Huyện Mộc Châu là cửa ngõ của tỉnh Sơn La và cả vùng Tây Bắc. Địa hình núi đá vôi chiếm một diện tích khá lớn. Trải qua hàng ngàn năm dưới sự tác động của thiên nhiên đã tạo ra những hang động lớn. Có hang động người Việt cổ đã sinh sống cách ngày nay từ 3 đến 7 vạn năm. Có hang động tạo ra cảnh đẹp mê hồn với địa hình có độ dốc lớn những dòng suối chảy đã tạo ra những dòng thác khi ta đến như lọt vào chốn Bồng lai.
Đến với Mộc Châu, đến với Sơn La, ta không quên được thắng cảnh “Hang dơi”. Hang Dơi nằm về phía Đông-Bắc của thị trấn với diện tích là 6.915 m2. Từ Hà Nội lên thị xã Sơn La theo quốc lộ 6 di tích nằm ngay trung tâm thị trấn Mộc Châu, ở dãy núi bên tay phải cách đường quốc lộ 6 là 165 mét. Từ quốc lộ 6 lên tới hang ta phải leo 240 bậc là tới cửa hang. Đường tới hang được tạo dáng uốn khúc, uyển chuyển làm dịu đi nỗi mệt khi du khách phải đi lên cao.
Tương truyền rằng: Từ thủa xa xưa có một con rồng thiêng bay về biển đông. Khi bay qua vùng đất này, thấy núi non hùng vĩ đất đai trù phú, khí hậu mát mẻ, cảnh trời thanh bình rồng muốn cư ngụ tại đây bèn hạ xuống ẩn mình trú ngụ tại nơi đây. Ngày nay dãy núi uốn lượn bao quanh thung lũng có những màu sắc huyền bí : trắng ngần trong lúc ban mai, xanh biếc vào buổi trưa, rực hồng trong buổi chiều, tím biếc khi hoàng hôn, đó chính là thân rồng.
Khi rồng chết rồng đã cảm ơn mảnh đất đã nuôi dưỡng rồng và dã nhả ra 7 viên ngọc để trả ơn mảnh đất đã nuôi dưỡng mình (đó chính là 7 quả núi nhỏ dưới thung lũng ngày nay) miệng rồng quy về hướng Nam nhìn xuống “7 viên ngọc” đây cũng chính là cửa Hang Dơi.
Tại nơi đây tháng 9/1992 Bảo tàng tỉnh Sơn La kết hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành thăm sát khảo cổ học. Hố thăm sát được thực hiện trên khu đất khá bằng phẳng gần cửa hang với diện tích 1 m2. Ở đây có tầng văn hóa dày 0,5 m. Hiện vật thu được gồm: mảnh tước, rìu mài lưỡi, bi đá, mảnh gốm, kết quả những hiện vật thu được cho thấy tại di tích Hang Dơi này đã có người Việt cổ sinh sống cách ngày nay từ 3000 từ 3500 năm. Từ cửa du khách bước vào hang cảm thấy sững sờ khi thấy một cảnh sắc diệu kỳ hiện ra trước mắt trong ánh sáng mờ ảo từ cúa hắt vào như thể tạo hóa đã cảm tỉnh riêng với nơi đây mà nhô ra những vẻ đẹp kỳ thú. Trên trần động cao rủ xuống những dải nhũ thạch lấp lánh đủ 7 sắc cầu vồng. Nhiều khối nhũ đá chảy từ trên xuống nền hang cao tới hơn20 mét như những rễ cây đa cổ thụ to lớn thả xuống mặt đất. Trên vách động nhiều khối nhũ đá rủ xuống thiên tạo đã tạo ra nhiều hình vẻ khách nhau như: con voi, sư tử, cầy bay, kì đà. Phần giữa hang vòm động được nâng cao lên, có bức mành đá chắn đi chỉ có 1 cửa vào, phần này được gọi là buồng “ Công chúa”. Trước cửa hang vào bên phía trái có khối nhũ đá hình người con gái đang ngồi quay sợi. Ngoài ra còn có rất nhiều nhũ đá đủ mọi hình dáng không cần gọt đẽo: đây là cây đồng tiền, cây thóc, kia là những ông tiên, cô tiên. Trong lòng hang cao ráo, rộng rãi sạch sẽ vòm hang cao vút lên có chỗ tới 15 mét . Ở đây thiên nhiên là những công trình kiến trúc và mỹ thuật thiên tạo một cách tuyệt vời. Đường nét những nhũ đá như những nét trạm trổ vừa phóng khoáng, vừa tỉa tót rất tài hoa, tinh xảo và sống động. Giữa lòng hang là “Buồng Công chúa”, du khách sẽ được nghe kể về truyền thuyết “Buồng Công chúa”. Có thể nói đây là một “cung điện lỗng lẫy, nguy nga mà chỉ tìm thấy trong các truyện huyền thoại”.
Trên vòm hang có nhiều hốc đá là tổ của những đàn dơi đông đúc, đen kịt từ đó mới có tên gọi Hang Dơi. Từ vòm hang những hạt nước nhỏ xuống từ một số nhũ đá trong hang, rơi nhẹ nhàng, đều đặn, hữu tình, thánh thót quanh năm hợp thành những âm thanh êm dịu cuả bản nhạc độc đáo ngàn lời. Khu du lịch Hang Dơi là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và ngoài nước.
(Nguồn: Website Sơn La)