So với vài năm trước đây, đường đến Mũi Điện - Bãi Môn đã dễ dàng nhiều lắm và bạn sẽ trùng trùng cảm khái khi một lần ngắm bình minh sớm nhất trên dãi đất Việt Nam... Đứng trên ngọn hải đăng Mũi Điện mà nhìn bốn bề dâu bể thì chỉ có nước... làm thơ!
Phải không ít thứ câu giờ, tôi mới đến được Mũi Điện - Bãi Môn (thuộc thôn Phước Tân, xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà, Phú Yên). Có lẽ Mũi Điện (hay còn gọi là Mũi Đại Lãnh, Mũi Kê Gà, người Pháp còn đặt tên Cap Varella) là một địa chỉ lữ hành vừa quen vừa lạ đối với nhiều người ham chơi. Quen, bởi Mũi Điện đã được nhiều tài liệu nhắc tới, là điểm cực đông trên dải đất liền Việt Nam, nơi đón ánh bình minh đầu tiên, gần hải phận quốc tế nhất của nước ta, nằm ở tọa độ địa lý 12053'48" vĩ độ Bắc và 109027'06" kinh độ Đông.
Lạ, bởi một bản năng biển ăm ắp thân tình của lẻ loi những người sống nơi đây, bởi một không gian núi biển kỳ cùng, tưởng là núi nhưng mà đảo đấy - tưởng là đảo nhưng chính đất liền! Còn Bãi Môn nằm kề chân Mũi Điện, là một vùng cát trắng mịn, rộng khoảng 16 ha, nhìn ra vịnh biển lặng gió với sóng nước lăn tăn; biển và rừng nguyên sinh ấp ôm nhau, không khí tinh khôi, suối nước ngọt leo lẻo chảy từ mạch núi không bao giờ cạn,...
Nơi đây có ngọn hải đăng tuyệt đẹp xây năm 1890 gồm: khối nhà cao 5 m với diện tích 320 m2, dưới nền nhà có bể ngầm chứa nước mưa, trần nhà đặt hệ thống pin mặt trời để cung cấp năng lượng để hải đăng chiếu sáng và điện sinh hoạt cho những người gác ngọn hải đăng này. Tháp đèn hải đăng Mũi Điện là một khối hình trụ thon đều, màu xanh sẫm, cao 26,5 m so với nền tòa nhà và cao 110 m so mặt nước biển; cầu thang xoáy lên đến đỉnh tháp đèn có đúng 100 bậc gỗ bóng loáng. Đơn vị quản lý ngọn hải đăng này là Bảo đảm an toàn hàng hải khu vực 3- Cục hàng hải Việt Nam. Đứng trên ngọn hải đăng này mà nhìn mung bốn bề dâu bể thì chỉ có nước... làm thơ!
Mặc dù ở giữa núi đá, trùng khơi nhưng các nhân viên ở đây (toàn đàn ông, con trai) đã cố công vun trồng, uốn tỉa nhiều loại cây hoa cảnh độc chiêu, nuôi vài chú chó quấn quýt, mấy cô gà vui tính,... Năm người đàn ông gác ngọn đèn biển này đều hiện có nhà ở Bình Định; câu chuyện hôm ngồi uống rượu với tôi, họ nhắc nhiều về vợ con, đưa hình ảnh cho tôi xem, mơ màng về một tổ ấm thường trực, cùng một tình yêu biển cả cũng ngang bằng với gia đình,... và nếu ai là phụ nữ đến đây thì được tiếp như là thượng khách! Những ngôi nhà dân trong vùng mới gặp lần đầu mà như đã quen thân từ lâu. Trạm trưởng Nguyễn Ngọc Thắng 40 tuổi nhưng đã 18 năm gác đèn nơi đầu sóng ngọn gió; Trạm phó Nguyễn Ngọc ảnh 35 tuổi, nét hiền và đẹp trai, thâm trầm và mơ mộng; trạm viên Nguyễn Thái An 42 tuổi nhưng hoạt bát hơn cả thanh niên... Riêng chàng trai Huỳnh Xuân Phong mới 28 tuổi nhưng đã hơn 8 năm ở Mũi.
Những người ở đây có thể ngồi nói chuyện núi non biển trời với khách thâu đêm, riêng câu chuyện cuộc đời họ cũng đã vô vàn thi vị,... Những người của trùng khơi sóng gió, đôi khi vợ vừa tiễn chồng đi là đã nghe tin... biền biệt giữa đại dương... Cũng bởi thế nên cái ân tình của những người con quê biển xứ Nẫu Phú Yên - Bình Định cứ mộc mạc thẳng thừng, nghĩa tình tới bến, khí chất bừng bừng, ăn sóng nói gió, làm hết mình, nhậu hết mình, yêu đương hừng hực hết mình,...
Từ TP Tuy Hòa, du khách có thể theo Quốc lộ 1A về phía Nam khoảng 50 km đến đỉnh đèo Cả rồi rẽ xuống Mũi Điện - Bãi Môn. Một con đường nữa đến đây từ Khu công nghiệp Hòa Hiệp cũng đã hoàn thành, men cong theo các sườn núi và sóng biển. Hay từ Vũng Rô, du khách có thể đến Mũi Điện - Bãi Môn bằng đường thủy. So với vài năm trước đây, đường đến đã dễ dàng nhiều lắm và bạn sẽ trùng trùng cảm khái khi một lần ngắm bình minh sớm nhất trân di đất Việt Nam...