
Ở Kiên Giang có một "ông vua" săn sếu - đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã. Ở tuổi 61, ông vẫn say mê đeo đuổi một đề tài về sếu.
Có rất nhiều người từ trước nay chuyên săn sếu như Minh Lộc, Bùi Bé Tư, Đoàn Hồng… nhưng tôi gọi ông là “vua” vì có cái lý của nó. Có ai am hiểu thổ nhưỡng, thời gian đàn sếu về ở Kiên Giang bằng ông? Và có ai chịu đựng hằng tháng trời ở ngoài đồng mỗi khi mùa sếu về bằng ông?…
Săn sếu, nghe tưởng dễ, nhưng có đi săn mới thấy được cái cực khổ của nó. Để có một bức ảnh về sếu, người thợ săn phải tay xách nách mang lương thực, đồ nghề vô tận nơi đồng không mông quạnh, trầm mình, đội cỏ, rình, núp, cả những lúc phải nín thở, trân người ra, thao tác máy thật nhẹ khi sếu bay về và cái điệp khúc đó lặp đi lặp lại hằng tháng trời mới săn được vài tác phẩm đẹp về loài chim quí hiếm này.
Sau năm mùa săn liên tiếp, ông Nhã đã sưu tập một số lượng tác phẩm sếu khổng lồ, trong đó có gần một trăm tác phẩm ưng ý và hơn 10 tác phẩm đoạt giải, được triển lãm trong và ngoài nước.
Nghệ sĩ Trương Thanh Nhã đang “ém” ở giữa cánh đồng năn khu vực núi Trà để theo dõi đàn sếu đang về. Ông muốn săn thêm vài mùa nữa để làm một tập sách ảnh và triển lãm cá nhân về loài chim quí hiếm.
Bay đi
Gia đình sếu
Gọi đàn
Sếu về hòn Chông
Hạ cánh
Tung cánh
Vũ điệu sếu
Hoàng hôn sếu
Theo “ông vua” săn sếu Trương Thanh Nhã, ở Việt Nam chỉ có hai nơi sếu thường bay về, đó là vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) và vùng đất xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Hằng năm, vào đầu tháng giêng âm lịch, sếu đầu đỏ lại về sinh sống, đến mùa mưa sếu lại di cư.
Những nơi sếu thường đi kiếm ăn đó là khu vực vùng ba núi (núi Sơn Trà, núi Huỷnh, núi Mây). Ở đây có vùng đất ngập mặn, môi trường lý tưởng, có đồng cỏ năn, rừng tràm, có núi đá vôi lại gần biển nên môi trường thích nghi với sếu. Đặc biệt vùng này có loài năn kim xanh - nguồn thức ăn chính của sếu đầu đỏ.
Hiện nay, do sự tác động của con người đến khu vực sếu thường kiếm ăn nên số lượng sếu hằng năm giảm đi rất nhiều. Nếu như năm 2003, đàn sếu về nơi này trên 400 con thì đến tháng tư năm nay chỉ còn trên 100 con. Sếu đầu đỏ là loài chim quí hiếm, có tên trong sách đỏ thế giới cần được bảo tồn.
Phạm Thu (Theo Báo Thương Mại)