Hạ Long cách Hà Nội 165 km, trên đường ra biển Đông không thấy mấy bước gọi là xa. Nhưng từ vùng đồng bằng sông Hồng phẳng lặng bờ tre ruộng lúa đến chân mây, chỉ xê dịch một chốc lát ngắn ngủi đã ra tới nơi mênh mang cát trắng và đá tảng của ba nghìn hòn đảo. Thiên nhiên thật là muôn vẻ phong phú.
Hạ Long đúng như tên gọi, trên một vùng nước xanh biếc, tỏa ra như một đoàn Rồng uốn khúc. Và xa xa, Bái Tử Long có nghĩa là Rồng con về chầu Rồng mẹ lại là những đảo xanh liên tiếp vờn trên trời.
Mỗi bước đến gần, mỗi bước thấy khác, theo mỗi chúng ta, một tình cảm, một lúc nhìn. Đấy là một buổi sớm. Một ngày sang xuân. Hay buổi trưa dịu nắng đương vào đông. Đứng trên đỉnh núi Bài Thơ trông ra Vịnh Hạ Long tưng bừng như một điệu múa lụa. Cả vạn cô tiên văn công đương uốn mình giữa mênh mông trời nước.
Xuống lưng núi Bài Thơ lại thấy Hạ Long là một binh đoàn kỵ sĩ, những con ngựa chiến đương phóng bờm dựng lên bên cạnh mặt biển sáng loáng lưỡi gươm người chiến sĩ. Và trong dân gian vẫn còn truyền tụng câu chuyện say đắm về Hạ Long.
Ngày xưa có cô tiên đi qua đây trông thấy vùng biển này đẹp quá. Tiên mê cảnh trần gian bèn xuống xin làm con gái nhà chài. Bây giờ tảng đá giữa Vịnh còn tạc bóng cô tiên ngồi, cô tiên gánh nước, cô tiên gội đầu.
Ta thấy mỗi ven đảo còn in vết lại cả nguyên lưới sóng đá, nói với người đời nghìn vạn năm lịch sử đã qua đây.
Và mỗi tảng đá đều quyến rũ được người dừng lại ngắm, như thiên nhiên ở đây đã qua bàn tay sáng tạo của nhà điêu khắc thiên tài.
Hạ Long đầy rêu đá, làm cho sóng nước lòng biển quanh năm xanh mướt, như những con thuồng luồng xanh, nghe nói xưa kia trong hốc đá, sống thật những con thuồng luồng dài như là sóng.
Cát Hạ Long vẫn mịn lẫn vỏ sò vỏ ốc được sóng đưa đẩy lên xuống xôn xao rửa ánh nắng. Cũng một viền cát ấy có lúc lấp lánh như tuyết, có lúc tím ngắt dáng chiều màu mây hoàng hôn.
Sáng sớm nằm trên cát ngắm đoàn thuyền ra khơi dương buồm như nghìn vạn cánh bướm chấp chới ngấn nước xa. Đêm đến ánh đèn những đoàn thuyền chài cá thành hàng nghìn ngôi sao long lanh không ai có thể phân biệt trời nước phía nào.
Sương mù thu thỏa mênh mông trên biển. Những ngọn núi mờ ào kỳ dị nhô ra. Hai con gà chọi đương cong cánh sắp vào cuộc. Xa xa lư hương nghi ngút khói. Một đàn cóc ngồi lổm ngổm suốt mặt nước. Một tấm bình phong hững hờ che nửa chân mây biển Đông.
Một ngày dong thuyền trên Vịnh, cả tháng thuyền thơ thẩn từng ngách hang cũng không thể khám phá hết được những hình thù bất ngờ và những chuyện kỳ thú của Hạ Long. Mỗi làn sóng đưa ta đi, làm sao mà đi hết được hơn ba nghìn khuôn mặt thiên nhiên mỗi lúc một khác, càng sâu vào vùng đảo, càng say vào cái thú thả mình trong thơ mộng trời nước không giới hạn.
Thuyền qua cửa hang Bồ Nâu – ngày trước hang này ẩn náu loại chim Bồ Nâu, loại chim thường từ phương Bắc về trú đông ở các vùng nước ấm phương Nam. Tưởng những cánh chim đang sàn sạt từ các sườn hang bay ra. Nhưng không, vẫn vắng, càng vắng càng thăm thẳm.
Vắng lặng đến đỗi lúc trông vào phía cảng Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông thấp thoáng những con tàu trắng phau đỗ ăn hàng, cũng thấy như cả đến những cỗ máy móc hiện đại ấy cũng tạc vào thiên nhiên vô cùng tinh khiết, ở đấy những con tàu cũng lặng im như những hòn đảo trắng xóa.
Nhưng không phải Hạ Long chỉ mang dáng dấp ta thấy hôm nay. Không, hãy lắng nghe tiếng sóng, gió đêm ngày như tiếng thơ của bài thơ ngợi ca vẻ đẹp và sức sống con người không bao giờ dứt.
Hạ Long hùng vĩ cũng là Hạ Long của biển, của đất nước đã tham dự vào sự nghiệp nghìn năm dựng nước. Trên cửa biển Vân Đồn của vùng đảo vòng cung ngoài kia còn những vết tích nền phố xá đồn trấn và đào được những mảnh sành, những đồng tiền cổ, hàng chục thế kỷ qua, vùng biển này là một thương cảng lớn, cửa ngõ giao lưu của Việt Nam với các nước Châu Á, từ Nhật Bản, Trung Quốc đến Indonesia, Singapor…
Và Hạ Long vùng cửa biển anh hùng đã chứng kiến bao kỳ tích lừng lẫy của dân tộc. Ngày nay còn thấy được hình bóng lịch sử rực rỡ trận chiến thắng chống quân xâm lược của Ngô Quyền, của Lê Hoàn thế kỷ 10, của Trần Hưng Đạo thế kỷ 13.
Ba tầng hang Đầu Gỗ giữa Vịnh đẹp nhất, to nhất, cả nghìn người một lúc vào được, ánh sáng tỏa ra trên lớp nhũ đá nhấp nhô. Một bức tranh đá khắc trông từa tựa rừng măng, thành phố thấp cao, những chiếc chông lắc lư, những hàng cột đình chùa, một bức mành buông trắng muốt. Tầng hang trong đá long lanh như ngọc, tua tủa ngọn tháp. Tầng trong cùng đầy những vũng nước ngọt.
Núi Bài Thơ gợi một nét yêu kiều trên đường nước vào Hạ Long. Núi Bài Thơ thành tên vì bài thơ trên vách đá của Lê Thánh Tông thế kỷ 15 dong thuyền mênh mang quanh núi Đảo như bàn cơ, biển lẫn trời xanh biếc.
Núi Bài Thơ còn nổi tiếng là vì lá cờ đỏ của công nhân mỏ than Hòn Gai bí mật kéo lên đỉnh núi đúng Ngày quốc tế lao động 1-5-1930, lá cờ báo hiệu một giai đoạn cách mạng quyết định vận mệnh đất nước. Giai cấp công nhân Việt Nam và nhân dân cả nước từ đấy đã có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.
Vô vàn kỷ niệm lịch sử có thể tình cờ thấy bất cứ chỗ nào trên đá, trên nước Hạ Long. Sườn đá trắng một dải xa, trông như rừng mai trên núi. Đấy là những quả bom tội ác giặc Mỹ đã ném xuống.
Vùng biển quanh năm xanh nhởn nhơ, quanh núi không có một dấu vết, nhưng câu chuyện thì không bao giờ quên được ngày 5-8-1964 máy bay giặc Mỹ đánh vùng Mỏ ngay sau sự kiện vịnh Bắc Bộ bịp bợm của chúng, phi công trung úy Anvarê Evơrét, tên giặc lái Mỹ đầu tiên đã bị bộ đội phòng không ta bắn rơi trên biển Hạ Long. Trên sóng, trên đá, trên bờ cát trong tiếng sóng đâu đâu cũng âm vang lời thơ hùng tráng kể sự tích anh hùng của dân tộc qua các thời đại.
Một ánh trăng. Một mỏm đá. Một cánh buồm. Thuyền đi trên Hạ Long một ngày hay một tháng hay bốn mùa, lúc nào cũng được thấy Hạ Long tuyệt vời thơ mộng và Hạ Long rực rỡ lịch sử.
NHÀ VĂN TÔ HOÀI
(Hạ Long - Những lời đánh giá và ngợi ca - Ban quản lý Vịnh Hạ Long 8- 2008)