Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Giới thiệu chung về Thị xã Sầm Sơn  (Đã xem 5343 lần)

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Re: Giới thiệu chung về Thị xã Sầm Sơn
« Trả lời #3 vào: Tháng Tám 01, 2008, 06:26:15 AM »
Vẻ đẹp biển và núi Sầm Sơn



Bãi biển Sầm Sơn (thuộc thị xã Sầm Sơn, Thanh Hoá) cách thành phố Thanh Hóa 16 km về phía Đông và cách Hà Nội 170km, là một trong những khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng của Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20

Với bãi biển chạy dài gần 6 km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ, đây là nơi tắm biển rất tốt. Biển Sầm Sơn với bãi cát vàng thoai thoải, nước trong xanh và nồng độ muối vừa phải rất phù hợp với sức khoẻ con người.

Ngay từ thời Pháp thuộc, làng Núi Sầm Sơn cùng bãi biển dưới chân núi được coi là khu nghỉ mát cho các quan chức người Pháp. Sầm Sơn nhanh chóng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng của Ðông Dương, và dần dần trở thành bãi tắm lý tưởng thu hút khách du lịch thập phương. Từ nhiều thập niên trước, đã có nhiều biệt thự nghỉ mát mọc lên ở đây. Vua Bảo Ðại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng xây biệt thự riêng ở Sầm Sơn.



    Thiên nhiên đã ưu ái cho vùng đất này những bãi biển kỳ thú, nên thơ. Đến với Sầm Sơn du khách sẽ được hoà mình với biển cả mênh mông soi bóng núi Trường Lệ duyên dáng; được nghe bản hoà tấu của biển và núi non với rì rào sóng vỗ bờ, với những hàng dừa xanh lao xao, những rặng phi lao vi vu trong gió, những tiếng sáo diều đánh thức trời xanh…
 
    Biển Sầm Sơn vào mỗi thời khắc trong ngày lại có những vẻ đẹp khác nhau. Du khách tha hồ khám phá và tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời ấy. Sáng sớm  bình minh lên, bầu trời ửng hồng phía chân trời, từng đoàn thuyền đánh cá của ngư dân làng Núi trở về sau một đêm đánh bắt ngoài khơi xa, những nụ cười rạng rỡ, tràn đầy hạnh phúc báo hiệu một đêm ra khơi thành công. Và chợ hải sản được họp ngay bên bờ biển, với nguồn hải sản vô cùng phong phú của biển Sầm Sơn, du khách có thể chọn lựa và thưởng thức tôm, cua, ghẹ, mực, cá thu… là những đặc sản vừa được cất lên từ biển.
 
    Khi mặt trời dần lên cao, biển Sầm Sơn lóng lánh dát vàng, từng cơn sóng vỗ bờ trắng xoá ôm lấy dải cát mịn màng ánh lên trong nắng, những cánh diều rực rỡ giữa màu xanh của bầu trời, núi non và biển cả… Buổi chiều, trời mát dịu, bãi biển tập trung rất đông người xuống tắm. Những tiếng hò reo với những cơn sóng xô, những tiếng vui đùa đuổi nhau trên cát... Du khách cũng có thể nằm phơi mình trên bãi biển, nghe những thanh âm của biển và đón những cơn gió mang theo vị mặn rất đặc trưng để tâm hồn thư thái hơn, êm dịu hơn hoặc cùng nhau xây lâu đài cát rồi lại trả nó về với biển khi những đợt sóng lên cao…
 
    Đêm Sầm Sơn, biển mờ ảo dưới ánh trăng, sao, vẫn những đợt sóng vỗ bờ nhưng dường như êm đềm hơn, vẫn là những âm thanh ấy nhưng không phải là tiếng vui đùa của du khách nhảy theo từng con sóng bạc đầu mà là những tiếng thì thầm cùng với biển và sóng…
 
    Đêm Sầm Sơn dường như có hai thế giới trái ngược nhau được ngăn cách bởi bức tường thiên nhiên là những rặng dừa và phi lao duyên dáng. Tạm biệt biển lấp lánh ánh trăng sao, tạm biệt bản nhạc du dương của gió, của sóng…, bước qua khỏi cái hàng rào thiên nhiên ấy, du khách sẽ thấy choáng ngợp trước đường Hồ Xuân Hương dọc theo bờ biển rực rỡ ánh đèn, cửa hàng, cửa hiệu tấp nập người qua lại. Trên vỉa hè ven biển là những sạp hàng bán đồ lưu niệm được làm từ các sản phẩm biển muôn màu sắc.



Du khách đến với biển Sầm Sơn hẳn không quên mang về tặng người thân, bè bạn những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa. Nếu không muốn bách bộ, du khách có thể đi dạo trên con đường ven biển với những chiếc xích lô xinh xắn mà chủ nhân của nó ai nấy đều giàu lòng mến khách, thân thiện và cởi mở. Họ sẵn lòng giới thiệu tới du khách về những thắng cảnh đẹp trên quê hương Sầm Sơn yêu dấu. Du khách cũng có thể thuê những chiếc xe đạp đôi để cùng bạn bè, người thân tự mình khám phá cuộc sống sôi động về đêm của thị xã biển Sầm Sơn.
 
    Không chỉ có biển thơ mộng cùng bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn ban tặng cho Sầm Sơn nhiều danh lam - thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng trên núi Trường Lệ với những truyền thuyết lung linh sắc màu huyền thoại mang đậm chất nhân văn. Hòn Cổ Giải là nơi Trường Lệ tiếp xúc với biển trông như con giải khổng lồ đang vươn ra biển khơi. Ðền Ðộc Cước (còn gọi là đền Gầm) ngự trên đỉnh hòn Cổ Giải, điểm cực bắc của dãy Trường Lệ, ngay cạnh bãi tắm Sầm Sơn. Đền mang tên Độc Cước nghĩa là một chân, gắn liền với truyền thuyết chàng khổng lồ xẻ đôi mình, một nửa ra khơi tiêu diệt thủy quái bảo vệ dân chài, còn một nửa đứng canh trên đỉnh hòn Cổ Giải. Tưởng nhớ công ơn của chàng, người dân Sầm Sơn đã lập miếu thờ chàng ngay bên tảng đá có vết lõm dấu chân khổng lồ tương truyền là bàn chân của chàng và sau này là đền Độc Cước. Trong đền có tượng thần Độc Cước bằng nửa thân người và bước chân khổng lồ trên đá của chàng trai dũng cảm đó.
 
    Để lên đền Độc Cước du khách phải qua 40 bậc đá. Đền được lập từ đời Trần, dựng lại vào thời Lê và đã qua trùng tu nhiều lần. Độc Cước không chỉ là một ngôi đền đẹp mà còn là một thắng cảnh của Sầm Sơn. Đứng ở phía sau đền, du khách sẽ được chiêm ngưỡng biển Sầm Sơn bao la và núi Trường Lệ kỳ vĩ chạy dài theo mép biển, một bức tranh thuỷ mặc tuyệt vời.
 
    Theo sườn núi quanh co giữa những vạt thông reo là hòn Trống Mái lãng mạn tình tứ, một thắng tích độc đáo và kỳ thú. Đứng sát cạnh du khách chỉ thấy hai khối đá lớn nằm chênh vênh trên một tảng đá bằng phẳng gọi là hòn Đá Bạn. Nhưng càng lùi xa, trông chúng càng giống một đôi chim đá khổng lồ đang nằm châu mỏ vào nhau. Truyền thuyết kể rằng có đôi vợ chồng yêu nhau, chết biến thành chim vẫn quấn quýt không rời. Các tiên nữ xuống bãi Tiên tắm, cảm cái tình ấy mới biến họ thành đôi chim đá để họ vĩnh viễn bên nhau.
 
    Phía nam dãy Trường Lệ còn có một bãi tắm rất đẹp, cảnh quan môi trường còn rất nguyên sơ, đó là bãi tắm Tiên ẩn vào chỗ lùi của chân dãy Trường Lệ như một thung lũng nhỏ rất nên thơ. Nơi đây hứa hẹn một khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại trong tương lai. Trên đỉnh núi là đền Cô Tiên uy nghi, cổ kính, nơi thờ vọng Thần Độc Cước và Mẫu Liễu Hạnh. Đó là những nơi mà du khách thường tới viếng thăm mỗi khi đến Sầm Sơn.
 
    Sầm Sơn với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ quả là vùng sơn thuỷ hữu tình, biển cả bao la đầy chất thơ cùng những thắng tích và huyền thoại mang đậm chất nhân văn và lòng mến khách của người dân nơi đây. Biển Sầm Sơn hứa hẹn một kỳ nghỉ hè đầy hấp dẫn và lý thú.
 

(Theo Thanhhoatourism-BaoQueHuong)
 

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Re: Giới thiệu chung về Thị xã Sầm Sơn
« Trả lời #2 vào: Tháng Tám 01, 2008, 06:16:50 AM »
Sầm Sơn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với bãi biển đẹp nổi tiếng bên núi Trường Lệ


Sầm Sơn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với bãi biển đẹp nổi tiếng bên núi Trường Lệ. Đây còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa độc đáo với nhiều lễ hội truyền thống. Nơi đây có thể khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch với lợi thế cạnh tranh cao như: tắm biển, tham quan, leo núi, nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa... Với lợi thế sẵn có, nếu được quan tâm đầu tư hơn nữa, chắc chắn Sầm Sơn sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của nhiều tour du lịch trong nước và quốc tế.

Sầm Sơn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với bãi biển đẹp nổi tiếng bên núi Trường Lệ. Đây còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa độc đáo với nhiều lễ hội truyền thống. Nơi đây có thể khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch với lợi thế cạnh tranh cao như: tắm biển, tham quan, leo núi, nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa... Với lợi thế sẵn có, nếu được quan tâm đầu tư hơn nữa, chắc chắn Sầm Sơn sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của nhiều tour du lịch trong nước và quốc tế.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của ngành du lịch Thanh Hóa, hoạt động kinh doanh lưu trú, tham quan, nghỉ mát, nghỉ dưỡng ở Sầm Sơn đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đa dạng, phong phú về loại hình, tăng nhanh về quy mô. Trong 5 năm (2000-2005), nhiều dự án lớn được thực hiện, đó là Khu du lịch Vạn Chài với mức đầu tư 40 tỷ đồng, Biển nhớ 30 tỷ đồng, Khách sạn Thái Bình Dương 40 tỷ đồng... Đến năm 2005, toàn thị xã đã có 301 cơ sở kinh doanh du lịch với 5.937 phòng, 14.180 giường, tăng 85 cơ sở, 2.415 phòng, 3.830 giường so với năm 2000. Chất lượng phục vụ từng bước được nâng lên. Bên cạnh đó, nhiều loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn quan tâm phát triển như: du lịch sinh thái ở Quảng Cư, văn hóa lễ hội trên núi Trường Lệ, xây dựng thêm một số cơ sở vui chơi giải trí... nhờ vậy, khách đến với Sầm Sơn ngày một tăng. Riêng năm 2005, Sầm Sơn đã đón trên 650 ngàn lượt khách, 1.379.000 ngày khách.

Du lịch Sầm Sơn chiếm tỷ trọng lớn với trên 62% GDP của thị xã, trở thành một ngành kinh tế quan trọng, giải quyết một số lượng lớn lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Đây là nơi tiêu thụ một lượng hàng hóa lớn, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp, gia công chế biến, thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm cho nhân dân trong tỉnh. Du lịch Sầm Sơn còn là cầu nối để giới thiệu về văn hóa, lịch sử, con người xứ Thanh, vùng đất địa linh nhân kiệt, một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, với bạn bè trong nước và quốc tế.

Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Sầm Sơn lần thứ 14 (nhiệm kỳ 2005 - 2010) đã xác định dịch vụ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2010 doanh thu từ dịch vụ du lịch và thương mại đạt trên 700 tỷ đồng, chiếm 66% GDP của thị xã, đồng thời quyết tâm xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch văn minh, giàu đẹp. Để điều đó sớm trở thành hiện thực có thể nói chưa đầy đủ. Song trước hết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn cần khắc phục ngay những yếu kém hạn chế, tồn tại nêu trên. Đảng bộ, chính quyền và ngành chức năng thị xã Sầm Sơn cần coi trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp dân cư trên địa bàn để họ thấy rõ vai trò, trách nhiệm, lợi ích được hưởng từ sự phát triển du lịch, từ đó ý thức được trách nhiệm cá nhân đối với sự phát triển chung của cộng đồng. Ngành chức năng cần tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, các cuộc thi tìm hiểu về quê hương, văn hóa, con người xứ Thanh cũng như nét đặc sắc của văn hóa và con người Sầm Sơn, tìm hiểu về phong cách của người làm du lịch... trong thanh, thiếu niên, trường học, cộng đồng dân cư, giúp mọi người hiểu và có ý thức hơn trong việc tạo lập môi trường văn hóa trong kinh doanh du lịch. Tăng cường mở các lớp tư vấn về du lịch, phát động các phong trào thi đua xây dựng nếp sống văn minh du lịch, đồng thời có những biện pháp mạnh đối với những tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng làm tổn hại đến uy tín của du lịch Sầm Sơn. Điều không kém phần quan trọng là ngoài phát huy nội lực, Sầm Sơn rất cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng bộ, chính quyền và ngành chức năng cấp tỉnh, theo đó, cần xác định sự phát triển của du lịch Sầm Sơn nằm trong chiến lược tổng thể của du lịch Thanh Hóa, trong đó du lịch Sầm Sơn có vị trí là đầu tàu cho sự phát triển của ngành du lịch, vì vậy cần có chính sách cởi mở hơn trong đầu tư liên doanh, liên kết, hợp tác về du lịch với mọi thành phần kinh tế trong nước và quốc tế.

Hiện nay, ngành kinh tế du lịch của nước ta đang trên đà phát triển. Thanh Hóa nằm trong chiến lược phát triển du lịch, lại là vùng du lịch trọng điểm của cả nước vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phát triển du lịch, xây dựng thị xã Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, văn minh, giàu đẹp, là nơi hội tụ của bạn bè bốn phương, là tiếng thơm của tỉnh Thanh Hóa, là vinh dự và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sầm Sơn, góp phần xây dựng tỉnh ta trở thành tỉnh kiểu mẫu như mong muốn của Bác Hồ kính yêu khi Người về thăm Thanh Hoá.

(Theo sở du lịch Thanh Hóa)
 

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Giới thiệu chung về Thị xã Sầm Sơn
« vào: Tháng Tám 01, 2008, 06:12:13 AM »
Thiên nhiên đã ưu ái cho Sầm Sơn một bãi biển kỳ thú, nên thơ cùng với nhiều tích sử - một tài sản vô giá của Sầm Sơn từ ngàn xưa để lại. Trong lần về thăm và làm việc với tỉnh Thanh Hoá (ngày 17 - 19 tháng 7 năm 1960),
 
 Khi nghỉ lại đền Cô Tiên - Sầm Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây...". Khắc ghi lời dạy của Người, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn đã từng bước phát huy thế mạnh kinh tế biển, đưa ngành du lịch - thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nằm trên bờ Vịnh Bắc Bộ, địa hình Sầm Sơn tương đối bằng phẳng, là vùng sơn thuỷ hữu tình với khí hậu trong lành, dải bờ biển cát vàng thoai thoải, nước trong xanh soi bóng núi Trường Lệ với những di tích văn hoá đã được xếp hạng quốc gia (Ðền Ðộc Cước, Ðền Cô Tiên, Hòn Trống Mái...). Hơn nữa, biển Sầm Sơn bao la là nơi trực tiếp cung cấp nguồn hải sản phong phú như tôm, cá mực, cua, các loại hải sản quý khác... Mặt khác, Sầm Sơn có bề dày lịch sử, truyền thống văn hoá lâu đời, với các hoạt động văn hoá mang đậm bản sắc quê hương như lễ hội bánh chưng - bánh dày (ngày 12-5 âm lịch hàng năm). Với những lợi thế này, Sầm Sơn có nhiều ưu thế trong sự phát triển của ngành du lịch và thuỷ sản.

         Lấy ngành du lịch làm trọng tâm

         Sầm Sơn là một trong những địa danh nổi tiếng, là niềm tự hào của ngành du lịch Thanh Hoá và cũng là của ngành du lịch Việt Nam. Ngay từ thời Pháp thuộc, làng núi Sầm Sơn cùng bãi biển chân núi Sầm được coi là khu nghỉ mát cho các quan chức người Pháp, dần dần trở thành bãi tắm lý tưởng thu hút khách du lịch thập phương. Sau năm 1960 và nhất là từ 1980 đến nay, Sầm Sơn thực sự trở thành thị xã du lịch, nghỉ mát nổi tiếng.

         Thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng và Nhà nước, chính quyền và nhân dân thị xã Sầm Sơn đã phát huy thế mạnh sẵn có, lấy du lịch làm ngành kinh tế trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, kể từ năm 1996 trở lại đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân địa phương, Sầm Sơn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng phát triển kết cấu hạ tầng như: khách sạn, giao thông, điện, nước và khu vui chơi giải trí,... Hầu hết các khách sạn đều được đầu tư xây dựng khang trang với những trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ðặc biệt, thị xã đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật, hoàn thiện và đưa vào sử dụng Khu du lịch văn hoá - vui chơi giải trí "Huyền thoại thần Ðộc Cước" và "Khu nhà luyện tập và thi đấu thể dục thể thao tổng hợp"; tiến hành quy hoạch: Khu sinh thái Quảng Cư, Khu du lịch văn hoá núi Trường Lệ. Vì vậy, số lượng khách đến với Sầm Sơn ngày một tăng. Nếu như năm 1996 là 506.740 khách/ngày thì đến năm 2002 tăng 60%, đạt 815.500 khách/ngày, dự kiến năm 2003 đạt 880.000 khách/ngày. Doanh thu từ ngành du lịch cũng liên tục tăng cao, từ 34 tỷ đồng (năm 1996) lên 77,058 tỷ đồng (năm 2002), đưa tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế từ 40% (năm 1996) tăng lên 46,33% (năm 2002).

         Kết quả nêu trên cho thấy, ngành du lịch ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế thị xã Sầm Sơn và phát triển theo hướng bền vững. Vai trò đó được khẳng định bằng tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Sầm Sơn như: thu hút hàng ngàn lao động tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch; thay đổi tư duy, cách nghĩ cách làm của người dân trong cơ chế thị trường; góp phần nâng cao trình độ dân trí của người dân, đặc biệt là nhận thức về du lịch. Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nguồn thu từ du lịch được đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như: trạm y tế, trường học, đường điện, giao thông; tôn tạo các danh lam thắng cảnh và khu di tích, góp phần làm thay đổi nhanh diện mạo của thị xã Sầm Sơn.

         Hướng tới công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành thuỷ sản

         Cùng với du lịch, trong những năm qua, ngành thuỷ sản cũng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Sầm Sơn. Mặc dù đường bờ biển của thị xã chỉ dài 9 km, (trong đó khu vực dành cho du lịch là khá lớn), nhưng Sầm Sơn vẫn là nơi có nguồn lợi hải sản lớn của tỉnh Thanh Hoá. Biển Sầm Sơn được các chuyên gia trong ngành thuỷ sản đánh giá là có trữ lượng hải sản tương đối lớn, nhiều chủng loại. Ngay từ xa xưa, đánh bắt, chinh phục biển đã trở thành truyền thống của người dân Sầm Sơn.

         Phát huy truyền thống sẵn có, kết hợp với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hoạt động khai thác hải sản trong giai đoạn vừa qua (1996 - 2002) đã có bước tăng trưởng nhảy vọt cả về lượng và chất. Trong đó, thị xã đã từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu thuyền nghề theo hướng giảm áp lực khai thác ven bờ, loại bỏ dần các phương tiện nhỏ, lạc hậu, đầu tư trang thiết bị đánh bắt mới với công suất lớn, thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ khai thác tiên tiến, góp phần nâng cao sản lượng khai thác, năng suất lao động, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản gần bờ, từng bước đưa nghề khai thác thủy sản phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Số lượng tàu thuyền gắn máy các loại tăng nhanh, nếu như năm 1996 tổng số tàu thuyền có 513 chiếc thì đến năm 2000 tăng lên 805 tàu gắn máy, 110 tàu đánh bắt xa bờ. Ðặc biệt, ngư dân Sầm Sơn đã được Nhà nước đầu tư 68 dự án gồm 79 tàu có công suất lớn từ 90CV đến 254CV phục vụ đánh bắt xa bờ. Nhờ vậy, sản lượng khai thác tăng đều qua các năm, từ 5.234 tấn (năm 1996) lên 8.500 tấn (năm 2002), dự kiến năm 2003 đạt 9.500 tấn. Trình độ chuyên môn kỹ thuật về đánh bắt hải sản và sử dụng thiết bị, máy móc của ngư dân dần được nâng cao. Sự có mặt của ngư dân ngoài khơi xa còn góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản, chống lại sự xâm nhập trái phép của tàu nước ngoài, bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

         Nuôi trồng thuỷ, hải sản cũng từng bước được chú ý và mở rộng về quy mô. Tận dụng những tiềm năng sẵn có, những năm gần đây, Sầm Sơn đã tiến hành cải tạo vùng triều sông Mã, đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo ao nuôi, đưa khoa học - công nghệ mới vào nuôi trồng thuỷ sản. Ðặc biệt, trong lĩnh vực nuôi tôm, thị xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích gieo trồng năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản, cho giá trị cao gấp 3 - 5 lần trồng lúa. Ðồng thời, Sầm Sơn đã từng bước xoá bỏ hình thức nuôi quảng canh, chuyển sang nuôi bán thâm canh. Ðến nay, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 205 ha, tăng 46,4% so với năm 1996; tổng sản lượng nuôi trồng đạt 170 tấn, tăng 41,6% so với năm 1996. Nét đột phá trong sự phát triển của ngành thuỷ sản Sầm Sơn là đã xây dựng hai trại giống tôm sú, sản sinh được 21 triệu con, chủ động đáp ứng nhu cầu trên địa bàn. Hiện nay, thị xã đang phối hợp cùng với ban, ngành cấp tỉnh để lập dự án thi công khu nuôi tôm công nghiệp. Với tổng sản lượng bao gồm cả đánh bắt và nuôi trồng đạt 8.670 tấn, tổng trị giá 58,3 tỷ đồng, cùng với du lịch, ngành thuỷ sản đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của thị xã. Hàng năm, ngành đã giải quyết việc làm cho phần lớn lao động của thị xã.

         Sản lượng thuỷ sản tăng mạnh trong những năm qua là cơ sở quan trọng để công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản, công nghiệp đóng, sửa tàu thuyền và các dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển. Hiện nay, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn chủ yếu là chế biến thuỷ sản. Năm 2002, tổng giá trị công nghiệp chế biến đạt 5,2 tỷ đồng, dự kiến năm 2003 đạt 5,9 tỷ đồng. Trong thời gian vừa qua, Sầm Sơn đã triển khai nhiều dự án, điển hình là dự án chế biến hải sản Tân Hưng - xã Quảng Tiến với công suất 800 tấn/năm; dự án đầu tư xây dựng hai dây chuyền sản xuất bột cá và sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn nuôi tôm với công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng, mở ra triển vọng mới cho ngành thuỷ sản nói chung và lĩnh vực công nghiệp chế biến thuỷ sản nói riêng của thị xã Sầm Sơn.

         Xây dựng một Sầm Sơn hiện đại, văn minh

         Sự phát triển của các ngành kinh tế trọng yếu như du lịch, thuỷ sản đã tạo nên diện mạo mới cho Sầm Sơn: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11 - 12%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 380 - 430 USD/năm; kết cấu hạ tầng được đầu tư khang trang, văn hoá - xã hội phát triển. Tuy nhiên, điểm hạn chế hiện nay của thị xã vẫn là du lịch mùa vụ, tốc độ phát triển nhanh gây mất cân đối giữa quy hoạch và tốc độ phát triển. Ðể đạt được mục tiêu đến năm 2005 trở thành đô thị loại IV và đến năm 2010 thành đô thị loại III, việc quy hoạch thị xã được phân thành các khu chức năng với bố cục như sau:

         1) Khu trung tâm bao gồm:

         - Trung tâm hành chính - chính trị như cơ bản hiện nay là phù hợp.

         - Trung tâm thương mại - dịch vụ: xây dựng tại các bãi tắm, khu du lịch, dọc hai bên bờ biển tại các vị trí thích hợp, khu trung tâm chính ở phía Nam đường Lê Lợi và phía Ðông đường Nguyễn Du.

         - Trung tâm văn hoá - thể thao: núi Trường Lệ, khu nhà hát nhân dân, phường Trung Sơn và Quảng Cư.

         - Trung tâm khu vực: tại mỗi phường, xã.

         2) Khu khách sạn - nhà nghỉ:

         - Cải tạo, nâng cấp các cơ sở hiện có tại các phường nội thị Bắc Sơn và Trường Sơn theo hướng hiện đại.

         - Xây dựng mới khách sạn, nhà nghỉ phục vụ du lịch, nghỉ mát, dưỡng sức tại dải đất ven biển thuộc xóm Vinh Sơn, phường Trung Sơn và khu hồ đầm Quảng Cư.

         - Phát triển về phía Nam Sầm Sơn các khách sạn, nhà nghỉ khi xã hội có nhu cầu.

         3) Khu du lịch - vui chơi giải trí - tắm biển: xây dựng ba khu vực chính phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí có nội dung hoạt động khác nhau:

         - Trên núi Trường Lệ: phục vụ cho du lịch văn hoá - vui chơi.

         - Khu du lịch sinh thái Quảng Cư: nét đặc trưng của khu vực này là du lịch sinh thái.

         - Tắm biển: tại các bãi tắm, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn khi tắm biển.

         4) Khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

         - Xây dựng khu công nghiệp chế biến hải sản và dịch vụ cho chế biến hải sản, đóng, sửa tàu thuyền... tại khu vực Quảng Tiến, Quảng Cư.

         - Phát triển tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong các hộ gia đình.

         - Xây dựng một số cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm ở phường Trường Sơn phục vụ du lịch nghỉ mát.

         5) Kho - bến cảng: chủ yếu xây dựng 2 cảng ở Quảng Tiến và Quảng Cư.

         6) Khu dân dụng: quy hoạch lại các khu dân cư hoàn chỉnh, xây mới và kiên cố hoá các nhà dân, phần đất còn lại trồng cây xanh để tạo cảnh quan phục vụ cho du lịch.

         Quy hoạch tổng thể thị xã Sầm Sơn phải nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội của thị xã trong mối quan hệ với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá và các tỉnh phía Bắc. Ðồng thời phải cố gắng phát huy hơn nữa thế mạnh kinh tế biển, đưa các ngành du lịch, thuỷ, hải sản và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, tạo nên sức bứt phá mạnh mẽ, đưa Sầm Sơn bắt kịp với xu thế phát triển chung của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


<Theo: Thanh Hoá Portal>
 


Tags:
 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
0 Trả lời
3616 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 27, 2008, 04:29:35 PM
Gửi bởi conhi1991
1 Trả lời
11035 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 10, 2008, 09:35:03 AM
Gửi bởi nhantam
2 Trả lời
22204 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 10, 2008, 10:12:38 AM
Gửi bởi nhantam
0 Trả lời
1030 Lượt xem
Bài mới Tháng Tư 18, 2016, 09:39:54 PM
Gửi bởi huythanh5712
0 Trả lời
748 Lượt xem
Bài mới Tháng Mười 20, 2017, 10:29:46 AM
Gửi bởi queenseo

Ngắm hoàng hôn và câu mực đêm tại Phú Quốc
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
400,000
Đặt ngay
Nha Trang - Hang Rái - Vĩnh Hy - Bình Hưng - Bình Lập 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
828,000
Đặt ngay
Du lịch City Nha Trang 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
600,000
Đặt ngay
Hòn Khô - Eo Gió
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
660,000
Đặt ngay
Tour 1 ngày: Hạ Long
Tour: Thám hiểm
1 ngày 0 đêm
850,000
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác


Mobile View