Bản sắc văn hóa truyền thống của người H’rê ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, rất đa dạng và phong phú nhưng đang có xu hướng bị mai một.
Ông Phạm Văn Sự là một trong số ít người dân tộc H’rê ở huyện Ba Tơ biết cách chế tạo và sử dụng các loại nhạc cụ của dân tộc mình. Đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn miệt mài truyền dạy cho con cháu cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống với mong muốn giá trị văn hóa của dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy. Ông Sự chia sẻ: Bản sắc văn hóa của dân tộc chính là những làn điệu dân ca như Ta lêu, Ca choi và các nhạc cụ Vơ Roát , Túc Chinh. Mình muốn truyền lại cho con cháu để sau này những nhạc cụ, bài hát của người H’rê không bị mất đi. Nhưng việc này cũng khó lắm vì các bạn trẻ không mấy thích thú với những thể loại âm nhạc, nhạc cụ truyền thống.
Trải qua thời gian, các hình thức sinh hoạt văn hóa, lễ hội, nhạc cụ truyền thống của dân tộc H’rê đã bị thất lạc và mai một. Số nghệ nhân người H’rê biết trình diễn và am hiểu sâu sắc về nhạc cụ, về các làn điệu dân ca cũng vắng dần. Trong khi đó, một số thanh niên trẻ lại quay lưng lại với văn hóa truyền thống.
Để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc H’rê, chính quyền địa phương, mà trọng tâm là ngành văn hóa huyện Ba Tơ đã tổ chức các hội thi, hội diễn hay những đợt kiểm tra. Tuy nhiên, những việc đó cũng chỉ được thực hiện rất ít. Bà Đinh Thị Y Ban Quý, Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao huyện Ba Tơ cho biết: Chúng tôi đã mở đợt kiểm kê, kiểm tra và xếp loại các loại hình văn hóa hiện có, qua đó chúng tôi xây dựng phương hướng, kế hoạch để bảo tồn, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của người H’rê.
Việc bảo tồn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người H’rê ở Quảng Ngãi có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, để các giá trị văn hóa này được lưu truyền, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là cộng đồng người H’rê./.
Theo TCDL