Hơn một năm qua, Dự án “Chợ Hà Nội xưa và nay” là công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Nội đã được triển khai có hiệu quả. Lần đầu tiên, một công trình nghiên cứu khá độc đáo về chợ qua cái nhìn văn hóa được thực hiện. Cuối năm 2008, “Chợ Hà Nội xưa và nay” sẽ được giới thiệu tới công chúng dưới dạng sách với độ dày gần 500 trang.
“Chợ Hà Nội xưa và nay” do 20 nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Hà Nội cùng góp sức. 50 chợ lớn của Hà Nội đã được tìm hiểu trên nhiều khía cạnh: từ tên chợ, địa điểm họp chợ đến lịch sử ra đời, kiến trúc, đặc sản... cho thấy nét đặc thù, phong phú của văn hóa chợ. Mỗi nơi lại có những ca dao, hò vè, truyện kể, sinh hoạt văn hóa dân gian gắn với chợ trong tiến trình lịch sử văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Ví như những thao tác nghi thức mổ trâu để bán tại chợ Bưởi vào dịp tết, hoặc trước khi vào chợ Mơ thì phải thắp hương tại miếu Trung Hiền...
Dù trước đây đã có một số nghiên cứu, sách về chợ như cuốn Chợ búa tỉnh Hà Đông, Chợ nông thôn, Tên làng xã ở Bắc Kỳ... song chưa có công trình nào nghiên cứu, giới thiệu về chợ Thăng Long - Hà Nội dưới góc nhìn văn hóa rõ ràng. Chính vì thế, ngay từ khi thực hiện đề tài, các tác giả thống nhất không đi sâu vào lĩnh vực kinh tế mà tập trung tìm hiểu chợ Hà Nội ở khía cạnh văn hóa, nói cách khác là văn hóa chợ... Mà mở rộng ra, đó còn là văn hóa đặc thù hình thành từ phiên chợ khổng lồ đất Kinh kỳ cũng có nét riêng biệt như nhận định của cố giáo sư Trần Quốc Vượng “hội tụ, kết tinh, lan tỏa”…
Đây là công trình nhằm thiết thực tiến tới mốc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
TH (Sử dụng tư liệu từ HNM)