(Vietnam tour) Ghé thăm nhà “Người tình”, không chỉ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc hài hòa Đông - Tây của người Hoa mà còn được nghe những câu chuyện bên lề về mối tình của ông Huỳnh Thủy Lê và nữ văn sĩ Pháp nổi tiếng Marguerite Duras. Một cảnh trong phim "Người tình" (L'Amant) năm 1992 của đạo diễn người Pháp Jean-Jaques Annaud
Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp vừa tiếp nhận bằng di tích lịch sử cấp quốc gia cho ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - còn gọi là nhà cổ " Người tình" (ở phường 2, thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp) do Bộ Văn hóa Thông Tin và Du lịch cấp. Kể từ khi cuốn tiểu thuyết Người tình (L’amant) của Marguerite Duras trở thành bestseller và đoạt giải thưởng văn học Goncourt, sau đó bộ phim cùng tên được sản xuất với hầu hết các cảnh quay tại Việt Nam thì có rất nhiều người muốn tìm hiểu những điều liên quan đến Người tình.
Có người tưởng lầm ngôi nhà cổ ở Bình Thủy, Long Tuyền (nằm tại Cần Thơ) là ngôi nhà trong phim Người tình do Jean-Jacques Annaud đạo diễn, với các ngôi sao Jane March, Lương Gia Huy và Lisa Faulkner. Nhưng thật sự thì ngôi nhà cổ nằm ven sông Sa Đéc tại Đồng Tháp mới chính là nhà của Huỳnh Thủy Lê – chàng trai người Hoa, nhân vật chính trong phim. Còn ngôi nhà cổ tại Bình Thủy chỉ là một trong những nơi được nhà sản xuất bộ phim chọn quay trong một vài bối cảnh phim.
Được xây dựng cách đây 115 năm, ngôi nhà trước đây thuộc quyền sở hữu của ông Huỳnh Thuận (1862-1934), người gốc Hoa. Ông là cha của Huỳnh Thủy Lê, người tình của nữ văn sĩ Marguerite Duras. Cũng giống như hầu hết các ngôi nhà cổ còn sót lại tại khu vực ĐBSCL, nhà Huỳnh Thủy Lê có vị trí ven sông nên không khí mát mẻ và thông thoáng. Do đặc tính buôn bán của người Hoa nên phần lớn nhà của họ đều được xây dựng ngay tại khu mua bán sầm uất nhất. Qua thời gian, ngôi nhà vẫn giữ được phần lớn nét kiến trúc đặc trưng của miền Tây Nam bộ: ba gian, ngói lợp âm dương và đặc biệt là hai bên đầu hồi cong vút theo dáng thuyền tượng trưng cho vùng sông nước. Đến năm 1917, ngôi nhà được xây dựng lại, mang dáng dấp của biệt thự Pháp, nhưng vẫn giữ những nét đặc trưng trên.
Nhà cổ cao ráo, lát gạch bông bên trong. Dưới nền nhà có hồ nước âm. Hồ nước này vừa chứa nước sử dụng cho cả gia đình vừa có tác dụng làm mát căn nhà. Mặt tiền nhà, khung cửa sổ được chạm khắc các phù điêu thời Phục hưng của thế kỷ 17. Kiến trúc phương Tây thể hiện đậm nét qua vòm cửa theo kiểu La Mã. Khi bước vào trong, sẽ gặp nét kiến trúc phương Đông qua những đường nét chạm khắc rất sắc sảo và sơn son thếp vàng như hình chim muông, cây trái và các loại hoa mai, cúc, đào...
Ghé thăm nhà Người tình để hoài niệm về quá khứ, tìm hiểu sự kết hợp Đông –Tây trong một công trình kiến trúc cổ của vùng sông nước miền tây Nam bộ, du khách sẽ có những ấn tượng khó phai.
BOX:
Tháng 6.2006, Công ty CP Du lịch Đồng Tháp tiếp nhận ngôi nhà này từ Thị ủy Sa Đéc, biến nó thành điểm tham quan. Mỗi ngày nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đón tiếp hơn 1.000 lượt du khách, trong đó có 50% là khách người Pháp, còn lại là Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Úc, Hà Lan, Bỉ... Khi đến thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nếu có nhu cầu du khách có thể lưu lại nghỉ tại đây với giá phòng khá mềm: 30 USD/phòng dành cho 2 người; 21 USD/đêm dành cho 1 người.
Diễm Thư -
Vietnam tour