(VietNamNet)- Thật là bối rối khi lắng nghe những lời thắc mắc của khách du lịch ngoại quốc đến thăm Hà Nội. Phải chăng chính cái sự "khó hiểu" mà họ đang thưởng thức mới là "đặc sản" Hà Nội?
Soạn: HA 908717 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Những anh Tây ba lô dã chiến kiểu này chỉ coi Hà Nội là điểm trung chuyển trên chặng đường khám phá Việt Nam. (Ảnh: TTVNOL)
Giả sử bạn là một khách du lịch ngoại quốc lần đầu tiên đến Việt Nam, “nghe đồn” Hà Nội là trung tâm văn hoá, ẩm thực Hà Nội ngon lại ít béo, giá cả ở Hà Nội cũng rẻ v.v. Mang trong mình chút máu phiêu lưu, bạn tự xin visa, tự mua vé và mười mấy tiếng sau...
Đó là những người vẫn được gọi là Tây balô (để phân biệt với mấy anh Tây "gỗ" ở khách sạn năm sao) - những khách du lịch chưa hẳn đã nghèo và dĩ nhiên là cũng không giàu, muốn tiết kiệm tiền để có thể lang thang trên dải đất hình chữ S được lâu nhất.
Soạn: HA 908629 gửi đến 996 để nhận ảnh này
"Ngay tại Bảo tàng Dân tộc học, tôi thấy khách du lịch luôn tìm đến nhờ một cuốn sách hướng dẫn nổi tiếng của nước ngoài viết, hiếm thấy ai cầm trên tay một tờ hướng dẫn do chúng ta in ra. Lẽ ra những người làm du lịch phải lấy đó làm xấu hổ!"
Lang thang quanh khu phố cổ, “niềm tự hào” của người Hà Nội, dễ bắt gặp những Tây balô như thế, đi bộ trên khu phố bàn cờ với gương mặt ngơ ngác, tay xoay ngang xoay dọc tấm bản đồ, cố xác định cho đúng hướng trên những con phố nhỏ giống đúc nhau, chỉ trăm mét đã lại thay tên đổi họ. Hình như ai cũng cầm trên tay, hoặc lấp ló trong túi cuốn sách giới thiệu về Việt Nam. Toàn là sách ngoại của “Lonely Planet” hay "Rough Guide", trong sách có đủ thông tin về giá phòng của từng khách sạn nhỏ tí, thậm chí cả tính cách của ông chủ khách sạn trên từng con phố cổ. Chẳng tìm đâu ra sách của Việt Nam xuất bản, hay nếu có thì chỉ có thể tìm mua ở những nơi kín đáo đến mức người Việt cũng khó mà tìm ra? Cũng có thể khách du lịch trong một lần lạc đường nào đó đã tìm thấy, đã xem nhưng không sử dụng được, vì sách của ta viết về du lịch của ta mà vẫn ít thông tin cần thiết hơn sách của họ. Chịu, chưa ai dám kết luật “dứt khoát”. Chỉ biết một điều chắc chắn là trong thời buổi này, nếu chúng ta im tiếng như vậy thì sẽ có người lên tiếng "hộ", tất nhiên, vì quyền lợi của họ, chứ không phải chúng ta.
Theo chân James – anh chàng tóc vàng, mắt xanh đến từ Houstons, Mỹ đi một vòng quanh Hồ Gươm. Đang là sinh viên nên James chọn cách đi bụi, tự mua sách và bản đồ để được thoải mái khám phá. Dự định ban đầu của James là thuê xe máy tự đi, nhưng đến nơi thì đầu hàng vô điều kiện vì “người Việt lái xe tài quá, tôi không linh hoạt được như họ”. Phải mở ngoặc thêm những hành động mà cậu gọi lịch sự là linh hoạt kia, thực chất là phóng nhanh vượt ẩu, là qua đèn đỏ, là đánh võng, là dàn hàng ba vừa đi vừa tâm sự. Nói về ấn tượng Hà Nội sau 3 ngày lang thang, James không hề khách sáo: Hà Nội có nhiều hồ nước đẹp, nhiều dãy phố đẹp, nhiều di tích và thắng cảnh rất đẹp và cổ kính. Nhưng hình như người Hà Nội thích “sống chung” với rác? Đi lại ở đây không tiện, tôi muốn đi xe buýt nhưng hình như không có xe đến… những nơi cần đến. Xe ôm thì giá cao (không lẽ xăng ở đây tới mấy đôla một lít?). Vậy nên tôi thường đi bộ, vừa đi vừa hỏi, cũng may Hà Nội rất nhỏ nhắn và xinh xắn". Càng nghe cậu nói lại càng thấy bối rối, đến đoạn “hình như người Việt Nam cũng tiêu tiền đôla, vì cái gì cũng 1$, 2$” thì tôi ngậm tăm, hết biết giải thích. Không lẽ lại bảo, người Việt sính ngoại nên thấy người ngoại thì phải dùng tiền ngoại cho… văn minh?
Bối rối nhất là khi James than phiền không biết làm gì vào buổi tối? Tưởng cậu hỏi các quán cà phê hay quán bar thì… dễ ợt, nhưng James cắc cớ hơn khi muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc của Việt Nam. Ái chà, yêu cầu không đơn giản chút nào. “Múa rối nước thì tôi xem rồi. Tôi muốn nghe thử ca trù, hay chèo, hay quan họ. Ở đâu có?”. James hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai? Nghe đâu cũng có vài câu lạc bộ ca trù, có một nhóm nghệ sĩ nhà hát chèo biểu diễn, hay một công ty du lịch mới “liều lĩnh” khai trương show diễn cổ truyền, nhưng gọi điện đến định giúp James thì nơi đang tạm ngừng biểu diễn, nơi chỉ một buổi cuối tuần, mà với khách du lịch thì làm gì có khái niệm tuần để mà đầu hay cuối? Hay tại tôi tìm chưa đúng chỗ? Sợ, không dám hỏi thêm James, lỡ cậu lại than phiền tiếp về chuyện ăn, chuyện ngủ hay những chuyện gì gì nữa thì chẳng biết đường đâu mà nói cho cậu hiểu. Phải chăng chính cái sự "khó hiểu" mà James đang thưởng thức mới là "đặc sản" Hà Nội?
Eric và Vincent, hai thanh niên người Marseille (Pháp) đang lơ ngơ nơi phố cổ, cố dùng vốn tiếng Anh ít ỏi để hỏi những người Việt Nam cũng chủ yếu vừa nghe vừa đoán, miệng nói tay chỉ. Thì ra, họ hỏi đường đến Sinh Café hoặc Hanoi Toserco, vì “nghe nói” đó là các doanh nghiệp uy tín. Nhưng đứng giữa 36 phố phường thì “tiến thoái lưỡng nan” vì thấy cả chục văn phòng cùng tên, thậm chí cùng logo? “Chẳng lẽ một công ty lại có quá nhiều văn phòng đại diện trên cùng một dãy phố”? Biết trả lời Eric thế nào nhỉ? Không lẽ lại bảo, chuyện đánh cắp thương hiệu là chuyện thường ngày ở Hà Nội, không chỉ trong du lịch mà cả với thịt chó, bún chả và lạc rang húng lìu. Nhưng riêng với du lịch thì tất cả nói chung cũng đều đổ về một mối làm tour cả, chỉ có điều khách mất nhiều khoản "môi giới" vô lý. Hỏi họ sao không đi theo bản đồ hay sách hướng dẫn thì được phân trần: “Hình như bản đồ không đúng, chúng tôi mua hai cái thấy không giống nhau, mà đi mãi vẫn lạc. Sách hướng dẫn thì mang từ Pháp sang, còn ở đây tìm mua nhưng chưa có!”.
Soạn: HA 908713 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Khách du lịch tại khu vực Đền Bạch Mã. Ảnh: Phạm Hải
Gina và Sophia – hai kiều nữ đến từ Madrid, thủ đô Tây Ba Nha – muốn “nhờ” các văn phòng du lịch để tìm hiểu Hà Nội cho… kỹ. Hai cô vào hết văn phòng này đến văn phòng khác, lúc vào thì hào hứng, lúc ra có vẻ suy tư. Chẳng là, hai cô đã đi “city tour”, giờ muốn tìm một tour khác độc đáo hơn mà… không có. Gina than thở: Chẳng lẽ ngày nào cũng đi chùa Trấn Quốc, Văn Miếu, bảo tàng Dân tộc học? Hôm qua thì đi vội đi vàng, chẳng đủ thời gian để cảm nhận từng nơi. Trong một ngày mà “phải” đi lăng Bác, chùa Một Cột, bảo tàng Hồ Chí Minh, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Thánh, bảo tàng Dân tộc học, Văn Miếu, hồ Gươm thì chắc chắn phải là “cưỡi máy bay xem hoa”. Không hiểu về đến Madrid, xem lại ảnh, chúng tôi có nhớ gì không nữa?, Gina băn khoăn. Sophia “ranh mãnh” hơn: “Tôi đã mua một bộ postcard (bưu ảnh), về mở ra xem chắc sẽ nhớ”.
Cùng Gina và Sophia vào văn phòng một công ty cũng có tiếng tăm ở Hà Nội, xem giới thiệu có vài lựa chọn tour làng nghề truyền thống và chùa chiền khá hấp dẫn (như một tour thăm làng gốm Bát Tràng, làng tranh Đông Hồ, làng mộc Đồng Kỵ, chùa Bút Tháp). Nhưng giới thiệu là một chuyện, còn ngỏ ý muốn đi thì câu trả lời là… không tổ chức vì ít khách. Đáp lại sự nhiệt tình, sẵn sàng trả thêm tiền của hai kiều nữ là một câu trả lời rất… hồn nhiên: “Mấy làng nghề đó cũng không có gì đặc biệt đâu. Hà Nội xem một ngày là đủ rồi. Nếu các chị còn thời gian thì nên đi Hạ Long, di sản thế giới đấy”. Kiểu vừa giới thiệu vừa khéo léo đuổi khách ra khỏi Hà Nội thế này thật… miễn bình luận. Cố cười mà như mếu, đành khuyên hai cô tự đi thăm các đình chùa, các bảo tàng rất gần trung tâm thành phố, nhưng nào có yên, vì theo lời Gina thì “bảo tàng ở Hà Nội đóng cửa sớm quá, lại nghỉ trưa. Chúng tôi chỉ sợ số đen đủi, đến toàn vào giờ đóng cửa thì chẳng xem được gì. Chúng tôi muốn dành ba ngày ở Hà Nội, nhưng kiểu này chắc lại đi Huế, Hội An sớm vậy”.
Ngược với hai cô gái nỗ lực để “bám” Hà Nội vài ngày, đôi tình nhân Paul và Maria tuy vừa từ Canada sang nhưng rất “quyết đoán”, đặt ngay tour đi Hạ Long rồi Sapa ngày hôm sau, chỉ dành nửa ngày cho Hà Nội.
- Chỉ nửa ngày, liệu có đủ để thăm thú hết thủ đô của chúng tôi không?
- Bạn tôi vừa trở về từ Việt Nam. Cậu ấy bảo chúng tôi “Thăm Hà Nội, nửa ngày là hết”.
Bây giờ thì tôi đã tin, trái đất quả thật hình tròn.