Ai Cập có nền văn minh rực rỡ, nên đó là điểm đến rất hấp dẫn của khách du lịch. Do vậy, ngành du lịch Ai Cập có doanh thu đến 4 tỉ USD/năm.
Một người bạn cao niên của tôi vừa theo một tour du lịch đi Ai Cập về, đến gặp tôi tâm sự: "Đoàn có đến kim tự tháp Cheops ở gần thủ đô Cairo, đến cây đèn biển Pharos ở Alexandria là 2 trong 7 kỳ quan cổ đại của loài người. Nhưng theo lời ông kể trước đây, còn có những di tích kỳ diệu khác ở gần đó mà chẳng thấy họ cho đoàn mình đi thăm, tại sao như vậy? Có phải đời người dễ có ai đi thăm Ai Cập được đến lần thứ 2 đâu ?".
"Chiêu" kinh doanh.- Đúng là có chuyện như ông bạn cao niên kể trên, mà lý do thì rất đơn giản. Những công ty ở ta tổ chức tour du lịch Ai Cập thường "bỏ quên" một số điểm chỉ vì nếu vào tham quan, sẽ phải... mua vé ở những điểm này, vậy thôi! Họ "rút gọn" để chào một giá ít tiền, hấp dẫn du khách. Vả lại, khi nói tới Ai Cập, bà con mình thường nhắc ngay tới 2 kỳ quan nói trên, tuy rằng rất đúng nhưng chưa đủ. Chỉ riêng ở xung quanh kim tự tháp Cheops còn 2 điểm không thể nào bỏ qua mà nếu thiếu nó, sẽ mất khoảng... 50% ý nghĩa của chuyến đi: Đó là tượng Sphinx đầu người mình sư tử (thường được gọi là con Nhân sư) và chiếc thuyền Mặt trời (Solar Boat) được coi là chiếc thuyền gỗ đầu tiên của loài người cổ đại.
Cũng phải nói thêm là ngành du lịch Ai Cập - với doanh thu gần 4 tỉ USD/năm - có những "chiêu" kinh doanh rất khôn ngoan. Bắt đầu vào khu vực 3 kim tự tháp (trong đó có kim tự tháp Cheops) ở Gizah, cách thủ đô Cairo chừng 15 km, là đã phải mua vé. Muốn chui vào trong ruột kim tự tháp Cheops để xem "Phòng nhà vua" và "Phòng hoàng hậu" (nơi đã từng để xác ướp của Pharaon và hoàng hậu), phải mua vé lần nữa. Ra nơi có tượng Nhân sư để tham quan và chụp hình, lại phải mua vé và đương nhiên muốn vào ngắm nghía Solar Boat, cũng phải mua vé. Giá vé mỗi điểm đó thường chỉ từ 2 đến 3 USD, nhưng cộng lại 4 điểm thì cũng là trên dưới 10 USD rồi! Tuy nhiên "phía ta" cũng có thể áp dụng một "chiêu" khác: Mời ông đại sứ Việt Nam đi tham quan cùng với đoàn! Dùng một chiếc xe microbus của đại sứ quán (gắn biển số xe ngoại giao) chở được khoảng 10 người với tư cách là "khách của đại sứ" thì được miễn phí ở tất cả các điểm, lại còn được ưu tiên vào tham quan trước, khỏi phải xếp hàng!
Nhân sư mở miệng... cười.- Có một truyền thuyết đáng để suy ngẫm về tượng Nhân sư. Truyền thuyết kể lại rằng: "... Khi xây dựng xong pho tượng Sphinx này - khoảng 2.500 năm trước Công nguyên- có một lời nguyền rằng bất kể ai đến đứng trước tượng, nói được một câu thật thâm thúy, sâu sắc, triết lý...thì pho tượng Nhân sư đó sẽ cười! Thế là đã từng có bao nhiêu học giả, nhà tư tưởng, nhà hiền triết của nhiều phương trời tìm đến đó, phát biểu những lời thật cao sang, thâm trầm, huyền bí... nhưng tượng Sphinx vẫn trầm ngâm, im lặng. Duy nhất một lần, có một em bé lên 3 đi cùng với bà mẹ trẻ trong đám đông, khi bị tuột tay khỏi bàn tay của mẹ, em cất tiếng gọi "Mẹ ơi" và điều kỳ diệu đã xảy ra: Pho tượng Nhân sư cất tiếng cười giòn giã và đó là lần duy nhất trong suốt mấy ngàn năm nay!".
Tôi được nghe truyền thuyết này từ một vị giáo sư cao tuổi người Ai Cập kể lại trong một buổi tối ngồi uống trà với nhau bên bờ sông Nile. Vị giáo sư đáng kính đó còn nói thêm: "Đừng bao giờ bình luận, diễn giải truyền thuyết này bởi mọi ngôn từ đều bất lực, dẫu rằng người ta có thể viết được hàng trăm trang sách về tiếng gọi "Mẹ ơi". Ngài chắc còn nhớ những câu chuyện ngụ ngôn của Ezov trong sử Hy Lạp cổ đại, khi nghe xong không bao giờ được hỏi "thế nghĩa là thế nào ?".
Đến với thuyền Mặt trời (Solar Boat).- Những năm 50 của thế kỷ trước, một đoàn khảo cổ hỗn hợp gồm cả người Ai Cập và nước ngoài đã phát hiện một chiếc hầm lớn nằm sâu dưới lớp cát của vùng sa mạc Gizah, nhờ những bức ảnh viễn thám chụp bằng tia hồng ngoại. Sau khi bới lớp cát dày hàng chục mét, người ta tìm thấy một lớp đá phiến lớn, mỗi phiến dài hơn 10 m, rộng 1,5 m và dày khoảng 0,5 m. Hơn 20 phiến đá như vậy xếp liền nhau như một cái nắp đậy bằng đá. Cạnh của các phiến đá được mài nhẵn đến độ xếp khít vào nhau tựa như liền một khối, nhưng không hề có một chất kết dính nào dù là keo hay nhựa cây (thời đó đương nhiên chưa thể có... xi măng!). Thận trọng cẩu từng phiến đá lên và cả đoàn khảo cổ dường như không tin vào mắt mình: bên dưới là một chiếc hầm lớn, cũng lót đá, chứa một chiếc thuyền gỗ còn nguyên vẹn. Bằng phương pháp đo phóng xạ carbone C14 và căn cứ vào những chữ tượng hình cổ đại ở vách hầm, người ta biết được chiếc thuyền gỗ đó có "tuổi đời" cùng với tuổi của kim tự tháp Cheops, nghĩa là khoảng 2.500 năm trước CÔNG NGUYÊN.
Điều kỳ diệu nhất của thuyền Mặt trời là cách thức nối các tấm ván thuyền lại với nhau. Thời đó hình như chưa có các loại keo, lại cũng chưa thể có sắt thép để làm đinh đóng thuyền. Những tấm ván gỗ đã được "may" lại với nhau như thể dùng những cây kim khâu tay nối từng mảnh vải ngày nay. Cũng những "đường kim mũi chỉ" như vậy, nhưng những "lỗ kim" được dùi rất đều và "chỉ" là những sợi dây bện bằng sợi gai hay sợi lanh gì đó, vừa khít. Người thuyết minh nói rằng khi gặp nước, sợi "chỉ" này nở ra đến mức nước không thể thấm qua những "lỗ kim" đó ! Cạnh của các tấm ván cũng được các nô lệ thời đó mài đến mức khít với nhau, không cần thêm loại keo hoặc nhựa nào để trám thuyền như ngày nay. Người thuyết minh nói rằng theo dự đoán của các nhà khảo cổ, chiếc thuyền này đã được sử dụng để chở những phiến đá lớn từ thượng nguồn sông Nile về xây các kim tự tháp, với khoảng cách hàng ngàn cây số.
Bên cạnh nhà trưng bày này lại là một khu đất rộng quây bạt kín và người ta đang tìm kiếm vì đã có dấu hiệu của một chiếc thuyền khác tương tự đang bị vùi sâu dưới cát. Điều này dễ hiểu vì hàng ngàn năm nay, cát trên sa mạc đã vùi lấp biết bao nhiêu công trình. Ông giám đốc nhà trưng bày còn cho biết đã có một nhà tư bản Hoa Kỳ nài nỉ xin được mua lại chiếc thuyền Mặt trời này nếu khai quật được chiếc thuyền thứ 2 và ông xin "đặt giá" là 10 triệu USD! Kể lại chuyện đó, ông giám đốc nhà trưng bày cười cười một cách ý nhị: "Họ cứ tưởng bỏ tiền ra là có thể mua được mọi thứ!??.
Theo nld.com.vn