Chia sẻ kinh nghiệm
Xin chào tất cả quý bạn đọc, lời đầu tiên tôi xin chúc tất cả có một năm mới tràn đầy sức khỏe và thành công trong công việc.
Tôi vốn là một sinh viên ngành quản trị du lịch, trong quá trình làm báo cáo thực tập tôi đã có dịp tham gia và khảo sát một cách khái quát thị trường du lịch tại Đà Nẵng, thật sự tôi nhận thấy có rất nhiều vấn đề xảy ra trên thành phố du lịch này, bản thân tôi cũng có rất nhiều câu hỏi sau những vấn đề như thế. Nay trong bài viết này, tôi xin mạn phép được chia sẻ hai vấn đề để bạn đọc gần xa nếu quan tâm đến lĩnh vực du lịch có thể cùng bàn luận và giải đáp cho tôi. Thành thật rất cám ơn.
Đầu tiên, thành phố Đà Nẵng dưới sự dẫn dắt đúng đắn và tài tình của lãnh đạo thành phố đã từng bước thay da đổi thịt và phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu Việt nam. Không chỉ thế mà khi du khách đến nơi đây hầu như rất hài lòng về cả thành phố lẫn con người Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng không chỉ vừa sạch đẹp lại trong lành, mật độ lưu thông không quá dày, tệ nạn xã hội ít, mà con người Đà Nẵng hiền lành, hiếu khách và luôn tỏ ra thân thiện, đặc biệt là rất thật thà chất phác, chính điều đó cũng đã tạo điều kiện để ngành du lịch Đà Nẵng phát triển.
Cùng sự phát triển của thành phố là những dự án về khách sạn, các resort và những khu vui chơi giải trí được đầu tư rầm rộ, kéo theo nhiều công ty du lịch mọc lên như nấm sau mưa, và từ đây, thị trường du lịch Đà Nẵng có nhiều chuyển biến phức tạp.
Trước hết phải nói đến hoạt động của các công ty du lịch. Tham gia vào thị trường này có ba công ty lớn đã hoạt động từ rất lâu trên toàn nước Việt Nam, đó là Vitour, Saigontourist và Vietravel. Thực chất, các công ty này tại Đà Nẵng hầu như hoạt động bằng các văn phòng đại diện và chuyên thực hiện những tour xuyên Việt hay các tour khách quốc tế, giá cả luôn nằm ở mức cao ngất ngưởng. Tiếp theo ba công ty vừa kể trên thì hàng loạt các công ty “con” khác mọc lên do những người dân bản địa tại Đà Nẵng mở công ty kinh doanh du lịch. Thoạt đầu cho đến nay có lẽ ước tính chừng vài chục công ty du lịch tham gia hoạt động, nhưng thất bại cũng không ít do sự cạnh tranh mạnh giữa các công ty. Hiện nay, nổi lên về số lượng khách ổn định cùng dịch vụ tour có chất lượng là hai công ty sau: Đà Thành, Đà Nẵng Xanh (Danangreentravel). Những công ty khác vẫn có nguồn khách của riêng mình, tuy nhiên, các công ty này chỉ tập trung khách từ hai nguồn, đó là quảng cáo trên internet và khách do các lễ tân khách sạn gởi đến công ty. Đương nhiên, khi gởi khách thì phải có chiết khấu cho lễ tân, và số tiền có thể là từ 100 000 đồng/khách đến 150 000 đồng/khách. Chính điều này dẫn đến việc các công ty tại Đà Nẵng cạnh tranh nhau về lượng khách từ nguồn khách sạn rất gay gắt, vấn đề giảm giá tour khi thông báo đến đối tác (lễ tân) diễn ra khá “sôi nổi” trong thời điểm cuối năm vừa rồi, bởi đó là mùa thấp điểm và đặc biệt hơn là những tour như Ba Na và Hoi An giảm đến mức chỉ còn gần như huề vốn. Vì thế, để có thể tiếp tục “trụ” được, các công ty du lịch buộc phải cắt giảm nhiều vấn đề trong dịch vụ tour, chẳng hạn như suất ăn, các tuyến điểm tham quan, v.v… Qua đó, chất lượng tour đương nhiên giảm xuống đáng kể mà bản thân các công ty du lịch cũng không kiếm được lãi suất bao nhiêu, trong khi đó giá tour bán đến tay du khách thì vẫn không hề giảm bớt được xu nào. Cạnh tranh không đúng cách quả thật “lợi bất cập hại”, mà cái hại ở đây ảnh hưởng đến chính các công ty du lịch, khách hàng và thị trường du lịch Đà Nẵng, vậy ai là “ngư ông đắc lợi” trong chuyện này?
Vấn đề tiếp theo cần nói là vấn đề đón bắt khách của xe thồ và các Taxi tại cảng Tiên Sa, chỉ cần khi có tàu cập bến thì đã có ngay một đội ngũ đợi trước cảng rồi. Trong trường hợp có xe lớn đến đón cả một đoàn đã được đặt trước thì không có chuyện gì xảy ra, nhưng nếu có khách đi bộ ra khỏi cửa thì xảy ra vấn đề chèo kéo, tranh giành khách, lúc này chỉ khổ cho những người đi đón người nhà hay bè bạn của mình, hoặc là hướng dẫn viên hay các nhân viên nhận nhiệm vụ đón khách tại cảng vì đã có hẹn trước. Tất nhiên, nếu khách là người có thể sử dụng tiếng Việt thì vẫn có thể thanh minh dùm cho người đi đón, nhưng nếu như khách là người nước ngoài thì hết cách thanh minh bởi vì “đội xe” tại đó đâu có hiểu được họ nói gì và vẫn cho rằng có người nơi khác đến bắt khách của mình. Điều này khiến không chỉ mất thời gian còn gây ra sự không hài lòng của cả du khách và người đang công tác. Thật là tai hại!
Trong bài viết này mình chỉ nêu hai vấn đề đó để mọi người tiếp cận được gần hơn về vấn đề kinh doanh du lịch tại Đà Nãng hiện nay vẫn còn nhiều điều rắc rối, chưa thật sự ổn định, bên cạnh đó là vẫn còn những hiện tượng bất cập tại cảng Tiên Sa. Hy vọng bạn đọc có thể đưa ra những lý giải hợp lý cùng các biện pháp xử lý tối ưu.
Xin chân thành cảm ơn!