hàng tại các kỳ hội chợ du lịch trong và ngoài nước…
V.H - petrotimes.vnDu lịch đường sông TP.HCM - Campuchia
Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long còn yếu kém
Tìm cách “kéo” du khách về ĐBSCL