[img]http://www.vietnamtourism.gov.vn/images/stories/Thacbangioc.BMP/img]
Thị xã Cao Bằng trung tâm kinh tế chính trị văn hóa của tỉnh, có địa thế như một bán đảo bởi xung quanh là: “Ba mặt tam giang trôi cuồn cuộn. Bốn bề tứ trụ đứng chon von”. Rồi đến các di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng như: Di tích lịch sử Pác Bó (huyện Hà Quảng) nơi gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng nước ta.
Pác Bó ngày nay đã trở thành một địa danh thiêng liêng, là niềm tự hào đối với mỗi người dân Việt Nam. Cách Thị xã Cao Bằng 50 km về hướng Tây Nam, khu rừng nguyên sinh Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình) là nơi lý tưởng cho các chương trình nghiên cứu, du lịch sinh thái và khu di tích này còn gắn liền với lịch sử QĐND Việt Nam. Cạnh đó, Cao Bằng còn lưu giữ dấu vết thành nhà Mạc và rất nhiều di tích lịch sử quan trọng khác.
Cao Bằng còn nhiều điểm, khu danh lam thắng cảnh thu hút khách du lịch. Một tuyệt phẩm thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng là thác Bản Giốc một thác nước cao, hùng vĩ và đẹp vào bậc nhất của Đông Nam Á, cùng với thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao được hình thành từ sự phong hóa lâu đời của đá vôi, có vẻ đẹp hoang sơ của chốn bồng lai tiên cảnh đã được bộ Văn hóa Thông tin công nhận là danh thắng quốc gia. Nằm trong quần thể các điểm du lịch của Cao Bằng, vùng Phja Đén có khí hậu mát mẻ quanh năm (gần giống với Sa Pa, Tam Đảo) là điểm đến của khách du lịch sinh thái, thưởng ngoạn. Với huyền thoại hồ trên núi, Hồ Thăng Hen (huyện Trà Lĩnh) cũng là nơi dừng lí tưởng cho du khách,…Các làng nghề dệt thổ cẩm, nghề rèn và những làn điệu hát Si, hát lượn cùng các lễ hội cũng là những tiềm năng du lịch mang bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc Cao Bằng.
Trong những năm qua, được sự giúp đỡ của các cấp, ngành Trung ương và địa phương, du lịch Cao Bằng đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng khích lệ. Lượng khách du lịch trong nước, quốc tế và doanh thu du lịch đều tăng từ 15 - 20%/năm; cơ sở lưu trú tăng trưởng khá về cả về chất lượng và số lượng, đến cuối năm 2006, toàn tỉnh có trên 30 cơ sở với hơn 900 phòng đủ tiêu chuẩn đón khách; hệ thống các dịch vụ phục vụ du lịch đac hình thành và đang phát triển mạnh, nhất là khối kinh tế dân doanh.
Để khai thác hữu hiệu tiềm năng du lịch, Cao Bằng đang kêu gọi đầu tư và phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và công trình dịch vụ du lịch. Phấn đấu đên măm 2010, Cao Bằng có khoảng 1.000- 1.200 phòng nghỉ đủ tiêu chuẩn, nhằm đáp ứng nhu cầu du khách đến với tỉnh ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2007 - 2010, tỉnh đang tập trung xây dựng các dự án: Khu du lịch di tích lịch sử Pác Bó, Khu du lịch Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao và cụm du lịch Thị xã Cao Bằng và phụ cận.
Tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho xứ sở này nhiều tiềm năng du lịch để từ đó Cao Bằng có thể tổ chức các loại hình du lịch như: Du lịch tham quan, nghiên cứu; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch quá cảnh (qua Trung Quốc); du lịch thể thao; du lịch vui chơi giải trí,…Tất cả tiềm năng đó đang rộng mở, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Cao Bằng, góp sức đưa du lịch nơi đây phát triển xứng tầm với vị thế của mảnh đất cội nguồn cách mạng.
Theo ĐCSVN