Trên thế giới có lẽ không mấy nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những dòng suối và ngọn thác với vẻ đẹp kỳ vĩ như ở Tây Nguyên. Nhiều dòng suối từ trên cao, nước chảy xuống từng bậc đá, tung bọt trắng xóa, tạo thành những bức tranh sinh động, huyền ảo. Sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, suối và thác nơi đây vẫn mang vẻ đẹp thật thuần khiết, hoang sơ...
Cùng với những buôn làng, rừng, núi, thế mạnh du lịch Tây Nguyên là suối và thác. Hầu như trên mảnh đất này ở đâu cũng có thác. Trong thành phố Buôn Ma Thuột cũng có những thác nước như: Đray Sap, Đray Anour, Đray H’Linh...nhưng nhắc đến thác Tây Nguyên không thể bỏ qua những cái tên Ba Tầng, Diệu Thanh, Thủy Tiên... Từ thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) theo Quốc lộ 14 về xã Quảng Thành, giữa khung cảnh yên vắng của núi rừng, từ xa đã nghe tiếng ầm ầm của thác nước. Đó là thác Ba Tầng. Còn cách vài trăm mét, nhìn về phía trước, thấy hơi nước phủ kín cả một vùng và phía sau là lớp bọt trắng xóa. Thác Ba Tầng chảy mạnh đến nỗi những khóm lau, sậy, lồ ô mọc chìa ra từ sườn núi đá bị hơi nước và gió xô nghiêng. Con suối bắt nguồn từ sâu thẳm núi rừng, đổ về Đăk Nông. Đến đây, dòng nước phải qua ba tầng thác mới đến lòng suối nằm ở phía dưới vì vậy con thác này mang tên Ba Tầng. Tầng thứ nhất chỉ cao hơn 1,5m, tầng thứ 2 cách đó chừng 20m và cao hơn chút đỉnh (khoảng 2m) và cũng với khoảng cách tương tự đến thác thứ 3 cao hơn 20m. Chính tầng thác thứ 3 này đã tạo nên âm thanh kỳ diệu và tung lớp bọt trắng xóa vào không trung. ở đây, dòng suối khá rộng, ven bờ có bãi đất rộng bằng phẳng, nhiều cây cao tỏa bóng mát. Cùng với thác Ba Tầng, thác Diệu Thanh là điểm du lịch dã ngoại đầy thi vị. Nằm trên dòng suối Đăk Tít chảy qua huyện Đăk Nông và Kiến Đức (Đắk Lắk) từ lâu, nhiều người biết đến thác Diệu Thanh bởi vẻ đẹp nguyên sơ và thơ mộng của nó. Đứng trên đỉnh thác, phóng tầm mắt ra xa, bạn có thể thấy được cả một vùng núi rừng bao la và cảm nhận sự hùng vĩ của mảnh đất Tây Nguyên. Một dòng thác lớn dội nước xuống vực sâu từ độ cao 30m, kết hợp với nhiều dòng thác nhỏ, tạo thành màn sương trắng bao quanh chân núi đá. Dưới chân thác là cả một khoảng rộng mênh mông nước và vô vàn những mô đá nhấp nhô. Dọc theo suối Diệu Thanh còn có những hang sâu và nhiều tảng đá lớn bằng phẳng. Không khí nơi đây lúc nào cũng mát lạnh. Cách xã Tam Giang (huyện Krông Năng) khoảng 7km về hướng Đông Bắc, một thắng cảnh đã được nhiều nhà văn, nhà thơ nhắc đến - thác Thủy Tiên. ở đây có vô vàn tảng đá nằm chồng lên nhau thật vui mắt. Thác Thủy Tiên cũng có 3 tầng, với những bậc thang đá tự nhiên, nước chảy giữa những vòm cây xanh tựa như một giàn hoa quanh năm che chở cho dòng thác êm đềm, dịu ngọt. Hai bên thác, những cây đại thụ buông rễ xuống tận mặt nước. Nếu ở tầng thác thứ 2 có nhiều hồ, độ sâu vừa phải, thì dòng nước đổ thẳng từ dốc cao của tầng thác thứ 3 xuống, đã tạo nên một hồ lớn sâu thẳm và từ đó nước đổ ra suối rộng, theo dòng uốn lượn êm đềm giữa rừng xanh. ở Đắk Lắk, nơi dãy Cư Yang Sin hùng vĩ - từng được coi là “nóc nhà” của Tây Nguyên - một dòng sông đổ xuống chân núi, tạo thành thác Krông Kma. Ai đã một lần đến đây hẳn sẽ còn nhớ mãi những cột nước thẳng đứng đổ xuống bên cạnh các tảng đá to, phẳng lỳ như có ai xếp sẵn bàn cho du khách đi qua dừng chân ngắm cảnh. Nhưng đừng vì thế mà quên trèo lên đỉnh Cư Yang Sin - nơi có một hồ nước rộng trong xanh và sâu thẳm. Đến với thác Krông Kma bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp đầy ấn tượng mà tạo hóa đã ban tặng cho con người, được đắm mình trong làn nước mát trong xanh soi rõ từng viên cuội, lại được cưỡi voi leo núi, thưởng thức hương vị khó quên của rượu cần Tây Nguyên và ngắm nhìn những cô gái Ba Na dịu dàng trong các làn điệu dân ca của núi rừng. Cho đến hôm nay hầu như tất cả suối và thác ở đây vẫn còn mang vẻ đẹp thuần khiết và hoang sơ. Có thể nói, trong con đường di sản miền Trung, cùng với đường Trường Sơn huyền thoại đang được mở ra, rồi đây Tây Nguyên sẽ là một trong những vùng du lịch hấp dẫn của Việt Nam và đến đó xin bạn đừng bỏ qua những con suối và dòng thác kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho mảnh đất đầy nắng gió này.
(Theo TCDL).