à Triệu tên thật là Triệu Thị Trinh, người nữ anh hùng dân tộc đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Ngô hồi thế kỷ III.
Đền bà Triệu được xây dựng trên ngọn núi Gai, cạnh quốc lộ 1, thuộc làng Phú Điền, huyện Hậu Lộc, cách Hà Nội 137 km.
Bà Triệu là người vùng núi Nưa, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Bà nổi tiếng là một thiếu nữ có nhan sắc, có sức khỏe và giàu mưu trí. Không cam tâm chịu sống cuộc đời nô lệ, năm 19 tuổi, người con gái khí phách kiên cường ấy đã tập hợp nghĩa sĩ trong vùng luyện tập võ nghệ, chuẩn bị đánh giặc cứu nước. Khi đó có người khuyên bà nên lấy chồng và an phận, bà đã khẳng khái đáp "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người"
Năm 247, bà cùng anh Triệu Quốc Đạt, cũng là thủ lĩnh có thế lực trong vùng , dựng cờ khởi nghĩa. Nhân dân khắp nơi nô nức hưởng ứng. Bà thường mặc áo giáp, cài trâm vàng, đi guốc ngà, cưỡi voi xông pha trận mạc, quân Ngô phải kinh sợ.
" Hoành qua đương hổ dị
Đối diện bà Vương Nam"
(Múa giáo chống hổ thì dễ, đối diện vua Bà thật khó)
Nhà Ngô hoảng sợ sai danh tướng Lục Dận mang binh mã sang đàn áp
Sau nhiều trận chiến đấu, nghĩa quân phải lui về miền núi Thanh Hóa. Trong trận đánh bên ngọn núi Tùng, Bà Triệu đã anh dũng hy sinh. Lăng mộ bà được đặt bên chân núi.
Theo truyền thuyết, sau khi bà mất, con voi một ngà vẫn đưa bà ra trận, nhớ thương chủ cũ cứ nằm phục bên mộ và hóa thành ngọn núi Gai còn có tên là Tượng Sơn.
Khi mới xây cất, ngôi đền chỉ là một nếp nhà tranh đơn sơ. Đến thế kỷ VI, vua Lý Nam Đế mới cho xây dựng lại. Vẫn theo truyền thuyết, vua Lý Nam Đế đi đánh giặc qua đây thì trời tối. Ông cho quân lính nghỉ tạm bên đền. Về khuya ông thấy có ánh hào quang vụt qua. Thấy lạ, Lý Nam Đế cho gọi dân làng đến hỏi. Khi biết đây là đền thờ Bà Triệu, nhà vua liền làm lễ cầu thắng trận. Sau khi dẹp xong quân giặc, ông cho xây dựng lại ngôi đền với quy mô lớn hơn.
Đến đời nhà Nguyễn (cuối thế kỷ XVIII), đền Bà Triệu được xây dựng lại như ngày nay. Trước đền có hồ sen, quanh hồ là những bồn hoa.
Hàng năm hội đền Bà Triệu được tổ chức vào 24 -1 âm lịch. Trong ngày hội thường có các trò vui cổ truyền như đánh cờ người, đu, múa sư tử, thổi cơm thi...
Nguồn tin: Sưu tầm