Huyền thoại suối cá thần Cẩm Lương
Có một huyền thoại kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa, nơi bản Ngọc thời khai thiên, lập địa, vào một năm nọ, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán quanh năm, người dân túng đói vô ngần. Một hôm, có hai vợ chồng trong bản hiếm muộn con đi làm đồng vô tình nhặt được một quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nước, nhưng lạ thay, khi nhấc tay lên người ấy lại thấy quả trứng đang trên tay mình.
Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng lạ đặt vào ổ gà đang ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Sợ quá, người chồng đem con rắn ra suối Ngọc thả, nhưng cứ đến tối con rắn lại về ở với gia đình này. Sau đó họ đã để con rắn ở lại sinh sống với mọi người.
Lạ thay, từ đó đồng ruộng của bản đủ nước cày cấy, đồng bào sống trong no ấm, hạnh phúc. Chàng rắn ấy trở thành vị cứu tinh của bản nên được mọi người hết lòng tôn kính. Rồi một hôm định mệnh, trời nổi cơn giông, sấm chớp đùng đùng. Sau cơn giông, dân bản thấy xác chàng rắn nằm bên chân núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc.
Thương tiếc chàng rắn, dân bản chôn cất chàng bên chân núi, lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Trong một buổi tế lễ, đồng bào bản Ngọc được thần báo mộng chàng rắn chết là do quyết chiến với thuỷ quái để bảo vệ dân bản. Sau này chàng rắn được phong thần gọi là: Tứ Phủ Long Vương. Từ đó, ở suối Ngọc bên chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần hàng nghìn con luôn quây quần chầu trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn.
Theo những phân tích của các nhà khoa học gần đây, đàn cá hàng nghìn con lớn, nhỏ ở suối cá Cẩm Lương gồm các loài: Cá dốc (có tên khoa học là Spinibarbichthys denticulatus- thuộc bộ cá chép, có tên trong sách đỏ Việt Nam); cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng...
Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc trông thật vui mắt, ấn tượng. Đặc biệt, đàn cá thần rất thân thiện với con người. Mỗi khi đồng bào ra suối Ngọc rửa rau, vo gạo, ai cũng nhớ thả cho đàn cá thần một ít rau, ít gạo. Hàng ngày, cá thần nhảy lên khỏi mặt nước vui đùa cùng du khách .
Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20- 40cm, nước trong vắt, du khách có thể đưa tay xuống nước mơn man, vuốt ve những con cá thần to như bắp chân, bắp tay. Đây là điều kỳ thú, hấp dẫn, nên đã thu hút hàng nghìn lượt du khách trong, ngoài nước đến suối cá thần Cẩm Lương mỗi năm .
Bên cạnh suối cá thần, xã Cẩm Lương hiện đang còn giữ được nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương. Đồng bào dân tộc Mường nơi đây với những nếp sinh hoạt văn hoá truyền thống như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pồn Pông... sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách. Đặc biệt, dọc dãy núi Trường Sinh hiện còn có nhiều hang động nguyên sơ chưa được khám phá .
Để đến suối cá thần, du khách có thể đi trên quốc lộ 217, nối từ Đò Lèn, cạnh quốc lộ 1A về cầu treo Cẩm Lương; hoặc đi theo đường Hồ Chí Minh, đến thị trấn Cẩm Thuỷ rồi rẽ lên quốc lộ 217. Những du khách yêu thích sông nước thì sẽ có dịp đi đường thuỷ dọc sông Mã, từ cầu Hàm Rồng lịch sử (TP Thanh Hoá) lên địa danh Cửa Hà - Cẩm Thuỷ nên thơ, hùng vĩ .
Cá ở suối cá thần rất nhiều, có người ước tính hàng nghìn con, lớn đến 2,5-3 kg, thường xuyên bơi lội ở suối trước đền Ngọc. Dân quanh vùng không ai bắt cá để ăn, vì vậy cá ở đây rất dạn người. Ðáy suối được thiên nhiên "lát" bằng lớp đá cuội sáng lấp lánh. Dòng nước trong suốt không bao giờ cạn, sâu từ 50 đến 80 cm, quanh năm trong vắt. Suối cá thần từ lâu trở nên nổi tiếng, là niềm tự hào về cảnh đẹp quê hương của người dân Cẩm Lương
Ngồi trên bờ suối, du khách có thể sờ lên lưng những chú cá, chỉ cần ném cho vài hạt bỏng ngô là chúng thích thú, tha hồ cho bàn tay vờn vỡ. Những con cá nần nẫn đớp mồi, bơi lượn rất đã mắt ...
Trước đây, người dân vẫn dùng nước ở suối để ăn, tắm gội, nhưng giờ họ đã tìm được nguồn nước khác. Nếu nóng bức sau khi leo núi, du khách có thể vớt nước suối rửa mặt. Nước trong và mát sẽ làm dịu bớt cái nóng nực mùa hè. Sau khi xem đàn cá bơi lội, khách theo đường mòn lên núi, sẽ tới một hệ thống hang động nối liền nhau, tuy không lớn lắm nhưng còn nguyên sơ, có hang chưa được đặt tên .
Người dân Cẩm Lương gọi đàn cá ở đây bằng cái tên giản dị “cá thần” và bảo vệ, gìn giữ những loài cá này như một niềm tin tưởng vào sức mạnh siêu nhiên. Mỗi khi ra suối vo gạo, rửa rau, người dân đều thả cho đàn cá ít thức ăn. Truyền thuyết kể rằng: điều bất hạnh sẽ xảy đến với ai làm hại một con cá, vì vậy không ai bắt mà cá vẫn sống và trở nên linh thiêng. Hàng trăm năm nay chưa người dân nào chứng kiến một con cá nào chết và dường như chúng ngày một đông .
Theo niềm tin của người dân trong vùng, sự sung túc của đàn cá trên dòng suối sẽ đem lại sự bình yên no ấm cho cuộc sống của bà con dân tộc Mường. Do vậy, người dân trong khu vực luôn gìn giữ nuôi nấng, không ai ăn thịt loại cá này hết.