Một ngày cuối thu lang thang miền đồi núi xứ Huế, tôi chợt nhận ra thêm một nét bi hùng của xứ Huế tàng ẩn dưới những khu phố mới hình thành chừng mười lăm năm trở lại.Từ những con dốc dẫn dắt chúng ta lên những phố đồi vùng Thuỷ Bằng, Thủy Xuân, Trường An, An Lăng, Ngự Bình,... Trước đây, quanh những vùng đất này là các nghĩa địa. Từ cầu Nam Giao lên đường Điện Biên Phủ là một con dốc dài khiến những người xe thồ, xích lô mất rất nhiều năng lượng để vượt qua. Ngày xưa, vùng đất này là những ngọn đồi nối nhau chập chùng, có thể Đàn Nam Giao thiêng liêng được triều đại nhà Nguyễn xây dựng để làm nơi tế trời xưa kia là một đỉnh đồi lớn. Những vùng lân cận Đàn Nam Giao là những ngọn đồi thấp hơn, khuất dưới những tán cây đại thụ lá xanh um tùm những góc ngọn đồi là các ngôi chùa cổ.
Nhà thờ chánh toà Phủ CamTừ đầu cầu Phủ Cam nhìn lên một đoạn dốc ngắn thuộc đường Nguyễn Trường Tộ, hình ảnh đập vào mắt chúng ta, là hai ngọn tháp chuông phía trước nhà thờ Chánh toà Phủ Cam vút cao dưới nền trời trong xanh. Ẩn núp dưới những tàng cây màu lục là những ô cửa vuông nho nhỏ của người dân xóm đạo hướng về khuôn viên nhà thờ, như một xác tín về sự tồn tại của thượng đế. Trên con dốc Bến Ngự thuộc đường Phan Bội Châu có ngôi cổ tự Từ Đàm, Linh Quang,… có di tích lịch sử về danh nhân văn hoá Phan Bội Châu, bên trong khuôn viên di tích có bức tượng lớn, tạc gương mặt nhân sĩ đang suy tư về con đường canh tân đất nước do nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn kỳ công tạo nên. Rồi từ cầu Kho Rèn lên dốc Trần Phú có Dòng mến Thánh Giá và một lối nhỏ dẫn vào ngôi vườn có người thiếu phụ sống ẩn mình trong tàng kinh các như một nữ tu.
Từ đồi Vọng Cảnh nhìn ra sông HươngCách xa trung tâm thành phố Huế chưa đến 10 km về phía tây nam có đồi Vọng Cảnh, một trong những góc nhìn dòng Hương lý tưởng nhất mà người xưa đã chọn. Khi mặt trời ngã dần về phía Tây, từ đồi Vọng Cảnh chúng ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp lung linh, kỳ ảo của sông Hương. Thời khắc này, gương mặt của sông gợi lên hình ảnh một thiếu phụ đang che dấu nỗi buồn trong thăm thẳm cõi lòng mênh mang. Từ góc nhìn ở đồi Vọng Cảnh, dòng sông uốn lượn mềm mại như dáng hình một vũ nữ đang hoà mình trong tiết điệu tình yêu một cách cuồng nhiệt. Cách đồi Vọng Cảnh hơn 1 km là khu lăng tẩm của vua Tự Đức toạ lạc trên một ngọn đồi thơ mộng.
Hòn ChénBên kia đồi Vọng Cảnh là điện Hòn Chén linh thiêng tồn tại từ thời xa xưa. Điện Hòn Chén toạ lạc trên sườn núi Ngọc Trản, thực ra Ngọc Trản có hình dáng một quả đồi hơn ngọn núi. Từ đồi Vọng Cảnh chúng ta mất hơn mười phút đi xe máy để đến Thiên An; gồm những ngọn đồi thông rất lãng mạn nối nhau dập dìu, có những con đường quanh co dẫn vào những hồ nước trong xanh và những cánh rừng thông hun hút.
Đan viện Thiên AnDọc theo đường Minh Mạng lên Thiên An, xuất hiện lác đác vài ngôi nhà vườn kiểu lai tạp và những trà thất, nhà hàng, biệt phủ,… phục vụ cho du khách. Vừa vào khuôn viên đan viện Thiên An, bên phải có đồi Đức Mẹ, ẩn sâu một cách kín đáo trong rừng thông ở phía trái Thiên An là đồi Thánh Giá và trên đỉnh ngọn đồi cao nhất là một nhà thờ dòng có lối kiến trúc hài hoà với thiên nhiên, phía bên trái trước nhà thờ là tháp chuông vút cao rất kiêu hãnh của đan viện.
Một sớm mùa thu, khi màu nắng nhạt mỏng manh choàng lên những ngọn đồi, những lá thông xanh rung rinh óng ánh trong nắng ban mai, những con đường còn dư vị ươn ướt của mùi sương trộn lẫn với xác lá thông già. Lúc này, nhìn những ngọn đồi uốn lượn, nhấp nhô trong màu nắng nhạt trông như một người mẹ đang vỗ về đàn con thơ trong giấc ngủ yên bình. Đa phần, những ngọn đồi ở Huế là nơi an nghĩ cuối cùng của người đã khuất, ngoài ra còn là nơi tĩnh tâm, soi chiếu lại cõi lòng của người đang sống. Thiên An, Vọng Cảnh, Ngự Bình,… và nhiều vùng đất thiêng khác là nơi chốn u linh, tĩnh lặng, mọi người đến viếng để cảm nghiệm và sửa mình, không phải là nơi để khuấy động, ồn ào,…
Lăng Khải ĐịnhCách Thiên An 3 km là nơi yên nghĩ của vua Khải Định, trên đường đến lăng Khải Định, xa xa chúng ta có thể nhìn thấy, thấp thoáng giữa màu xanh cây lá um tùm hiện ra một toà lâu đài thu nhỏ án ngự trên một ngọn đồi, được che đậy bởi vòm trời trong veo, bàng bạc những áng mây trắng hồng đang trình diễn cuộc sắp đặt của gió. Trên đường từ Thiên An đến lăng Khải Định, bên đường phía trái, có một ngọn đồi khiêm cung là nơi an nghĩ của điêu khắc gia Điềm Phùng Thị và phu quân của bà là ông Bửu Điềm. Những ngọn đồi rất gần thành phố Huế là Nam Giao, Phủ Cam. Tiếc rằng, dọc trên những sườn đồi đó, phố thị mọc lên tự do, không theo mô thức nào cả, kể cả những khu phố mới ở Trường An. Nếu được quy hoạch để tạo thành những khu phố đồi, sẽ tạo thêm điểm tham quan cho du khách.
Đồi Hà KhêNgoài các ngọn đồi ở phía nam sông Hương, còn có đồi Hà Khê ở phía bắc sông Hương ở cách trung tâm thành phố khoảng 5 km, một địa danh đi vào trong dân gian qua câu hò:
“Kim Liên ơi hỡi Kim Liên
Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê
Hà Khê nước chảy đường nghê
Chim kêu vượn hú bốn bề nước non”
Qua câu hò trên, chúng ta có thể hình dung, từ thời xưa vùng đồi Hà Khê rất hoang vắng. Tương truyền rằng, trên đồi Hà Khê ngày xưa đã có một ngôi chùa nhỏ của người Champa, sau này được chúa Nguyễn cho xây dựng lại để trở thành ngôi linh tự Thiên Mụ vang tiếng ngày nay. Và xa hơn nữa bên kia sông Bạch Yến là chùa Kim Sơn xưa cổ nằm trên một ngọn đồi đất đỏ, Kim Sơn tự ngày xưa là nơi tạo ra các bậc tăng tài của xứ Huế, dọc theo con đường đất đỏ và bụi mù để vào trong hun hút của núi rừng là Huyền Không Sơn Thượng, một cơ sở Phật giáo Nguyên Thuỷ vừa mới hình thành vài thập niên trở lại.
Huế vùng đất "thần kinh"Ở Huế, ngoài những ngọn đồi bằng đất đá gắn liền với những cơ sở tôn giáo thiêng liêng, trong sâu thẳm của Huế, ẩn chứa ngọn đồi tâm linh tiềm ẩn trong tâm thức mỗi người dân Cố đô, thể hiện lòng tri ân tổ tiên, đất trời qua những nét văn hoá biểu hiện trong các nghi lễ chạp, giỗ, cúng đất, cúng trời,… Một ngày mưa, đi theo dòng người, đưa tiễn người O ruột về nơi an nghĩ cuối cùng trên độn cát trắng của làng quê, tôi nhận ra rằng độn cát đó là một ngọn đồi thiêng của biển, được chọn làm nơi an nghĩ của tổ tiên các dòng họ và cư dân đang cư ngụ trong những ngôi làng ven biển.
Sưu tầm