Nhà ngục Sơn La nằm ngay trung tâm thị xã Sơn La, trên đỉnh đồi Khau Cả, nơi bao quát toàn cảnh thị xã Sơn La. Đây là một di tích lịch sử nổi tiếng gắn với Bảo tàng Sơn La và tạo nên một điểm thăm quan được rất nhiều du khách ghé thăm.
Nhà ngục Sơn La được thực dân Pháp xây dựng năm 1908. Từ một nhà tù nhỏ cấp tỉnh, đến giữa những năm 1930 -1945 nhà tù được xây dựng và mở rộng làm nơi giam giữ những tù nhân chính trị cách mạng. Nhà Ngục Sơn La nổi tiếng trong các nhà tù của thực dân Pháp là nhà tù thép, là địa ngục trần gian, nơi bẻ gãy ý trí chiến đấu của những người cộng sản. Tuy nhiên, đối với cách mạng Việt Nam thì Nhà ngục Sơn La lại là trường học đấu tranh cách mạng, nơi rèn dũa, đào tạo và cung cấp cho phong trào cách mạng những người cộng sản ưu tú như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Song Hào Nguyễn Cơ Thạch, Xuân Thuỷ, Trần Huy Liệu...
Đến thăm quần thể khu di tích Nhà ngục và Bảo tàng Sơn La, khách tham quan sẽ cảm nhận được sự dã man của thực dân Pháp qua những chứng cứ lịch sử và cảm phục trước sức chịu đựng, rèn luyện, đấu tranh của những tù nhân chính trị, cũng như được nghe những câu chuyện cảm động về hoạt động của chi bộ đảng nhà tù Sơn La như hoạt động đoàn kết tương trợ lẫn nhau, tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong và ngoài nhà tù, tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân, tổ chức vượt ngục, hoạt động của những cán bộ ưu tú của Đảng như: đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn,... và đặc biệt về đồng chí Tô Hiệu, một chiến sĩ cách mạng đã có nhiều đóng góp cho hoạt động của chi bộ Đảng nhà tù, người đã chút hơi thở cuối cùng tại đây. Để tưởng nhớ tới công lao to lớn của đồng chí Tô Hiệu, chi bộ nhà tù Sơn La đã cho khắc tấm bia đá có chữ Tô Hiệu được bí mật đặt dưới mộ đồng chí. Cây đào mang tên Tô Hiệu được trồng bên mộ đống chí đã trở thành biểu tượng cho sức sống của cách mạng Việt Nam.
Đến với khu di tích lịch sử này, du khách cũng sẽ có những kiến thức bổ ích khi được tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của 12 dân tộc được trưng bày trong Bào tàng Sơn La hoặc có những giây phút thảnh thơi khi đi dạo trên những con đường rợp bóng cây bên ngoài nhà ngục, phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh thị xã Sơn La ngày nay đang đổi mới đi lên.
Nguồn: website Sơn La