Con đường từ chân núi lên tới sân tiên gần chóp đỉnh dài khoảng 1 cây số nhưng du khách phải chinh phục hàng ngàn bậc thang và vượt qua nhiều đoạn đường chênh vênh, khúc khuỷu. Bù lại, dọc theo các lối đi có rất nhiều cây lớn râm mát hòa lẫn hoa lá lung linh dưới ánh nắng chan hòa.
Đến đâu đoàn người cũng bắt gặp những tảng đá hùng kỳ, lạ lẫm và những công trình kiến trúc uy nghi, đồ sộ như mời gọi và níu kéo những bước chân khám phá.
Từ xa xưa, mỗi lần hành hương về Thất Sơn, trong ký ức của nhiều người luôn hiện ra một núi Sam sừng sững và oai phong lẫm liệt, một Tịnh Biên với Cấm Sơn hùng vĩ và Anh Vũ Sơn rợp bóng cây rừng. Chỉ cần một tiếng chim kêu, vượn hú cũng làm cho lữ khách linh cảm về một không gian thiêng còn ẩn chứa nhiều điều kỳ bí!
Sở dĩ núi mang tên “ông két” là vì trên lưng chừng núi, ở độ cao khoảng 100m có một mỏm đá nhô ra, nhìn từ xa giống như mỏ két. Từ mỏ két nhìn ra xa là dãy Ngũ Hồ Sơn trập trùng mây khói và phía sau là điện thờ chư vị “năm non bảy núi”, tức những bậc tiền hiền có công khai khẩn từ thuở hoang vu.
Những người hành hương về Bảy Núi đều hướng về Anh Vũ Sơn, vì đây là vùng đất Phật. Ngoài ra, trên núi Két còn có nhiều truyền thuyết, thắng cảnh và di tích mà cho tới nay vẫn chưa ai hiểu hết ngọn ngành như: dấu chân tiên,giếng tiên, mỏ ông két, điện U Minh…
Trải qua bao biến đổi thăng trầm, núi Ông Két giờ đây đã thay da đổi thịt, nhiều cảnh quan được cải tạo và nâng cấp để phục vụ cho du lịch.
Chủ đầu tư khu du lịch này là ông Nguyễn Văn Sơn, còn gọi là Sơn Đào, người đã từng gắn bó với ngọn núi Ông Két hơn 30 năm qua và đã đem hết tâm huyết, tiền tài, sức lực để từng bước hình thành các hạng mục công trình với quy mô hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ. Cách làm của ông vừa phát huy tiềm năng du lịch vừa bảo tồn những giá trị lịch sử, giúp cho khách tham quan có dịp gần gũi với thiên nhiên và hướng về nguồn cội.
Núi Két có một sức quyến rũ đặc biệt nhờ có nhiều cảnh quan tươi đẹp như mỏ ông két, sân tiên, điện Huỳnh Long. Nơi này bốn mùa lộng gió, không khí mát mẻ, trong lành nhờ khí lạnh toát ra từ đá núi. Các khu di tích như điện Phật Thầy, điện Ngọc Hoàng, điện Phật Mẫu…cũng là những nơi có cảnh trí nên thơ, phong cảnh êm dịu, hữu tình và sâu lắng. Khách vãn cảnh vừa đặt chân đến sân tiên, lòng sẽ cảm thấy thanh thản lạ thường. Các bạn trẻ một khi đã trót "lạc" vào đây sẽ không muốn quay về vì trên đỉnh cao có nhiều hang động, nhiều vồ đá nên thơ, đặc biệt là lũ khỉ chíchóe và tiếng chim rừng cứ véo von không ngừng. Còn đối với người lớntuổi, họ lại càng thích thú vì không gian núi Két thật yên bình, giúp đem lại sự thư giãn sảng khoái.
Là một người nặng lòng với núi rừng, ông Sơn Đào đã không ngại tốn kém, chẳng sợ nắng mưa, ngày ngày như con ong cần mẫn, xong công trình này lại tiếp tục công trình khác. Đến nay, tại khu vực sân tiên trên đỉnh núi đã có đủ điện, nước, nhà nghỉ, quán ăn uống. Đến núi Két, khách hành hương có thể dừng chân cắm trại kết hợp với ăn uống, ngủ nghỉ giữa một môi trường thoáng đãng và thân thiện. Bạn cũng có thể qua đêm, ăn uống, lairai với những thứ hương rừng cỏ nội giữa đồi cao mây trắng, bao mệt mỏi lo toan sẽ tan biến nhanh chóng.
Thực đơn trên núi Két có hai loại chay và mặn. Đồ chay có cơm, mì, bún, hủ tiếu, bánh xèo. Đồ mặn có gà luộc, vịt nấu cháo, cá nướng, sườn chiên, mực xào, bò xào và lẩu chua (phải điện thoại đặt hàng trước khi lên núi). Phần đông du khách tham quan núi Két thường ghé chợ Nhà Bàng (cách khu du lịch hơn 1 km) mua thức ăn mang theo hoặc thưởng thức các món đặc sản dướichân núi như ếch nướng, gà nướng, bò xào lá dang, gà hấp lá trúc, láchanh trước khi lên núi hoặc lúc xuống núi.
Nguồn: dulichvn.org.vn