Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Đặc sản ít người biết của Sóc Trăng  (Đã xem 8842 lần)

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Re: Đặc sản ít người biết của Sóc Trăng
« Trả lời #9 vào: Tháng Tám 02, 2008, 10:10:34 AM »
Vài địa điểm ẩm thực ở Sóc Trăng

Xin giới thiệu các bạn một vài món đặc trưng của Sóc Trăng và những địa điểm phụ vụ các món ăn này.

Cháo cá lóc

Món cháo cá lóc không cầu kỳ, chỉ cần một con cá loại to, cỡ trên dưới 1kg, vài lon gạo ngon có pha ít gạo nếp (tùy bao nhiêu người ăn thì ta lường bấy nhiêu gạo cho vừa), thêm ít thứ gia vị khác nữa. Sau vài canh giờ chuẩn bị nấu nướng là có ngay một nồi cháo thơm lừng, mới hít hà hơi thôi đã cảm giác thèm ăn rồi.

Cá lóc làm sạch, mổ bỏ nội tạng, chừa lại bộ lòng rửa sạch, đem hấp chung với mỡ hành, vớt ra để nguội, gỡ thịt ướp với chút nước mắm, tiêu để riêng (người miền Nam rất thích ăn bộ lòng và bộ lòng cá thường dành cho người được vị nể nhất trong bữa ăn).

Xương cá cho vào nồi nước, đun kỹ rồi lọc lấy nước để nấu cháo. Chờ cháo sôi đều lại thì đổ cá đã ướp gia vị vào nồi, khuấy đều lần nữa và nhắc xuống. Khi ăn, ta cho thêm rau đắng đất non được nhổ từ dưới gốc rạ, giá sống, rau sam đất, sau đó múc cháo nóng đổ lên trên làm cho rau vừa chín tới rồi trộn thêm một nhúm gừng non thái chỉ. Vị thơm bùi của gạo, vị ngọt của cá hòa quyện với nhau, thoảng vị thơm cay của gừng, tạo nét đặc trưng hấp dẫn lạ thường.

Địa chỉ tham khảo

Quán Cháo nằm ngay ngã 4 Đường Trần Hưng Đạo - Phú Lợi (Trước cổng Viện kiểm sát tỉnh Sóc Trăng). Quán bán bắt đầu lúc 5g chiều cho đến khoảng 11g tối. Nước chấm tại quán này góp phần làm cho món cháo ngon. Tôi có dịp đi nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào có nước mắm ngon hơn chổ này. Giá cả cũng rất phải chăng, khoảng 5.000 đồng một tô.


Bánh xèo tôm thịt

Chuẩn bị cho buổi "tiệc" rẻ mà hấp dẫn này, người đứng bếp phải có chút kinh nghiệm pha trứng, nghệ để bột đổi màu vàng, hấp dẫn, cũng như không đặc quánh hay loãng. Nước mắm ăn bánh xèo cũng giữ vai trò rất quan trọng, cần nhiều tỏi, chanh, nêm nếm đừng quá chua hoặc quá mặn.

Ðặt chảo lên bếp chờ thật nóng, cắt đoạn sóng lá chuối nhúng dầu thoa một lượt, cho tỏi đập dẹp vào lấy mùi. Dùng giá múc canh đổ bột lên, nhấc chảo nghiêng tới lui để bột lan rộng. Mỗi bánh rải đều một ít tôm, thịt ba chỉ đã luộc trước rồi đậy nắp. Ðộ chừng bánh xèo sắp chín, thêm giá, đậu xanh đã bỏ vỏ, vài khoanh củ hành tây xắt lát, lấy chiếc "sạn" dẹp, lật úp nửa bên bánh để đậy kín các món vừa kể, giữ nóng. Ðậy nắp thêm một lúc cho chín đều rồi lấy ra dĩa..

Ăn bánh xèo, dùng tay vẫn ngon hơn đũa. Cứ lót lá cải bẹ xanh hoặc cải salat thay cho bánh tráng, ngắt một miếng bánh "mới ra lò" đặt lên trên mớ cải bèo, rau húng, lá quế, khế chua, dưa leo xắt lát mỏng... rồi quấn tròn chấm vào chén nước mắm pha chua chua kèm dưa kiệu trong đó. Ðang đói bụng mà gặp bánh xèo nóng quả là hết chỗ chê.

Một số địa chỉ tham khảo

+ Buổi sáng (từ 6g sáng đến 12g trưa) ta có thể ghé ngay đầu nhà l*ng chợ thịt Sóc Trăng sạp Bà Mập (ở chợ người ta thấy mập nên kêu riết thành quen, chứ tên thiệt thì tôi khong hỏi nên không biết).

+ Buổi chiều ta có thể ghé Quán bánh nằm ở đường Phan Bội Châu (Sân quần vợt P3 cũ) hoặc quán Bánh coóng Phượng Vĩ. Giá cả rất hợp túi tiền, chỉ 2.500 đồng/cái.

Bún gỏi

Không biết món ăn này xuất xứ từ đâu. Nhưng tôi chưa thấy nơi nào bán món này cả, cả tên gọi cũng rất khác biệt. Bún gỏi già. Tôi ăn nhiều rồi, nhưng chưa lần nào thử nấu cả, không phải lười biếng đâu, vì không có bí quyết, tôi sợ mình sẽ làm hư món khoái khẩu của mình.

Bún gỏi và thực ra cũng hao hao giống bún mắm thôi. Nói là giống, nhưng vị của nó khác nhau xa. Bún mắm và bún gỏi già có chung nguyên liệu là mắm cá (hình như là mắm cá linh thì phải). Bún gỏi già phải nấu chung với me, mới cho ra vị nước lèo chua chua ngọt ngọt ăn không ngán là vì vậy. Đặc biệt, nó chỉ ăn chung với tép là ngon nhất. Tép bạc, tép lột, hay tôm sú lột đều được cả và kèm theo là thịt ba gọi xắt mỏng. Những con tép đỏ au, được lột vỏ kỹ càng trông hấp dẫn làm sao ấy.

Bún gỏi và chua chua ngọt ngọt ăn ghém với rau muống và bông chuối bào, giá sống, rau thơm,... Nhưng mà nó ngon nhờ hẹ đấy. Nếu không có cọng hẹ nào thì cái tô bún của bạn coi như tiêu. Thêm nữa phải có nước chấm đặc biệt nó là nước cốt mắm cá linh nguyên chất, rất thơm và có vị ngọt đậm đà hoặc ta có thể dùng tương xay nhuyễn (làm từ đậu nành), tùy khẩu vị riêng của mỗi người ăn.

Một số địa chỉ tham khảo:

+ Buổi sáng (từ 6g sáng đến 12g trưa) ta có thể ghé Quán Cô Cưng, đường Phạm Ngũ Lão, Ngang Chùa Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm. Ngoài ra có thể ghé Quán Bún gỏi ở đầu đường Nguyễn Văn Hữu (chỉ bán buổi sáng).

+ Buổi chiều ta có thể ghé Quán Bánh nằm ở đường Phan Bội Châu (sân quần vợt P3 cũ). Thức ăn quán này đa dạng, giá dao động 5.000 đồng/tô, nếu thêm thịt ba gọi và tép bổ sung thì thêm khoảng 4-5.000 đồng/dĩa.

Nguồn: Kỷ Nguyên Mới - Soc Trang Online
 

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Re: Đặc sản ít người biết của Sóc Trăng
« Trả lời #8 vào: Tháng Tám 02, 2008, 10:00:10 AM »
Mắm tép miền Tây

Mắm tép miền Tây dễ làm, không cầu kỳ, nguyên liệu lại có sẵn rất nhiều ở vùng sông nước Cửu Long. Nhưng để có những keo mắm tép thật sự thơm ngon, vừa ý, đỏ hồng tỏa hương thơm mùi mắm thì không đơn giản.

Mắp tép chợ Nhu Gia (xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên-Sóc Trăng) là loại mắm tép bạc lớn chỉ có vùng nước lợ mới có. Ðây là món ẩm thực độc đáo của Sóc Trăng, được rất nhiều du khách, kể cả Việt kiều thưởng thức và mua về biếu người thân, bạn bè. Tép làm mắm tép Nhu Gia phải là con tép bạc lớn còn sống nhảy. Sau khi rửa sạch, cắt đầu, rửa lại bằng nước muối loãng, để ráo rửa lại bằng rượu gạo 40o, để ráo, sắp vào keo, gài lại bằng sống dừa chế nước muối và đường theo tỷ lệ đã định sẵn đổ vào keo cho ngập sống dừa, sau 20-30 ngày là ăn được. Mắm tép sau vài ngày đổ nước muối, đem nấu lại như lần đầu thì an tâm để cả năm.

Mắm tép ăn kèm với thịt ba chỉ (ba rọi) luộc kèm với một ít rau sống thì khỏi chê hay cho bún, bánh tráng cuốn lại ăn kèm với vài miếng gừng non, khế chua thì thật tuyệt chiêu.

(Theo TBDL)
 

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Re: Đặc sản ít người biết của Sóc Trăng
« Trả lời #7 vào: Tháng Tám 02, 2008, 09:25:18 AM »
Càng Còng Gió, ăn ngon nhưng làm sao để có?



Lời bạt: “Thực sự thì bài viết này không chủ đích giới thiệu đến món ăn đặc sản của Sóc Trăng dù đây cũng là một món ăn khá thú vị ! Nhưng đã lỡ hứa với những người bạn trẻ mà tôi rất phục vì nhiều lẽ nên đành phải kể ra cho trọn”.

Tuyến rừng phòng hộ ven biển của tỉnh Sóc Trăng hiện đang phát triển tốt dọc theo tuyến ven biển huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Đã có trên 1.700ha/5.300 ha rừng phòng hộ ven biển đã được ngành lâm nghiệp ký hợp đồng với các hộ dân để khoanh trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích trên chủ yếu tập trung trong vùng dự án Bảo vệ và phát triển những vùng đất ngập nước ven biển do Ngân hàng thế giới và tổ chức Danida (Đan Mạch) hỗ trợ (tính đến cuối năm 2003).

Trước mắt, có thể thấy:

1. Chính những mảng rừng Đước, Mắm của tuyến rừng phòng hộ là một tác nhân chính để các loại thủy sản sinh sôi ngày càng nhiều. Cá Kèo con xuất hiện nhiều trong khoảng từ năm 2000 đến nay, khi tuyến rừng phòng hộ ven biển huyện Vĩnh Châu, dài trên 20km phát triển mạnh và bãi bồi.

2. Chính bùn lấn rộng ra biển với mức từ 20 đến trên 50m mỗi năm là nơi sinh sản và phát triển lý tưởng cho cá kèo con, cua con và nhiều loài thủy sản mặn, lợ khác. Riêng với Cua biển con, bắt đầu từ tháng 9 sẽ xuất hiện rộ đến tháng 4 năm sau. Tính ra người ven biển Vĩnh Châu có việc làm quanh năm từ nghề khai thác thủy sản làm giống tự nhiên và nguồn lợi này đang mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ dân nghèo nơi đây. Nhưng thực ra, đặc sản “Càng Còng gió” mới là chủ đích của người viết gửi đến những người bạn với hy vọng họ sẽ có dịp được thưởng thức, nhấm nháp...dù tôi biết rằng cách ăn của họ không giống như tôi !

Nếu đi sớm dọc theo biển Vĩnh Châu, tập trung ở khu vực biển Vĩnh Phước, Vĩnh Tân, thuộc huyện Vĩnh Châu. Chính xác hơn là dọc theo tuyến đê biển vùng đồng muối. Càng Còng Gió tươi có thể nấu riêu ăn rất ngon, tôi đã thử và thấy rằng -ngọt, thơm và sánh hơn cua đồng. Còn không thì vào cỡ 1-2 giờ chiều, càng Còng gió đã được luộc chín, ăn theo kiểu nhấm như hạt Hướng Dương cũng vẫn thú vị bởi lẽ: tuy to cở ngón chân cái, nhưng vỏ nó mềm, thịt ngọt và chắc, vị hơi mặn và thơm hơn thịt cua biển.

Mỗi chú Còng gió có hai càng, nhưng chỉ có những con đực thì sở hữu một cái càng “cái” bự xự cỡ ngón chân cái. Cái càng này chỉ để hù dọa và “lấy le” với đồng loại nhất là mấy "ả Còng" là chính chứ khi gặp con người và tiếng động lớn thì chúng bỏ chạy “trối chết” và rất nhanh..chui xuống những hang nhỏ, ngóc ngách trên bãi biển mà nếu như bạn có chủ đích kiếm càng Còng Gió để nhấm nháp thì thật sự là hơi bị hiếm. Vậy tại sao người dân nơi đây có thể bán cho bạn cả “lon sữa bò” với giá chỉ 1.000 đồng!? Bí quyết là cách thu hoạch “càng”.

Để chuẩn bị cho một chuyến đi, bạn cần chuẩn bị:

- Vài kg thính, được chế bằng cám rang.

- Thịt cá để hơi ươn hoặc tôm tép trộn chung với nhau cho dậy mùi.

- Vài cây chổi Chà Tre thật lùm sùm nhưng dẻo và không quá cứng. Mục đích nhằm không cho Còng chết.

Buổi sáng khi biển chuẩn bị ròng (nước xuống) khoảng 3-4 giờ sáng, bạn chọn bãi cát ven biển mà mình đã chọn, rải thính và nhẹ nhàng đi sang một bãi cát khác để làm công việc tương tự. Sau đó mình quay lại lại bãi biển đã rải thính đầu tiên và theo dõi bằng ngọn đèn pin nhỏ. Lũ Còng bắt mùi thơm của thính sẽ mò ra bãi ăn mồi. Theo dõi, khi thấy chúng đã ra nhiều, những người “thu hoạch” sẽ .. 1-2-3 nhào ra với chổi Chà Tre và quét lũ Còng trên bãi. Cứ quét qua, quét lại với mục đích cho lũ còng lăn nghiêng, lăn ngửa. Bọn Còng Gió có một thuộc tính là hễ bị động và nguy hiểm thì sẽ “buông càng” để “bỏ của chạy lấy Còng cho lẹ”. Mà cái càng “đực" là thứ bị bỏ lại trước tiên. Sau trận “quét”, những người đi thu càng chỉ cần quét gom trên bãi để thu sản phẩm. Nhằm lúc “trúng" thì phải đựng bằng thúng mới vừa. Cách thu hoạch này hay ở chỗ là bọn Còng Gió không chết mà chỉ “bỏ càng”, vài bữa sẽ mọc lại để chuẩn bị cho đợt thu hoạch sau.

Nào! Bạn đã chuẩn bị món “riêu Còng Gió” ngon đáo để chưa!? :-)


Nguồn: Phương Quang - Soc Trang Online
 

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Re: Đặc sản ít người biết của Sóc Trăng
« Trả lời #6 vào: Tháng Tám 02, 2008, 09:15:57 AM »
Bánh cúng trong các lễ hội của người Kh'mer Nam Bộ

Từ xưa đến nay cứ vào dịp lễ, tết người Kh'mer Nam Bộ thường làm bánh neng nóc (bánh tổ yến) để cúng lễ và không biết tự bao giờ nó đã trở thành một loại bánh không thể thiếu trong những dịp vui vẻ của người Kh'mer. Tuy vậy bánh neng nóc ngày nay lại rất ít được lưu truyền trong đồng bào Kh'mer Nam Bộ vì nó đòi hỏi phải có một bàn tay khéo léo để rây bột cho đều, nếu không bột sẽ bị vón cục vừa không đẹp, vừa ăn không ngon. Nguyên liệu để làm bánh gồm có bột gạo, đường mè (còn gọi là rừng), mứt bí, mỡ (dầu ăn) và mầu tự nhiên của nghệ, lá dứa, lá cẩm. Trước tiên bột được nhồi bằng nước nóng xong đập thành sợi mành (dùng tay đập, người Kinh gọi là nhào), sau đó bằng những ngón tay khéo léo bột được rây trên chảo nóng có tráng mỡ và dần được định hình giống như tổ yến. Bí quyết để làm bánh này là phải dùng lửa hợp lý, nếu không bánh sẽ bị khét và kỹ thuật xếp thành bánh đòi hỏi phải có sự khéo léo. Người làm bánh cho nhân bánh là mứt bí đã được xào trước với đường, mè vào giữa rồi nhẹ nhàng xếp lại. Bánh tổ yến khi ăn nóng sẽ giòn và nổi mùi thơm hơn là để nguội mới ăn. Theo lời kể của những người lớn tuổi bánh neng nóc đã có từ lâu lắm rồi và được các bà cố trong phum, sóc truyền lại cho con cháu. Ngày nay duy nhất chỉ còn gia đình chị Tăng Thị Pha và Tăng Thị Bạch Tuyết ở Vĩnh Châu còn làm loại bánh này. Bánh chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội của người Kh'mer với hàm ý biết ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa đồng thời mong muốn có được niềm vui gia quyến đoàn tụ.

Bánh dây hay còn gọi là bánh dứa cũng là loại bánh đặc trưng của đồng bào Kh'mer dùng trong các dịp lễ hội với ý nghĩa tạ ơn trời đất giống như chiếc bánh neng nóc. Chính vì thế cách làm bánh dây cũng gần giống bánh neng nóc, chỉ khác ở chỗ bánh được làm từ bột nếp và hình thức của vỏ bánh đơn giản hơn. Bột nếp đã xay, được nhồi thật nhuyễn, dùng rỗ rây nhỏ bột đều trên chảo nóng đã tráng qua lớp mỡ. Nhân bánh có thêm dừa xào với mứt bí, đường, mè cho ngấm, rải đều lên trên lớp vỏ trong chảo và gấp bột bánh lại là đã có một chiếc bánh ngon. Bánh dây là một loại bánh dân gian được làm đơn giản hơn bánh tổ yến nên nhiều người Kh'mer còn dùng nó trong sinh hoạt hằng ngày và làm bán mời khách du lịch thưởng thức một món ăn cổ truyền của người Việt Nam mang đậm phong cách dân tộc Kh'mer Nam Bộ


Nguồn: www.soctrang-online.net>
 

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Re: Đặc sản ít người biết của Sóc Trăng
« Trả lời #5 vào: Tháng Tám 02, 2008, 09:09:17 AM »
Bánh Tráng Bà Lèo Mỹ Xuyên - Sóc Trăng

Chuyện kể rằng ở ấp Vĩnh Xuyên (thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) ngày xưa có bà Lèo đỡ đẻ mát tay. Một hôm bà Lèo bị ông Cọp "bắt cóc" đi đỡ đẻ cho Cọp bà, 3 ngày sau mới mang trả về nhà. Từ đó, mỗi năm Tết đến, Cọp ông mang heo đến để tạ ơn... Hôm nay, xóm bà Lèo là làng bánh tráng nức tiếng khắp gần xa.

Mùa xuân đến, về xóm bà Lèo, đi từ đầu làng đến cuối thôn đâu cũng thấy bánh tráng. Nghề này có ở đây trên dưới 70 năm. Trước kia, chỉ có vài chục hộ, bây giờ hơn 150 hộ với hơn 500 lao động chuyên sống bằng nghề bánh Tráng. Mỗi ngày tiêu thụ hơn 2,5 tấn gạo để cho ra lò 250.000-300.000 bánh. Mỗi trăm bánh giá 10.000 VND. Ngày trước, Tết đến mới tráng bánh, còn bây giờ xóm bà Lèo làm bánh Tráng quanh năm song Tết đến vẫn tấp nập, sôi động hơn. Từ tháng 11 âm lịch đến Tết, xóm bánh tráng bà Lèo hầu như không ngủ. Cả xóm đèn sáng rực, người pha bột, kẻ tráng bánh, người phơi. Khoảng 4 giờ chiều thì thương lái chờ nhận bánh để đưa đi muôn phương.

Bánh Tráng xóm bà Lèo được tiếng nhờ mềm, dẻo, dai, dễ sử dụng. Trước kia chọn giống lúa Ba Thiệt nổi tiếng thơm ngon để làm bánh. Bây giờ có nhiều gạo ngon để chọn hơn. Bà Tư Nhung bước vào nghề bánh tráng từ lúc mới lấy chồng đến nay đã hơn 45 năm, giờ lại truyền nghề cho con gái. Bà nói tự hào: "Bánh Tráng ở đâu không biết, chứ bánh Tráng xóm bà Lèo làm ra bao nhiêu cũng không đủ giao. Nghề bánh tráng không giàu bằng ai nhưng sống được".

Dậy sớm thức khuya, con gái xóm bà Lèo lúc nào má cũng đỏ hồng. Từ hạt gạo qua bàn tay khéo léo của các cô, các bà đã nên những chiếc bánh tròn trịa, xinh đẹp. Bánh Tráng của xóm bà Lèo cỡ bánh từ 2,5 - 3 tấc, phơi trên vỉ tre.

Tết đến, nông thôn đồng bằng sông Cửu Long nhà nào cũng trữ cả trăm bánh Tráng nên bánh tráng xóm bà Lèo được dịp lan toả khắp nẻo đường. Bánh Tráng làm gỏi, làm chả giò, chả rế hoặc cuốn thịt cá Tai Tượng chiên, cá Lóc nướng trui cùng rau sống chấm mắm nêm. Hương dân dã nồng thơm tê đầu lưỡi. Vị bánh tráng xóm bà Lèo đậm đà biết mấy./.


Theo báo Tiền Phong
 

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Re: Đặc sản ít người biết của Sóc Trăng
« Trả lời #4 vào: Tháng Tám 02, 2008, 09:04:51 AM »
Bánh Coóng Sóc Trăng



Ở đồng bằng sông Cửu Long đa số các gia đình đều biết làm bánh coóng. Nhân bánh được làm từ con tép đất đem hấp cách thủy, thịt nạc xay mịn, đậu xanh luộc chín tất cả trộn vào nhau, bột bao bên ngoài (bột gạo) nhân thịt ở giữa bánh, tôm (tép) trên mặt bánh. Khuôn bánh có hình ống, làm bằng thiếc, vì vậy mà có tên gọi nôm na: bánh coóng. Bánh được nhúng vào chảo dầu ăn, hoặc mỡ nóng sôi. Khi bánh chiên gần vàng, người ta trút ngược coóng xuống để bánh trôi lên chảo đang sôi cho tới khi vỏ bánh có mầu vàng.

Bánh coóng Sóc Trăng nổi tiếng phải kể tới bánh coóng Đại Tâm. Nơi đây có cách pha bột và nhân bánh được coi như bí quyết nghề nghiệp chỉ truyền trong gia đình, người ngoài muốn học phải tốn từ 2 đến 3 chỉ vàng và người học nghề phải ở cách xa vùng Đại Tâm vài chục cây số. Tương truyền bánh cống có nguồn gốc từ người Khmer Nam Bộ, nhưng trong quá trình giao lưu ẩm thực, đồng bào Hoa thêm bớt một ít cách làm bột, cách làm nhân, người Kinh cũng pha trộn thêm một ít tạo nên bánh cống Đại Tâm ngon như ngày nay.

Để có được một cái bánh coóng thơm ngon, giòn, xốp, trước hết người làm bánh phải chọn loại gạo tẻ ngon như Tài Nguyên, Nàng Hương,... ngâm 2 đêm rồi mới xay. Sau khi xay, pha nước muối loãng hoà với bột cho vào hũ ngâm tiếp một vài đêm nữa để sử dụng dần. Bánh coóng Đại Tâm ngoài nguyên liệu bột gạo còn có bột đậu nành, bột khoai lang khi chiên chín vỏ bánh coóng vàng như bánh bông lan và khi ăn xốp giòn. Bí quyết pha bột để đổ vào coóng, cho vào chảo dầu sôi rất quan trọng vì nó quyết định hương vị của bánh có ngon hay không.

Bánh cống ăn kèm với rau đồng nội như: lá non cây lụa có vị chua, lá non cây cơm nguội có vị chát, cải xanh có vị nồng, rau thơm nhất là húng lũi có vị cay. Nước chấm bánh phải là loại nước mắm ngon và sánh như mật ong, có đủ mặn, ngọt, chua, cay và nhất định phải có củ cải xắt nhỏ và dưa kiệu. Tất cả quyện vào nhau tạo thành một hương vị thôn quê, dân dã và bình dị.


Nguồn: Kỷ Nguyên Mới - SocTrangOnline
 

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Re: Đặc sản ít người biết của Sóc Trăng
« Trả lời #3 vào: Tháng Tám 02, 2008, 08:59:14 AM »
Bốn món “hương đồng gió nội” không thể bỏ qua

Sóc Trăng, mảnh đất văn hóa đặc trưng có nhiều điều tuy cũ mà mới, đặc biệt những món ăn mang đậm nét Nam bộ. Phần này, Phương Quang giới thiệu với các bạn xa gần bốn món mang hương vị hương đồng gió nội rất ư Sóc Trăng.

“Năng trộn gỏi gà” - Tuyệt chiêu của vùng Ngã Năm

Hẳn đã là người Sóc Trăng thì các bạn vẫn còn nhớ câu hát vui: Ai về Thạnh Trị “ăn Năng”. Năng ở đây là loại năng bộp, cọng lớn như đầu đũa, thường mọc ở những vùng lung, trũng nhiễm phèn, mặn.

Nguyên liệu

- Một rổ năng bộp, khi nhổ,nên chọn những cọng năng non và lớn.

- Một con gà mái tơ chừng một ký rưỡi.

Chế biến:

Cọng năng, lột bỏ phần vỏ và phần già cứng, rửa sạch để ráo.

Gà làm thịt xong, đem luộc chín.

Với năng, nên ngắt cọng thành từng đoạn ngắn khoảng 4cm, tức chừng hơn hai lóng tay, mục đích là để cho dễ gắp mà. Dùng một tô lớn, đổ vào nửa chén giấm, 1 muỗng đường cát, chút bột ngọt, một muổng nước mắm ngon. Hòa tan đường và bột ngọt. Sau đó tưới đều lên phần năng đã ngắt sẵn, trộn đều. Rau răm sắt mỏng trộn thêm vào cho thơm. Với thịt gà-xé-phay từng miếng nhỏ vừa ăn, không nên dùng dao chặt. Xé xong, cho tất cả vào phần gỏi năng và trộn lại cho đều và thấm.

Khi ăn, bày ra dĩa, rắc thêm lên mặt rau răm lá và rau húng quế .Vậy là ta đã chế biến xong món: “Năng trộn gỏi gà”. Món này chấm nước mắm ớt tỏi, hoặc muối ớt đều ngon.

Tuy nhiên, cũng phải thông báo tới các bạn là “Năng” bây giờ đã hơi bị hiếm vì nước ngọt và hệ thống thuỷ lợi đã được đầu tư nhiều nên bà con mình đã cải tạo rất nhiều lung trũng để làm lúa, nuôi cá. Kiếm được một rổ năng bây giờ coi bộ “hơi khó”. Loại này trước đây bị xem là “cỏ dại” nhưng giờ đây lại được xếp vào hàng “đặc sản”. Tôi đã chứng kiến một “Ông tây” chuyên gia khi xây dựng nhà máy chế biến gạo chất lượng cao Ngã Năm đã chén sạch hết một dĩa “tú ụ” đặc sản này và luôn miện khen ngon và còn cho rằng đây là loại “rau sạch ngon nhất” mà ông ta đã được thưởng thức.

Cá trê nướng mẻ

Vẫn là món cá và kiểu chế biến chính là nướng...nhưng lần này đối tượng của chúng ta là những chú cá trê. Đặc biệt nếu được cá trê vàng chính hiệu thì càng độc chiêu.

Cá trê bây giờ khá khó kiếm loại cá trê vàng, trê trắng đặc sản của đất Nam bộ ngày xưa. Nhưng không sao. Với những chú cá trê Vàng Lai nặng khoảng 250 đến 300 gram là bạn đã có thể chế biến. Đừng chọn cá lớn quá vì cá sẽ khó chín đều.

Chuẩn bị chế biến.

Cá trê làm sạch-móc sạch ruột và mang, rửa sạch để ráo. Xin mách bạn là cá trê lai khá nhiều nhớt, muốn sạch nhớt, bạn hãy vuột nhớt bằng cám sẽ sạch hơn vuột bằng tro.

Cơm mẻ đánh nhuyễn, nêm thêm chút muối, ít bột ngọt, trộn thêm sả củ bằm nhuyễn.

Cá trê khứa xéo theo chiều ngang thân, dùng muổng trét cơm mẻ theo thân cá cho đều.

Bụng cá cũng dồn thêm cơm mẻ. Để chừng 15 –phút cho cá thấm đều thứ gia vị này. Sau đó xiên cá và nướng trên lửa than.

Chú ý xoay cá và nướng cho vàng đều-cá chín thật vàng và thơm-không khét. Ăn nóng càng ngon. Món này ăn kèm các loại rau của đồng nội như: lá cách, lá sung, lá sộp, lá cát loài hay cải trời. Nếu bạn nào không quen “chấm” cơm mẻ sống thì có thể chấm muối ớt. Bảo đảm với các bạn-món này chưa có trong thực đơn của bất kỳ nhà hàng nào.

Còn hương vị ư- rất khó tả – thưa các bạn! Cách để biết mùi vị của món này thì chỉ có thể thử. Xin mời các bạn có tâm hồn “Trư Bát Giới” và muốn tìm hiểu những Đặc sản của miệt đồng thứ thiệt hãy thử và cho biết ý kiến!

Cá lóc nướng mướp

Bây giờ đang là mùa tát đìa nên ở chợ có sẵn khá nhiều cá lóc. Giá cả lại rẻ. Đây chính là cơ hội để các bạn thực hiện món “Cá Lóc nướng mướp”. Tin rằng, với món cá này, dù chúng ta có ăn nhiều cá đến đâu cũng không cảm thấy ngán. Cá lóc dùng để nướng mướp các bạn nên lựa cá chỉ cỡ 250 gram đến 300 gram.Mỗi con cá lóc là một trái mướp trọng trọng hơn nửa kg đến 700 gram.Gia vị đễ ướp thì có tiêu, đường, bột ngọt, muối và hành lá.

Cá lóc làm sạch, móc bỏ mang và để ráo. Dùng tăm nhọn săm đều lên mình cá từ đầu đến đuôi. Tiêu đâm nhuyễn, hành lá thái nhỏ, muối, bột ngọt nêm vừa miệng trộn đều và ướp lên mình cá, để khoảng 15-20 phút cho thấm. Với mướp, chúng ta mổ dọc theo chiều dài. Bỏ ruột mướp sao cho vừa bằng chiều dài của cá. Khi nướng, bỏ cá vào trái mướp. Dùng dây cột chặt trái mướp và bỏ vào lò nướng. Mà phải nướng nhiều than mới ngon. Không có lò nước thì ta có thể dùng than dừa, lấp kín trái mướp theo kiểu nướng trui. Đến khi vỏ ngoài của trái mướp khét đen thì mình cá cũng đã chín. Nước chấm của món cá này nên dùng nước mắm chua mới ngon. Đặc biệt là nước mắm me.

Vỏ mướp đã cháy khét. Các bạn chắc sẽ nhận ra hương thơm khác lạ! Mỗi người một con - nếu ngon thì bữa khác...xin mời bạn tiếp tục mua mướp và ..cá lóc về để chế biến.

Lưu ý các bạn là chỉ có những bậc lão niên mới được dùng kèm với rượu đế đó nghen.

Thú ăn ốc Mài!

Bạn đã biết đến ốc Mài chưa? Chắc chắn với những bạn ở miệt đồng thì rành loại ốc này, nhưng với các bạn ở nơi phố thị thì có lẽ ít biết đến - chỉ trừ những bạn...vẫn thường hay “Có những chiều trốn học đuổi bướm ở bờ ao - Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc.”Có phải vậy không các bạn!

Bây giờ đã gần cuối mùa hạ - ruộng đồng hầu như nứt nẻ chân chim. Những con ốc lác, ốc bu, ốc quắn đều vùi mình vào đất để trốn nắng. Chúng thường chọn những khoảnh đất trũng trong đám ruộng hay gần bờ mương để vùi mình. Chỉ ban đêm mới mở mài để hứng sương mà sống. Chính vậy mà ta gọi chúng là những chú ốc mài. Như một kỳ ngủ đông – trước khi vùi mình,những chú ốc đều chuẩn bị cho mình một lượng năng lượng dự trữ. Chính vì vậy mà hầu như chú ốc mài nào cũng mập ú.

Một đặc điểm nữa là bộ ruột của các con ốc này đều rất sạch - khi bắt về là có thể ăn ngay. Đi bắt ốc mài, bạn chỉ cần trang bị một lưỡi dao nhỏ, chọn một mảnh ruộng hay đáy ao trũng đã khô nước, lựa phần đất nào ẩm nhất, khẽ cạy từng vuông nhỏ, vuông nhỏ kế tiếp nhau, chọn lấy những chú ốc nào mà mài ốc vẫn còn ẩm nước, cầm lên hơi nặng tay. Ăn ốc mài, chọn ốc lác là ngon nhất. Khi chế biến, rửa sạch bùn đất là xong.

Ốc mài có thể ăn theo nhiểu cách! Nào là luộc mẻ, luộc lá sả, luộc hèm chấm với cơm mẻ hoạc nước mắm sả. Nhưng thú nhất vẫn là cách ăn theo kiểu của trẻ mục đồng là nướng-chồn, nướng vỉ-chấm muối ớt-chanh. Nếu nướng chồn-vùi hết lũ lớn ốc vào đống un...lửa tàn, gạt tro lấy ốc ra dĩa. Còn nướng vỉ thì khi ốc sôi hết nước, bắt ra - dùng ghim lể ốc. Bộ ruột của ốc mài trắng phau, nhìn là thèm ngay.

Và bây giờ, mời bạn cùng tôi đi bắt ốc mài kẻo mùa mưa sẽ tới!


(Phương Quang – member of STO)
 

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Re: Đặc sản ít người biết của Sóc Trăng
« Trả lời #2 vào: Tháng Tám 02, 2008, 08:54:36 AM »
Cốm dẹp trong lễ hội cúng trăng của người Khmer



Với người Khmer, trăng tháng 10 âm lịch là trăng tròn, biểu tượng cho điều lành của một năm mới tràn đầy hạnh phúc với mùa màng bội thu. Cũng vào dịp này con người tỏ bày sự giao cảm với đất trời qua lễ cúng trăng hay còn được gọi là lễ hội Oóc-om-bók.

Trong lễ hội Oóc-om-bók cúng trăng rằm tháng 10, đồ cúng ngoài các loại trái cây, dừa, chuối còn không thể thiếu được cốm dẹp. Khi mưa vừa dứt hạt, gió hiu hiu làm căng sữa những hạt lúa đầu mùa, người Khmer cùng nhau hái lúa nếp làm cốm dâng cúng ông bà và làm món quà ra mắt đầu năm.

Lúa nếp hườm hượp chín được đem sàng kỹ, om (rang nóng) rồi giã trong cối vuông tròn để có được những hạt cốm dẹp trong ngần, thơm ngát hương nếp đầu mùa, hứa hẹn những ngày bội thu sắp tới. Cốm giã xong, hương nếp thơm bát ngát tỏa lên và được bày trang trọng trong om-bók.

Đồ cúng được chuẩn bị xong, tất cả cùng ngồi một hướng chờ trăng từ từ lên cao. Khi trăng lên tới đỉnh, mọi người cùng reo hò, tiếng trống, tiếng cồng trỗi lên, tất cả cùng chắp tay hướng về mặt trăng. Trong nghi lễ cúng trăng, cốm dẹp được đút (gọi là oóc) cho mỗi đứa trẻ tham dự, vừa đút cốm dẹp, vị chủ lễ vừa đấm nhẹ vào lưng các em và hỏi chúng năm nay muốn cầu được gì? Có em ước được nhiều ngọc ngà châu báu, lúa thóc đầy bồ. Có em ước được học giỏi, muốn lên thăm chú thỏ trên cung trăng... Những câu trả lời của các em cũng là ước nguyện, là niềm tin của mọi người vào thành quả lao động sản xuất trong mùa vụ tới.

Xong lễ, những chiếc đèn gió được thả lên trên trời với tiếng hò vang hòa lẫn tiếng cồng, tiếng trống. Mọi người lại tham gia các trò chơi, thả đèn nước và múa vui nhân dịp lễ cúng trăng.

Xưa kia người Khmer ăn cốm dẹp với tép rang, hoặc dùng cốm dẹp với chuối ăn cho chắc bụng. Ngày nay, cốm dẹp được trộn với dừa, đường thốt nốt (hoặc đường cát) thành một món ăn chơi nhưng cũng đủ no lòng, nhất là vào những ngày đi trẩy hội Oóc-om-bók và xem các lễ hội như đua ghe ngo cũng tổ chức vào dịp này của người Khmer.


Nguồn tin: http://www.nhandan.com.vn
 

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Đặc sản ít người biết của Sóc Trăng
« vào: Tháng Tám 02, 2008, 08:50:14 AM »
Cốm Giẹp - đặc sản Sóc Trăng



Nói về các món đặc sản ở Sóc Trăng thì khách phương xa sẽ nghĩ ngay đến bánh Pía, Lạp Xưởng, Bánh Coóng nhưng ít ai biết rằng Sóc Trăng còn có một món ăn đặc sản khác rất hấp dẫn là Cốm Giẹp. Đây vừa là một món ăn dân dã mà cũng là một món ăn gắn liền với nếp văn hoá tín ngưỡng của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Thông thường, khi người miền Nam nói tới món Cốm này thì gọi là cốm "dẹp" vì đấy là lối phát ân của người miền Nam nhưng thật ra phải gọi là cốm "giẹp" mới đúng.

Để có món cốm này thì vào khoảng tháng 10 âm lich, người nông dân Khmer phải ra đồng lựa lúa vừ mới trở mình sắp chín ( dân gian gọi là dốt dốt) thì hạt cốm mới ngon vì nó còn giữ mùi thơm của nếp lại mềm. Người ta cắt lúa này về bỏ lên chảo rang sơ rồi cho vào cối đâm ( giã) cho hạt lúa tróc vỏ trấu ra và vì hạt lúa chưa chín tới nên hạt nếp bên trong sẽ bị giẹp nên gọi là cốm giẹp xin xem chi tiết tại đây


Thực hiện: Khoa Nam - STO
 


Tags:
 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
2 Trả lời
2601 Lượt xem
Bài mới Tháng Mười 14, 2010, 01:17:30 PM
Gửi bởi lee nguyen
0 Trả lời
2912 Lượt xem
Bài mới Tháng Hai 15, 2011, 11:05:55 AM
Gửi bởi Fiditour
0 Trả lời
2463 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 23, 2013, 10:38:32 AM
Gửi bởi conan2001
0 Trả lời
1447 Lượt xem
Bài mới Tháng Mười Một 22, 2013, 11:17:05 AM
Gửi bởi ausviet123
0 Trả lời
1388 Lượt xem
Bài mới Tháng Sáu 05, 2014, 02:46:46 PM
Gửi bởi dulichtuxu

Vinpearl Nam Hội An - khởi hành từ Đà Nẵng
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
1,100,000
Đặt ngay
Động Thiên Đường - sông Chày - Hang Tối 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
1,620,000
Đặt ngay
Tour tham quan Sài Gòn 1/2 ngày (Saigon City Tour)
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
160,000
Đặt ngay
Sapa - chợ Bắc Hà 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
710,000
Đặt ngay
Tour miền Tây 2N1Đ (Mỹ Tho - Bến Tre - Cần Thơ)
Tour: Thám hiểm
2 ngày 1 đêm
610,000
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác

Chủ đề mới nhất


Mobile View